1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Kiến trúc sư trong vụ Bạc Hy Lai gặp các nhà ngoại giao Pháp

(Dân trí) - Một kiến trúc sư người Pháp có liên hệ tới vụ bê bối chính trị của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã gặp gỡ các nhà ngoại giao Pháp tại Bắc Kinh và "vẫn khoẻ mạnh".

 
Patrick Devillers trong cuộc phỏng vấn.

Kiến trúc sư Patrick Devillers.

Ông Patrick Devillers đã gặp 2 nhà ngoại giao Pháp hồi cuối tuần qua sau khi bay tới Trung Quốc từ Campuchia, nơi ông này từng bị bắt giữ trong vài tuần theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc, một phát ngôn viên giấu tên tại đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh tiết lộ.

“Ông ấy dường như có sức khoẻ tốt và tinh thần cũng tốt. Theo những gì mà các đồng nghiệp của chúng tôi có thể nhìn thấy cho tới nay, ông ấy vẫn ổn”, phát ngôn viên nói.

“Chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên với ông ấy. Chúng tôi cũng liên lạc với giới chức Trung Quốc về vụ việc này, cả ở Bắc Kinh lẫn Paris”, phát ngôn viên cho biết thêm.

Bộ ngoại giao Pháp trước đó cho biết đã đề nghị phía Trung Quốc cho phép tiếp cận với kiến trúc sư 52 tuổi.

Ông Devillers từng là đối tác làm ăn thân thiết và cũng bạn của ông Bạc Hy Lai và bà vợ Cốc Khai Lai, mặc dù chưa rõ vai trò chính xác của ông này.

Cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã bị tước tất cả các chức vụ hồi đầu năm nay vì “các vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Trong khi đó, vợ ông là nghi phạm chính trong cái chết bí ẩn của một doanh nhân Anh Neil Heywood tại Trung Quốc hồi năm ngoái.

Devillers được tin là đã trở nên thân thiết với vợ chồng ông Bạc vào những năm 1990, khi ông Bạc thuê kiến trúc sư Pháp để thực hiện một số công việc kiến trúc tại thành phố Đại Liên.

Ông Devillers bị bắt giữ tại Phnom Penh hồi tháng 6 theo yêu cầu của Bắc Kinh và đã lên một chuyến bay đi Trung Quốc hôm 17/7 sau khi được giới chức Campuchia trả tự do.

Các quan chức Campuchia và Bộ ngoại giao Pháp khẳng định rằng ông Devillers tự nguyện tới Bắc Kinh để trợ giúp cuộc điều tra nhằm vào bê bối của vợ chồng ông Bạc.

Không rõ tại sao ông Devillers lại tình nguyện hợp tác với Trung Quốc. Phát ngôn viên đại sứ quán Pháp cũng không tiết lộ vì sao ông Devillers lại tới Trung Quốc, liệu ông có bị điều tra về bất kỳ tội danh nào hay không, cũng như nơi ở của ông hiện tại.

Khi được hỏi liệu ông Devillers có được tiếp cận với luật sư hay không, phát ngôn viên đã từ chối bình luận.

Trung Quốc cho tới nay vẫn không bình luận về chuyện bắt giữ ông Devillers tại Campuchia cũng như việc ông tới Bắc Kinh.

An Bình
Theo BBC, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm