1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khủng bố tấn công tại Jakarta, Indonesia: Đông Nam Á hãy thức tỉnh!

Vụ đánh bom liên hoàn tại Jakarta, Indonesia, ngày 14-1, là hồi chuông thức tỉnh các nước Đông Nam Á rằng “IS đã vào nhà chúng ta rồi!” chứ không còn ở tận Trung Đông hay Bắc Phi xa xôi nữa.

Vụ tấn công ở thủ đô Indonesia xảy ra hoàn toàn bất ngờ bởi trước đó không hề có dấu hiệu hay thông tin tình báo nào và nhà chức trách Indonesia đã không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào về khả năng xảy ra tấn công.

Đây là một minh chứng về sự hiện diện ngày càng rõ của IS tại khu vực Đông Nam Á và kèm theo đó là nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố.

Khủng bố tấn công tại Jakarta, Indonesia: Đông Nam Á hãy thức tỉnh! - 1

Cảnh sát Indonesia nấp sau xe trong trận đấu súng với các phần tử khủng bố.

Indonesia là nơi lý tưởng cho khủng bố trú ẩn

Vào khoảng 10 giờ 30 phút sáng giờ địa phương, ngày 14-1, nhiều quả bom đã phát nổ gần khu trung tâm thương mại Sarinah. Cảnh sát và những kẻ khủng bố chạm súng tại một rạp chiếu phim và một quán cà phê Starbucks. Các vụ tấn công diễn ra tại khu vực trung tâm thủ đô Jakarta. Đây là nơi có nhiều tòa đại sứ và văn phòng đại diện của Liên Hiệp Quốc.

Báo chí Jakarta cho biết 6 quả bom đã phát nổ. Theo Cảnh sát Indonesia, trong số các vụ tấn công, có ít nhất là một vụ khủng bố tự sát.

Tổng thống Widodo đã nhanh chóng lên tiếng, khẳng định đây là một vụ khủng bố nhắm vào Indonesia. Ông mạnh mẽ lên án “hành vi nhằm gieo rắc kinh hoàng trong công luận và làm đảo lộn trật tự an ninh” quốc gia. Tuy nhiên, ông Widodo nhấn mạnh là Indonesia không bao giờ khuất phục trước những tên khủng bố và kêu gọi người dân bình tĩnh.

Về danh tính các nạn nhân, Bộ trưởng An ninh Indonesia xác nhận 2 trong số 7 người thiệt mạng là thường dân, một người mang quốc tịch Hà Lan và một là công dân Indonesia với khoảng 20 người khác, kể cả một công dân Hà Lan làm việc cho Cơ quan Bảo vệ môi trường Liên Hiệp Quốc UNEP, bị thương trong vụ này.

Liên quan đến thủ phạm loạt khủng bố, các giới chức an ninh Indonesia quả quyết là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Phát ngôn viên Lực lượng Cảnh sát quốc gia Indonesia, Anton Charliyan, cho biết, trước khi xảy ra các vụ nổ bom, tổ chức Hồi giáo này đã lên tiếng cảnh cáo với nội dung khó hiểu. Thông điệp nói là “sắp có một buổi trình diễn tại Indonesia và sự kiện đó sẽ được loan tải trong phần tin quốc tế”.

Khủng bố tấn công tại Jakarta, Indonesia: Đông Nam Á hãy thức tỉnh! - 2

Hiện trường 1 trong 6 vụ đánh bom tại Jakarta ngày 14-1.

Tại cuộc họp báo hôm 14-1, Cảnh sát Indonesia cho hay có 2 kẻ khủng bố bị bắt sống. Chỉ huy trưởng cảnh sát tại thủ đô Jakarta, ông Tito Karnavian, phát biểu với báo chí: IS rõ ràng đứng sau cuộc tấn công này và nêu tên một người Indonesia, Bahrun Naim, có thể đang ở thành phố Raqqa tại Syria, là kẻ chủ mưu.

Tháng 12-2015, Indonesia đã phá vỡ được nhiều âm mưu khủng bố, trong đó có một vài vụ trực tiếp liên quan đến tổ chức tự nhận là Nhà nước Hồi giáo. Có từ 500 đến 700 công dân Indonesia đã gia nhập hàng ngũ thánh chiến tại Syria và Iraq.

Indonesia là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới với địa hình lý tưởng cho bọn khủng bố trú ẩn. Đây cũng là nơi có tới 5 nhóm khủng bố khét tiếng thế giới với nhiều vụ đánh bom đẫm máu mà điển hình là vụ đánh bom Bali năm 2002 khiến 202 người thiệt mạng.

