1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên: Không thể hóa giải bằng đối đầu

Sự tham gia của hơn 30.000 binh sĩ Hàn Quốc và 15.000 binh sĩ Mỹ, cuộc tập trận thường niên mang tên "Giải pháp then chốt" và "Đại bàng non" giữa hai quốc gia đồng minh bắt đầu từ ngày 7-3 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Các nhà hoạt động chống chiến tranh diễu hành gần Đại sứ quán Mỹ tại Seoul kêu gọi đối thoại hòa bình với Triều Tiên.
Các nhà hoạt động chống chiến tranh diễu hành gần Đại sứ quán Mỹ tại Seoul kêu gọi đối thoại hòa bình với Triều Tiên.

Mỗi lần Mỹ - Hàn tập trận là một lần Bình Nhưỡng phản ứng gay gắt. Sự kiện lần này đương nhiên không phải là ngoại lệ. Một lực lượng quân đội lớn kỷ lục trên bán đảo Triều Tiên, kèm theo nhiều hoạt động. Đáng kể nhất là cuộc diễn tập đổ bộ Ssangyong với sự tham gia của 5.000 lính hải quân, thủy quân lục chiến Hàn Quốc cùng 7.000 lính thủy quân lục chiến Mỹ và 5 tàu đổ bộ hay Kế hoạch tác chiến (OPLAN) 5015 với kịch bản là tấn công phủ đầu Triều Tiên và giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Kế hoạch này vốn thuộc nội dung cuộc tập trận Người bảo vệ Tự do Ulchi (UFG) nhưng lần đầu tiên được thao luyện trong "Giải pháp then chốt". Cả Mỹ và Hàn Quốc đều không có lời giải thích chính thức nào cho đồn đoán rằng, những "đột biến" liên quan đến cuộc tập trận mùa xuân thường niên năm nay là hệ quả trực tiếp từ việc Triều Tiên bắt đầu năm 2016 bằng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hôm 6-1 và bắn vệ tinh ngày 7-2, hành động bị cho rằng là vỏ bọc cho một vụ thử tên lửa tầm xa. Song, Bình Nhưỡng thì không hề e dè và lập tức phát đi cảnh báo cứng rắn sẽ phát động một cuộc "chiến tranh hạt nhân phủ đầu vì công lý" nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc.

Đã không ít lần lên tiếng tuyên bố về các cuộc tấn công đáp trả, nhưng hiếm khi Bình Nhưỡng sử dụng cụm từ chiến tranh hạt nhân. Có thể coi đây là phản ứng cao độ của cơn giận dữ kéo dài hoặc để thể hiện hàm ý mà các nhà phân tích nhận định: Triều Tiên đã có được khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể tới được bờ Tây nước Mỹ.

Tuy nhiên, điều rõ ràng nhất là sự kiện này phản ánh diễn biến ngày một căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và rằng, cách tiếp cận cứng rắn dù ở cấp độ nào cũng không thể ép buộc nước này chịu khuất phục. Dư âm của việc chính quyền Bình Nhưỡng bắn hàng loạt tên lửa tầm ngắn ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các biện pháp trừng phạt được xem là mạnh tay nhất trong 20 năm qua với Triều Tiên vẫn còn xôn xao biển Hoàng Hải và chấn động cả khu vực Đông Bắc Á, nơi có địa chính trị vô cùng phức tạp.

Hiện tại, có rất ít thông tin về chương trình nguyên tử tối mật của Triều Tiên được công bố nên ngoài chuyện "đoán già đoán non", không ai có thể khẳng định đất nước đang chịu gánh nặng chồng chất từ các lệnh trừng phạt đã đi đến đâu trên hành trình hạt nhân.

Thế nhưng, diễn tiến theo chiều hướng xấu đi của cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên là một kinh nghiệm thực tế cho thấy việc sử dụng "vũ lực" để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân là rất thiếu cơ sở. Sinh tồn trong một môi trường đặc biệt, Triều Tiên tập trung phát triển nguyên tử và coi đây là "chiếc áo giáp" duy nhất để chống chọi với cái mà họ cho là sự thù địch và tấn công xâm lược của Mỹ.

Chưa bàn đến quan điểm đúng - sai, hiện thực tàn nhẫn từ việc Saddam Hussein bị chết thảm dưới giá treo cổ đến Muammar Gaddafi bị bắn chết sau khi từ bỏ vũ khí hạt nhân và xưng thần với phương Tây đã khiến chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un phải tính toán và hướng đến quyết định hạt nhân là "lá bùa hộ mệnh" cho chế độ Bình Nhưỡng.

Bản năng phòng vệ đang được kích hoạt ở cực cao nhất nhưng nguy cơ Triều Tiên tự bấm nút khơi mào cho cuộc chiến "nhấn chìm các căn cứ của kẻ thù trong biển lửa và biến thành tro bụi trong nháy mắt" là không cao. Nhà lãnh đạo 33 tuổi của nước này chắc chắn ý thức được rằng, nếu tiến đến sử dụng vũ khí hạt nhân thì cũng là thời khắc Triều Tiên tự hủy diệt chính mình.

Do vậy, cho dù cách thức Bình Nhưỡng tự vệ không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhưng về sâu xa cũng chỉ là hình thức tìm cách tồn tại trong một thế giới mà hầu hết các cánh cửa đã đóng lại với họ. Thế nên, vấn đề quan trọng là làm sao hóa giải được nỗi lo lắng cốt lõi của Triều Tiên.

Iran là một hình mẫu đáng học hỏi cho bế tắc hiện nay. Và thế giới hy vọng rằng thông qua đối thoại cởi mở, thiện chí và chân thành, một điểm nóng nữa sẽ được giải tỏa trong tương lai, bởi vấn đề dai dẳng trên bán đảo Triều Tiên chắc chắn không thể giải quyết rốt ráo và êm thấm bằng súng đạn và đối đầu.

Theo Vân Khanh

Hà Nội mới