Khủng hoảng Nga-Ukraine tại Biển Azov: Những toan tính chiến lược
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine tại biển Biển Azov hôm 25/11 một lần nữa phơi bầy những toan tính chiến lược giữa một bên là Nga và bên còn lại là Ukraine cùng đồng minh số một Mỹ.
Cuộc khủng hoảng mới nhất giữa Nga và Ukraine được đánh dấu bằng sự kiện Nga chặn 3 tàu Ukraine đi vào Biển Azov. Sau đó, lực lượng biên phòng Nga đã nổ súng khiến 3 quân nhân Ukraine bị thương với cáo buộc 3 tàu chiến Ukraine vi phạm lãnh hải.
Hải quân Ukraine sau đó đã cáo buộc Nga nổ súng và bắt giữ 3 tàu của lực lượng này một cách bất hợp pháp. Hải quân Ukraine cũng cáo buộc Nga tấn công tàu thuyền của nước này khi đang trở lại Odessa, một hải cảng ở Biển Đen, nơi các tàu này xuất phát.
Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng những hành động của Nga vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật lệ quốc tế, đồng thời tuyên bố "sẽ thông báo ngay lập tức cho các đối tác của Kiev về hành động gây hấn của Nga".
"Những hành động như vậy gây ra mối đe dọa đối với an ninh của tất cả các nước ở khu vực Biển Đen, vì vậy cần có phản ứng rõ ràng từ phía cộng đồng quốc tế", Bộ Ngoại giao Ukraine nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngay lập tức triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với giới tướng lĩnh quân sự và an ninh để thảo luận tình hình. Bộ Quốc phòng Ukraine hôm nay, 26/11, cho biết: “Theo quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng về việc thiết quân luật, Tổng tham mưu trưởng và Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine ra lệnh báo động các đơn vị vũ trang Ukraine sẵn sàng chiến đấu”.
Trong khi đó, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho rằng những tàu Ukraine này đã đi vào lãnh hải Nga một cách bất hợp pháp, phớt lờ những cảnh báo và có các hoạt động gây nguy hiểm.
FSB nhấn mạnh rằng, đã có bằng chứng cho thấy Ukraine đã dàn dựng vụ việc mà cơ quan này gọi là "hành động gây hấn", đồng thời cho biết sẽ sớm công khai bằng chứng.
Sự kiện trên xảy ra trong bố cảnh Nga và Ukraine vẫn đang trong tình trạng căng thẳng sâu sắc sau khi Moscow sáp nhập Crimea hồi năm 2014 và ủng hộ quân nổi dậy thân Nga ở miền Đông Ukraine.
Những toan tính chiến lược
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine tại biển Biển Azov một lần nữa phơi bầy những toan tính chiến lược giữa một bên là Nga và bên còn lại là Ukraine cùng đồng minh số một Mỹ.
Giới chính trị Nga cho rằng, hành động khuấy động căng thẳng của Ukraine tại Biển Azov như một toan tính của Tổng thống Poroshenko nhằm gia tăng uy tín của mình trước kỳ bầu cử vào năm 2019.
Nhà phân tích Dmitry Kiselyov, bình luận viên kênh truyền hình nhà nước Rossiya, cho rằng, với việc cho tàu chiến đi vào Biển Azov, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang tìm cách khởi động một cuộc chiến với Nga ở Biển Đen.
Hành động này của Ukraine có sự chỉ đạo từ Washtington khi cho rằng, Mỹ đã thuyết phục ông Poroshenko tiến hành một hành động gây hấn nhằm đáp trả Nga, coi đây như một biện pháp gây nhiễu cho cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, nhà phân tích Dmitry Kiselyov nhấn mạnh.
Đối với Nga, việc thẳng tay đáp trả các hành động của Ukraine trên Eo biển Kerch nằm trong lợi ích lâu dài của Moscow tại khu vực nối liền Biển Đên với Biển Azov. Bởi các thành phố của Ukraine nằm trên bờ Biển Azov gồm những trung tâm thiết yếu chiến lược như Mariupol, thành phố cảng nằm giữa các khu vực do phe ly khai kiểm soát.
Việc hiện diện quân sự tại Eo biển Kerch, nằm giữa Biển Đen và Biển Azov nơi có hai cảng biển quan trọng bậc nhất của Ukraine còn tạo bàn đạp giúp Moscow kiểm soát tàu thuyền đi lại tại khu vực này và chi phối toàn bộ diễn biến trên Bán đảo Crimea.
Ngay sau sự việc trên, Nga lập tức thông báo mở lại Eo biển Kerch gần Crimea, điều đó cho thấy, ý đồ rất rõ ràng của Nga đó là răn đe Ukraine và đồng minh Mỹ nếu tiếp tục Nga chắc chắn sẽ phong tỏa Eo biển Kerch.
Theo Đức Thức
Tiền phong