Điều đáng sợ hơn cả là các nhóm này tuyên bố nguyện theo IS ở Iraq và Syria. Lần sau cùng có cuộc tấn công lớn ở Jakarta là vào tháng 7-2009, khi phiến quân dùng xe bom tấn công 2 khách sạn JW Marriott và Ritz Carlton làm hơn 200 người thiệt mạng.

Theo báo cáo của Tổ chức Interpol vào năm 2015, hiện ở Indonesia có 5 nhóm khủng bố chính, gồm: Al-jamah AlIslamiyah (JI), Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), Quân đội Kumpulan Mujahideen Malaysia (KMM), Abu Sayap Group (ASG) và Quân đội nhân dân mới (NPA).

Trong số các nhóm này, đặc biệt nguy hiểm là nhóm Al-jamah Al Islamiyah (JI). Đây là một tổ chức chiến đấu theo chủ nghĩa Hồi giáo tại Đông Nam Á. Mục đích của tổ chức này là nhằm thành lập một Quốc gia Hồi giáo tại Đông Nam Á bằng việc hợp nhất các tổ chức Hồi giáo Indonesia, Malaysia, miền Nam Philippines, Singapore và Brunei.

Các hoạt động bạo lực của JI bắt đầu trong những vụ xung đột cộng đồng ở Maluku và Poso. Tổ chức này chuyển hướng đến các mục tiêu quyền lợi của Mỹ và phương Tây tại Indonesia và vùng Đông Nam Á kể từ khi bắt đầu chiến tranh chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo từ năm 2001. Các kế hoạch khủng bố của JI tại Đông Nam Á đã bị vạch trần khi âm mưu đặt một số quả bom tại Singapore của tổ chức này bị giới chức địa phương phát hiện.

JI đã liên kết trong viêc tuyển mộ, đào tạo, truyền bá tư tưởng, tài chính và các hoạt động khác với các nhóm chiến binh khác, như Al-Qaeda, Abu Sayyaf, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), nhóm nổi loạn/ly khai Misuari (MRG/MBG) và phong trào Rajah Sulaiman (RSM) tại Philippines trong nhiều năm, và tiếp tục cho đến nay.

Khủng bố tấn công tại Jakarta, Indonesia: Đông Nam Á hãy thức tỉnh! - 3

Tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Indonesia tuyên bố ủng hộ IS.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Indonesia đã có những chiến lược đặc biệt nhằm chặn đứng các hoạt động  khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan địa phương, trong đó đặc biệt nhắm tới JI. Cảnh sát và các nhà nghiên cứu tại Indonesia đã tiến hành điều tra những đối tượng là người Hồi giáo cực đoan bị tình nghi hoặc định danh có liên quan đến các hoạt động khủng bố hoặc các nhóm khủng bố.

Trong những năm sau đó, tổ chức JI đã bị suy yếu nhiều, các thủ lĩnh của tổ chức này bị bắt hoặc bị tiêu diệt, nhưng gần đây, chính quyền lo ngại nguy cơ tái bùng phát bạo động mà thủ phạm là những kẻ thánh chiến Hồi giáo cực đoan có được sự hỗ trợ của IS.

Tình báo quốc tế ước tính thời gian qua đã có hơn 1.000 người Indonesia và Malaysia đến Syria và Iraq để gia nhập IS. Những phần tử này sau khi tham chiến ở Trung Đông có thể trở về nước để hoạt động.

Vào năm ngoái, lãnh đạo tinh thần và tư tưởng của JI là Abu Bakar Ba’asyir (hiện đang ngồi tù) đã tuyên thệ trung thành với IS và gia nhập phong trào này. Ba’asyir tuyên thệ cùng 23 phạm nhân khác trong phòng cầu nguyện của nhà tù Pasir Putih ở Trung Java, nơi có an ninh cực kỳ nghiêm ngặt.

Theo Bloomberg, sự tham gia của công dân ở Đông Nam Á vào các cuộc xung đột ở Trung Đông để lộ ra những nguy cơ đối với những nước trong khu vực.

Nhóm JI có thể đưa các công dân Indonesia, Malaysia, Singapore sang Afghanistan huấn luyện rồi những chiến binh này có thể quay về nước, sử dụng những gì học được để thực thi các chiến dịch khủng bố.

Theo tình báo Indonesia, đến nay có tới 76 công dân Indonesia trở về nước từ Syria, làm gia tăng các mối lo ngại về việc những người này sẽ thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ngay trên quê hương mình.

Mạng lưới của “những kẻ thánh chiến quốc nội”

Chính quyền Jakarta gần đây tuyên bố chính thức cấm cửa IS và ngăn chặn mọi hành động tuyên truyền, quảng bá về nhóm này, chặn các trang web ủng hộ IS.

