Kịch bản “thảm họa” nếu Mỹ chặn vốn đầu tư vào Trung Quốc
(Dân trí) - Các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo đáng lo ngại nếu Nhà Trắng thực sự triển khai phương án dừng vốn đầu tư sang Trung Quốc.
CNBC ngày 27/9 dẫn nguồn thạo tin cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc phương án chặn dòng vốn đầu tư sang thị trường Trung Quốc và hủy niêm yết của các công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ. Đây được xem là đòn giáng tiếp theo vào nỗ lực đàm phán thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mặc dù phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ Monica Crowley đã lên tiếng khẳng định chính quyền Trump chưa xem xét loại các công ty Trung Quốc khỏi thị trường chứng khoán Mỹ ở thời điểm hiện tại, song thông tin được đưa ra trước đó cũng khiến thị trường chứng khoán chao đảo và giá cổ phiếu sụt giảm.
“Nếu Nhà Trắng thông qua kế hoạch này, đây sẽ là một thảm họa hoàn toàn”, Stephen Roach, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Yale và là cựu chủ tịch ngân hàng Morgan Stanley châu Á, cho biết.
“Việc tiếp cận cởi mở giữa các thị trường với nhau thực sự quan trọng, đặc biệt khi Trung Quốc có thể là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trên thế giới trong nửa đầu thế kỷ này”, ông Roach nói với CNBC.
Theo ông Roach, Mỹ và Trung Quốc từng đàm phán “hiệp định đầu tư song phương” trong khoảng 10 năm trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra. Mục đích của việc đàm phán hiệp định là nhằm mở cửa thị trường Mỹ với Trung Quốc cũng như mở cửa thị trường Trung Quốc với Mỹ.
“Chúng ta từng thực sự tiến rất gần (tới việc đạt được hiệp định), nhưng bây giờ việc đó đang bị trì hoãn. Chúng ta đã có hiệp định đầu tư song phương với 42 nước, trong khi Trung Quốc có với 145 nước. Đầu tư tự do và cởi mở là cách tốt nhất để tăng cường cơ hội giữa các tập đoàn đa quốc gia, vì thế chúng ta đang đi sai hướng. Tôi thực sự quan ngại về việc liệu chúng ta có thể đạt được tiến triển hay không”, chuyên gia Roach nhận định.
“Đề xuất (chặn đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc) chắc chắn sẽ không làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Bước tiến triển duy nhất mà chúng ta thấy được là cái gọi là chiến lược đậu nành, trong đó (Mỹ) có thể kỳ vọng Trung Quốc mua thêm nông sản. Tuy nhiên, Mỹ đang có thâm hụt thương mại lớn với hơn 100 nước, do vậy vẫn chưa có giải pháp song phương cho các vấn đề đa phương của chúng ta”, ông Roach nói thêm.
Các quan chức thương mại Mỹ và Trung Quốc đang chuẩn bị cho vòng đàm phán cấp cao tiếp theo vào đầu tháng 10 tại Washington. Mục tiêu của cuộc đàm phán này là tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại kéo dài gần 15 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chuyên gia Zach Pandl tại tập đoàn Goldman Sachs cho rằng Nhà Trắng đã mở ra một “mặt trận mới” trong xung đột thương mại Mỹ - Trung khi đề xuất phương án chặn dòng vốn đầu tư sang thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, Mike Collins, nhà quản lý cấp cao tại tổ chức PGIM Fixed Income, nhận định đây tiếp tục là bằng chứng nữa cho thấy “mỗi khi mọi người nghĩ rằng cuộc chiến thương mại hạ nhiệt, thì nó lại tăng nhiệt”.
Theo nhà phân tích thị trường Ed Moya, “tương tự những gì diễn ra trước thềm các cuộc đàm phán cấp cao trước đây, Nhà Trắng đang tìm cách tăng cường sức nặng đàm phán bằng việc đưa ra lời đe dọa mới có thể nghiền nát các công ty Trung Quốc. Việc hạn chế đầu tư các quỹ của Mỹ vào thị trường Trung Quốc sẽ dẫn tới những tác động đáng kể và là thảm họa với ngành công nghệ. Lời đe dọa này là tín hiệu cho thấy chúng ta có thể dễ dàng chứng kiến các cuộc đàm phán thương mại đổ vỡ vào tháng tới”, ông Moya nhận định.
Thành Đạt
Theo CNBC, Bloomberg