1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kịch bản nào cho Syria sau khi Nga rút quân?

Tổng thống Nga Putin tuyên bố "đã hoàn thành nhiệm vụ" ở Syria, nhưng chiến trường Trung Đông này sẽ đi về đâu nếu không có Nga?

Tổng thống Putin luôn có những toan tính khó đoán trong vấn đề Syria. (Nguồn: russia-insider.com)
Tổng thống Putin luôn có những toan tính "khó đoán" trong vấn đề Syria. (Nguồn: russia-insider.com)

Các vòng hòa đàm Geneva (Thụy Sĩ) về việc lập lại hòa bình ở Syria cũng như thúc đẩy quá trình chuyển tiếp chính trị tại đây đạt được những thành tựu ban đầu vào cuối tháng Hai vừa qua, khi thỏa thuận ngừng bắn được phe chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và phe nổi dậy tuân thủ. Đến ngày 14/3, Nga bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi chiến trường Syria.

Kể từ đó đến nay, có rất nhiều ý kiến đánh giá về những toan tính của Moscow trong động thái rút quân chiến lược này, nhưng nhìn chung đều cho rằng Tổng thống Putin đã rất thực tế khi nói nước Nga đã "hoàn thành nhiệm vụ" ở đây: Nga đã đạt các mục đích đề ra trước khi đưa quân vào Syria trong khi các kịch bản sắp tới ở đất nước này chưa thể gây bất lợi cho Moscow.

Mục đích của Nga

Các cuộc đàm phán và sự xích lại gần đây giữa Nga và Mỹ, cùng với việc Nga rút bớt quân khỏi Syria, cho thấy lợi ích cũng như mục tiêu của Nga và chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể đã không còn hoàn toàn tương đồng. Trong ngắn hạn, Nga quan tâm nhiều hơn tới một kết quả đàm phán tích cực và do đó có thể không quá chú trọng vào việc phải giành được chiến thắng tuyệt đối trên chiến trường giống như chính quyền Assad. Mục tiêu của Nga là làm thay đổi những tính toán chi phí-lợi ích của phe nổi dậy để buộc họ tham gia đàm phán theo hướng có lợi cho ông Assad, chứ không phải là tiêu diệt lực lượng này.

Nếu cuộc chiến ngày càng nghiêng theo hướng có lợi cho cho ông Assad thì có nghĩa là lực lượng nổi dậy ngày càng yếu đi, như vậy, áp lực buộc ông Assad phải đàm phán cũng sẽ giảm. Chính quyền Assad không muốn đàm phán khi chiến thắng đã đến gần. Một lực lượng nổi dậy quá yếu về quân sự cũng sẽ không còn nhiều thực lực để đàm phán, và điều này khiến cho Syria khó có thể đi tới một chính phủ thống nhất hoặc khó xây dựng sự đồng thuận xã hội nhằm tạo nền tảng tốt hơn để đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như các lực lượng cực đoan khác.

Việc Nga rút quân là nhằm chứng tỏ cho các bên thấy mục đích của Nga chỉ là hỗ trợ nhằm tạo ưu thế trên bàn đàm phán cho ông Assad, chứ không phải nhằm tiến tới một chiến thắng quân sự tuyệt đối ở Syria hay đồn trú quân quy mô lớn lâu dài ở nước này. Từ hình hình này, có thể xem xét một số kịch bản cho Syria như sau:

Ba kịch bản

Kịch bản đầu tiên là một trong các bên ở Syria sẽ giành được chiến thắng tuyệt đối. Như phân tích ở trên, chính quyền Syria của ông Assad - với nhiều thắng lợi liên tiếp gần đây - có khả năng tái chiếm hai thành phố trọng yếu là Aleppo và Raqqa với điều kiện sự hỗ trợ quân sự của Nga tiếp tục được duy trì ở cường độ cao. Tuy nhiên, việc Nga vừa rút quân cộng với sự xích lại gần hơn với Mỹ cho thấy Nga hiện không coi kịch bản này là lựa chọn hàng đầu của mình.

Ngoài ra, nếu phe của ông Assad thắng, cuộc chiến chống IS sẽ khó khăn hơn bởi khi đó các nước xung quanh Syria (trừ Iran) như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh khác sẽ cô lập Syria và không hợp tác trong cuộc chiến chống IS vì không chấp nhận ông Assad.

Kịch bản thứ hai được xem là hợp lý hơn và có thể được các cuộc đàm phán hòa bình về Syria như Hội nghị Geneva xem xét là chính quyền ông Assad vẫn tiếp tục kiểm soát đất nước, nhưng mức độ kiểm soát các khu vực sẽ nới lỏng hơn và tính tự trị của một số khu vực của Syria như khu vực của người Kurd, khu vực của người Sunni sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, kịch bản này là một kịch bản khó chấp nhận với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Saudi Arabia và một số nước vùng Vịnh - những nước can dự vào Syria từ sớm với mục tiêu chiến lược là lật đổ ông Assad. Trong khi đó, nếu như trước đây Mỹ cũng coi việc lật đổ chế độ Assad là ưu tiên số một khi can thiệp vào Syria thì trong những tháng gần đây, đặc biệt kể từ sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Nga, Mỹ đã không đề cập nhiều đến việc tương lai của Syria có gắn với ông Assad hay không.

Kịch bản thứ ba là vẽ lại bản đồ Syria theo hướng liên bang hóa quốc gia này, trong đó phía Nam và Tây Nam có đa số là dân Alawite, người Cơ đốc giáo và người Druze sẽ thuộc chính quyền trung ương Damascus như hiện nay. Phía Bắc sẽ dành cho người Kurd Syria, còn người Sunni ở phía Đông và vùng trung tâm. Mỗi bang (vùng) sẽ có hạ viện và chính phủ tiểu bang riêng.

Việc hình thành một nhà nước liên bang Syria thống nhất mà vẫn đảm bảo chế độ của ông Assad có thể sẽ được chính quyền Assad chấp nhận, và nhận được sự đồng thuận từ hai cường quốc chủ chốt là Mỹ và Nga. Trong phương án B được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhiều lần nhắc đến, việc phân chia Syria có thể là một trong những lựa chọn tốt nhất nếu các giải pháp quân sự, ngoại giao như hiện nay tiếp tục bế tắc.

Tuy nhiên, với một khu vực như Trung Đông, việc Syria bị chia nhỏ cũng không đảm bảo được rằng các khu vực mới này sẽ ổn định, giống như ở Yemen hay Libya, khi các tiểu bang tiếp tục ở trong tình trạng bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh địa chiến lược mới giữa các cường quốc (Nga-Mỹ) và các quốc gia tầm trung trong khu vực (Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Saudi Arabia).

Theo TNB