Kích hoạt đòn đoạn tuyệt của NATO với Thổ Nhĩ Kỳ
Theo tờ Die Welt ngày 1/6, Đức đang tìm cách loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo vào năm 2018.
Ý tưởng này của Đức được 10 trong số 28 quốc gia thành viên của NATO ủng hộ.
Sự can thiệp của Berlin mở màn cho các cuộc xung đột khác trong mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều thành viên khác của NATO.
Đức dường như đã chuyển đổi chính sách đối ngoại trong thời gian gần đây, sau hội nghị thượng đỉnh G7. Giới chức Đức đã ám chỉ rằng Mỹ đã không còn đáng tin cậy và kêu gọi sự tự quyết của châu Âu. Thậm chí Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel còn dùng những lời lẽ cay nghiệt để mô tả về mối quan hệ với Washington.
Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với một số thành viên của NATO cũng đang trong tình trạng hỗn loạn. Cuộc đảo chính quân sự thất bại năm ngoái đã khiến Erdogan cáo buộc phương Tây, bao gồm cả Mỹ, đứng đằng sau vụ việc.
Sau sự kiện này, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen đã thông báo rằng, các nước thành viên NATO đang hướng tới căn cứ không quân ở Jordan nhằm thay thế cho căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Die Welt, các nhà ngoại giao cấp cao trong NATO đã giải thích cho những hành động mới đây như là một nỗ lực để kéo NATO ra khỏi các chính sách nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ: "Chúng tôi không muốn bị hiểu lầm rằng NATO đang hỗ trợ các chính sách nội bộ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ''.
Nhát dao đoạn tuyệt
Việc Đức loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi hội nghị thượng đỉnh NATO 2018, được giới phân tích ví như một nhát dao cắt đứt tình nghĩa nhạt nhòa giữa Ankara và Brussels. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đẩy Thổ đến gần với Nga hơn.
Hiện nay, Ankara và Moscow đang có một mối quan hệ nồng ấm hơn bao giờ hết tại Trung Đông. Nga và Thổ cùng nhau tham gia chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria, đây là điều mà những người lạc quan nhất cũng khó tưởng tượng ra.
Mới đây, hồi đầu tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Putin chúc mừng người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về kết quả cuộc trưng cầu ý dân vừa qua, đồng thời bày tỏ tin tưởng tình hình chính trị nội bộ tại Thổ Nhĩ Kỳ đang dần khôi phục sẽ tạo thêm xung lực thúc đẩy quan hệ hai nước.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố rằng, những biện pháp chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng tác động tới tình hình Trung Đông.
Ông Erdogan nhấn mạnh: "Chúng ta có cơ hội rất tốt để thảo luận các vấn đề trong quan hệ song phương, cũng như khu vực. Chúng ta đang gánh vác trên vai công việc rất quan trọng, trách nhiệm rất lớn lao. Và tôi tin rằng, những biện pháp mà chúng ta phối hợp thực hiện, đang làm thay đổi số phận toàn khu vực."
Những chủ đề chính được hai nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tập trung thảo luận là thực trạng và triển vọng phát triển quan hệ song phương, trong bối cảnh các thỏa thuận đã đạt được tại phiên họp Hội đồng hợp tác cấp cao diễn ra ngày 10/3 ở thủ đô Moscow
Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó trước hết là tìm kiếm giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng Syria, cũng như phối hợp trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.
Thư ký báo chí của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalyn đánh giá chuyến thăm Nga lần này của ông Erdogan "có ý nghĩa rất quan trọng", với các chủ đề thảo luận mà hai bên cùng quan tâm, từ kinh tế, thương mại, du lịch... cho đến việc Nga cung cấp hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Với kế hoạch vay tín dụng của Nga để mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh với phương Tây rằng, họ không cần dùng đến tiền của NATO để xây dựng hệ thống phòng không - phòng thủ của riêng mình.
Theo Đông Hà
Đất Việt