Hồi cuối năm 2015, Cảnh sát Indonesia được đặt trong tình trạng báo động nguy cơ khủng bố mức cao nhất sau khi phá vỡ một kế hoạch tấn công liều chết tại thủ đô Jakarta. Tuy nhiên, bọn khủng bố đã không chọn lúc đó để ra tay. Các vụ đánh bom liên hoàn tại Jakarta hôm 14-1 được thực hiện khi cảnh báo khủng bố của Indonesia vừa được rút đi.

Cũng vào cuối năm 2015, Bộ trưởng Tư pháp Australia George Brandis, khi công du Jakarta, đã khẳng định rằng tổ chức IS đang tìm cách thiết lập một vương quốc tại Indonesia.

Theo Sidney Jones, chuyên gia thuộc Viện Phân tích chính trị xung đột, trụ sở tại Jakarta, khả năng xảy ra các vụ thánh chiến tấn công Indonesia theo kiểu loạt khủng bố ở Paris vào ngày 13-11-2015 ngày càng tiến gần Jakarta. Tổ chức IS đã xây dựng được một mạng lưới ủng hộ viên tại các vùng ngoại ô, gần thủ đô Indonesia.

Vẫn theo chuyên gia này, “những kẻ thánh chiến quốc nội”, trước đây thường nhắm vào lực lượng an ninh, giờ đây, chúng có thể nhắm vào các mục tiêu dễ dàng hơn như cộng đồng Hồi giáo Shiite hoặc người phương Tây.

Hugh White, giáo sư về các vấn đề chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, nhấn mạnh: “Ý tưởng về việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo có thể chiếm Indonesia là phi lý. Ngược lại, việc tổ chức này có thể tiến hành các chiến dịch khủng bố tại Indonesia để gây bất ổn định là điều hoàn toàn có thể xảy ra”.

Ngay sau vụ đánh bom liên hoàn xảy ra ở thủ đô Jakarta, một loạt các nước châu Á đã thắt chặt các biện pháp và nâng mức cảnh báo an ninh. Cảnh sát Malaysia đã nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất, đồng thời theo dõi sát các đối tượng tình nghi có liên quan đến các hoạt động khủng bố.

Cùng lúc, Bộ trưởng Điều phối An ninh Quốc gia của Singapore Teo Chee Hean cho biết, quốc gia này đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình vụ đánh bom liên hoàn và nổ súng ở Indonesia với “sự quan ngại” và sẽ tăng cường các biện pháp an ninh sau vụ việc trên.

Trong khi đó, lực lượng cảnh sát và quân đội Philippines đã ra tuyên bố chung nêu rõ: "Lực lượng an ninh Philippines nhận thức rõ mối đe dọa đang nổi lên và chúng tôi đang tiến hành các hoạt động nhằm ngăn chặn hành vi khủng bố trên toàn đất nước".

Khủng bố tấn công tại Jakarta, Indonesia: Đông Nam Á hãy thức tỉnh! - 4

Lãnh đạo tinh thần và tư tưởng của JI Abu Bakar Ba’asyir (ngồi giữa) đã tuyên thệ trung thành với IS và gia nhập phong trào này từ trong nhà tù hồi năm 2014.

Về phía Thái Lan, ngày 14-1, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan (NSC), Đại tướng Thawip Netniyom đã nhận định rằng, vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở thủ đô Jakarta của Indonesia cho thấy tổ chức khủng bố IS đang tăng cường hoạt động ở khu vực Đông Nam Á và do vậy các nước trong khu vực cần phải đẩy mạnh hợp tác chia sẻ tình báo để đối phó mối đe dọa này.

Theo tướng Thawip, vụ tấn công ở thủ đô Indonesia xảy ra hoàn toàn bất ngờ bởi trước đó không hề có dấu hiệu hay thông tin tình báo nào và nhà chức trách Indonesia đã không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào về khả năng xảy ra tấn công.

Các vụ tấn công ở Jakarta, theo ông Thawip, là một minh chứng về sự hiện diện ngày càng rõ của IS tại khu vực Đông Nam Á và kèm theo đó là nguy cơ xảy ra các vụ tấn công khủng bố.

Trước thực tế đó, theo ông Thawip, các nước trong khu vực phải chia sẻ thông tin tình báo với nhau nhiều hơn cũng như nên phối hợp hành động trong các chiến dịch chống khủng bố. Ông cũng nói rằng bên cạnh các hoạt động tình báo, các nước cũng cần phải siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới.

Theo Mộc Thạch (tổng hợp)

An ninh thế giới