Khủng hoảng kép khiến nước Mỹ thành “thùng thuốc súng”
(Dân trí) - Hậu quả nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 cộng với phong trào biểu tình liên quan tới mâu thuẫn sắc tộc những ngày qua đã biến Mỹ thành "thùng thuốc súng", theo New York Times.
Hai tháng rưỡi vừa qua, nước Mỹ trải qua dường như đã trải qua những khung cảnh của một bộ phim ảm đạm. Ban đầu, đại dịch Covid-19 càn quét khiến các bệnh viện quá tải ở tâm dịch New York. Lệnh giãn cách xã hội khiến nền kinh tế quốc gia đóng băng và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng.
Xe hơi xếp hàng kéo dài hàng cây số trước các ngân hàng lương thực. Các cuộc biểu tình phản đối lệnh hạn chế đi lại bùng phát tại các bang. Hơn 1,7 triệu người mắc bệnh Covid-19, hơn 100.000 người tử vong vì dịch.
Đến tuần này, một làn sóng biểu tình khác đã bùng nổ từ vụ việc người đàn ông da màu George Floyd tử vong sau khi bị một cảnh sát da trắng ở Minneapolis, Minnesota ghì cổ.
Cái chết của Floyd được xem là gợi nhắc tới Eric Garner - người bị cảnh sát New York giết chết năm 2014 và trở thành nguồn cảm hứng cho phong trào “Người da màu đáng được sống” (Black Lives Matter).
Cái chết của Floyd xảy ra chỉ 3 ngày sau khi 3 người đàn ông ở Georgia bị bắt vì giết chết một người da màu có tên Ahmaud Arbery. Phía cơ quan công tố bước đầu chưa buộc tội những người này vì luật tự vệ của bang quy định rằng hành vi của những người đàn ông trên là hợp lệ.
Sau khi Floyd qua đời, giới chức Mỹ đã buộc phải hành động. Cả 4 cảnh sát liên quan tới vụ việc đều bị sa thải, lãnh đạo cảnh sát trên khắp nước Mỹ lên án vụ việc và Bộ trưởng Tư pháp William Barr cam kết sẽ ưu tiên điều tra vụ án. Tổng thống Trump, người ủng hộ phong trào “Người da màu đáng được sống”, cũng gọi vụ việc là điều tồi tệ.
Ngày 27/5, một số cuộc biểu tình ôn hòa đã biến thành bạo động, buộc chính quyền ban hành lệnh giới nghiêm và điều Vệ binh Quốc gia tới ứng phó tình hình.
Tuy nhiên, vào đêm 28/5, sau khi một công tố viên địa phương nói rằng văn phòng của ông vẫn đang xác định liệu 4 cảnh sát liên quan tới vụ Floyd có phạm tội hay không, bầu không khí đã leo thang lên một mức căng thẳng mới. Những người giận dữ đã giành quyền kiểm soát và đốt cháy một đồn cảnh sát ở Minneapolis. Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo quân đội sẽ nổ súng chống lại những người có hành vi cướp bóc.
Nhiệm kỳ gần 4 năm của ông Trump đã chứng kiến nhiều vụ bạo lực gây chấn động dư luận như vụ bạo động của người da trắng theo chủ nghĩa dân tộc ở Charlottesville, Virginia, vụ thảm sát ở giáo đường Do Thái Tree of Life ở Pittsburgh, Pennsylvania, vụ xả súng hàng loạt nhằm vào người gốc latinh ở El Paso, Texas. Tuy nhiên, vào những khoảnh khắc đó, tình trạng bất ổn chưa bao giờ lan rộng. Giờ đây, Mỹ có thể đang ở giai đoạn bắt đầu của một mùa hè kéo dài, nóng vì tình trạng bạo loạn, theo New York Times.
Các yếu tố châm ngòi căng thẳng
Có nhiều yếu tố khiến nước Mỹ trở nên “nhạy cảm” vào lúc này: tình trạng thất nghiệp, bất bình đẳng về kinh tế và y tế trong đại dịch, bạo lực từ phía cảnh sát, những thanh thiếu niên không có gì để làm, phe cực hữu có xu hướng cổ súy một cuộc nội chiến thứ 2…
“Tôi nghĩ chúng ta thực sự đang trong giai đoạn mà mọi thứ sẽ trở nên căng thẳng hơn rất nhiều trước khi có thể bình ổn trở lại”, nhà sử học Heather Ann Thompson từ đại học Michigan cho hay.
Tính đến lúc này, phong trào biểu tình ở Minneapolis đã lan rộng tới các thành phố và bang khác như New York, Denver (Colorado), Louisville (Kentucky)... Ít nhất 25 thành phố tại 16 bang đã ban hành lệnh giới nghiêm vì tình hình căng thẳng.
Các cuộc biểu tình được châm ngòi bởi các trường hợp cụ thể về hành động bạo lực của cảnh sát, nhưng diễn ra trong bối cảnh Covid-19 lan rộng và những người da màu, đặc biệt là những người nghèo, phải hứng chịu những thiệt thòi khi kinh tế ảnh hưởng bởi dịch.
Tổng chưởng lý Minnesota Keith Ellison cho biết có nhiều người đã phải chịu đựng ở nhà trong 2 tháng. Một số thất nghiệp, một số không đủ tiền thuê nhà và họ trở nên giận dữ, bực bội.
Theo New York Times, những khó khăn này dường như sẽ gia tăng vì thiệt hại kinh tế do đại dịch mới chỉ ở giai đoạn đầu. Gói trợ cấp thất nghiệp mở rộng sẽ kết thúc vào tháng 7. Ngân sách của các bang không còn nhiều, và các nghị sĩ Cộng hòa từ chối viện trợ thêm cho các bang, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều cắt giảm trong thời gian tới.
Keeanga-Yamahtta Taylor, một nhà nghiên cứu tại Princeton, cho biết: “Khi mọi người túng quẫn, và dường như không có sự hỗ trợ, không có sự chỉ đạo, viễn cảnh trước mắt trở nên không rõ ràng, những điều này sẽ tạo nên cơ sở cho những cảm xúc tức giận, bực mình, tuyệt vọng và gây bất ổn. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chứng kiến phản ứng này ở nhiều nơi trong vài tháng tới”.
Tuy nhiên, New York Times cho rằng, ngoài các yếu tố kể trên, việc Mỹ đang trở “thùng thuốc súng” có thể liên quan tới một yếu tố khác. Hôm 27/5, hai nhà báo Robert Evans và Jason Wilson cảnh báo về một phong trào cực đoan cánh hữu có tên gọi “boogaloo”. Phong trào này được cho đang thúc đẩy một cuộc “nội chiến” Mỹ lần thứ 2. Trong khi nước Mỹ đang chia rẽ, cũng như bất ổn hậu đại dịch, phong trào này có thể làm gia tăng thêm mối đe dọa về bạo lực.
Hầu hết các tổng thống Mỹ khi đối mặt với bất ổn trong nước sẽ tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, theo New York Times. Tuy nhiên, Tổng thống Trump được cho là không quá quan tâm đến việc làm dịu bớt căng thẳng. Trên thực tế, ông đưa ra loạt phát ngôn cảnh báo nổ súng vào người biểu tình cướp bóc, hay dọa người biểu tình xô đổ hàng rào an ninh Nhà Trắng có thể đối mặt với "chó dữ và vũ khí". Tuy nhiên, theo New York Times, các phát ngôn này dường như không thể làm lắng dịu căng thẳng đang leo thang vào lúc này.
Đức Hoàng
Theo New York Times