1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bị dồn đánh ở Trung Đông, IS bành trướng Đông Nam Á

Việc nhóm Abu Sayiaf tuyên bố gia nhập IS và vụ khủng bố ngày 14-1 ở Indonesia cho thấy, Đông Nam Á đang bước vào cuộc chiến cam go chống IS.

Hệ tư tưởng mới

Giáo sư Yan Ilhan Kizilhan - nhà tư vấn chính trong chương trình đặc biệt, chuyên điều trị và phục hồi chức năng sống cho các cựu con tin của IS ở Baden-Wurttemberg của Đức cho rằng, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS là một thể loại mới của ý thức hệ chủ nghĩa phát-xít Hồi giáo.

“Nhà nước Hồi giáo” IS là hiện tượng khủng bố mới nảy sinh, không giống những tổ chức khủng bố Hồi giáo mà ta từng biết, khác biệt với tư tưởng của tổ chức khủng bố lớn nhất trước đây, mà IS mới soán ngôi là al-Qaeda, thậm chí cũng không giống với “Front Al-Nusra” - một biến tướng của al-Qaeda.

Trong cuộc phỏng vấn của "Sputnik", Giáo sư Yan Ilhan Kizilhan đã nói: “Chúng ta đang phải đối phó với hệ tư tưởng hoàn toàn khác. Đó là thể loại mới của ý thức hệ chủ nghĩa phát-xít Hồi giáo”.

Theo tư tưởng này, chỉ những người theo đạo Hồi (như cách diễn giải của IS) là có quyền được sống. Còn tất cả những ai có tư duy khác đều không phải là con người. Do đó, những đối tượng trung thành với IS "không hề thấy có vấn đề gì" khi thản nhiên giết người bất chấp độ tuổi hay giới tính.

Bạo lực với phụ nữ và trẻ em bắt đầu ngay từ thực tế thảm khốc là các bé gái 8-9 tuổi đã thành món hàng bán đi bán lại và chịu cưỡng hiếp hành hạ. Cảnh địa ngục này không thể quên nổi, các con tin đó, nếu có sống sót thì suốt phần đời còn lại sẽ mang sang chấn thần kinh-tâm lý cực kỳ khủng khiếp.

Bị dồn đánh ở Trung Đông, IS bành trướng Đông Nam Á - 1

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS đang vươn “vòi bạch tuộc” khắp nơi trên thế giới

Ý tưởng thống trị mà IS theo đuổi là chiếm lĩnh châu Âu và đặt thế giới Kitô giáo dưới ách kiểm soát của chúng, kể cả thông qua con đường khủng bố. Chúng muốn buộc mọi cư dân, bất kể tầng lớp, độ tuổi, giới tính và tôn giáo, phải sống trong nỗi sợ hãi.

Để chống lại thế lực độc ác man rợ đó, cần hội tụ đủ những giá trị như nhân quyền, bình đẳng và đoàn kết. Đồng thời cần đấu tranh tiêu diệt các cơ cấu của IS. Không có phương cách nào khác, bởi những kẻ cuồng tín cực đoan này không có khả năng đối thoại.

Nói như vậy để thấy rằng, chủ nghĩa khủng bố quốc tế không chừa bất cứ ai, không kiêng nể bất cứ quốc gia nào và sẵn sàng vươn vòi bạch tuộc đến bất cứ khu vực nào trên thế giới. Hiện nay, đông nam Á có thể là mục tiêu mới nhất mà IS nhắm đến để mở rộng khu vực kiểm soát.

Ngày 10-1-2016, bốn nhóm cực đoan Philippines, trong đó có tổ chức khủng bố khét tiếng Abu Sayiaf đã sáp nhập lại với nhau và tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh của IS là Abu Bakr al-Baghdadi, để trở thành một chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại khu vực này.

Khó khăn ở Trung Đông, IS bành trướng sang Đông Nam Á

Trước đây, Abu Sayyaf và các tổ chức khủng bố khác ở Philippines đã từng tuyên bố riêng rẽ về việc ủng hộ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, nhưng khi đó IS đang còn rất mạnh và hướng tới mục tiêu khác nên chúng không chấp thuận các nhóm cực đoan địa phương Philippines.

Bị dồn đánh ở Trung Đông, IS bành trướng Đông Nam Á - 2

Tổ chức khủng bố Abu Sayyaf đã tuyên thệ trung thành với IS

Các chuyên gia lưu ý rằng, những sự kiện ở Philippines cho thấy sự thay đổi chiến lược của "Nhà nước Hồi giáo". Lực lượng của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo có khoảng trên 30.000 tay súng, hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trước sự tấn công của Nga và cả liên quân Mỹ.

Vì không thể nhanh chóng nắm quyền kiểm soát Syria và Iraq, tổ chức khủng bố này đã quyết định tìm kiếm những địa bàn tiềm năng để duy trì hoạt động của chúng. Do đó, chúng buộc phải vươn vòi bạch tuộc sang khu vực Đông Nam Á, khiến khu vực này đứng trước viễn cảnh tồi tệ.

Các nhóm khủng bố Philippines đã bầu ra lãnh đạo chi nhánh IS ở nước này là Isnilon Hapilon - thủ lĩnh của nhóm khủng bố Abu Sayiaf, đồng thời công bố về việc thiết lập trên đảo Mindanao của nước này một tiểu “Caliphate” (Vương quốc Hồi giáo), tương đương với 1 tỉnh của Nhà nước Hồi giáo IS.

Trong số các nhóm khủng bố Philippines tuyên thệ trung thành với IS, nguy hiểm nhất là Abu Sayyaf - nhóm khủng bố khét tiếng, đã gây bất ổn hàng chục năm qua ở Philippines với hàng loạt hoạt động bắt cóc, tống tiền, chặt đầu con tin.

Trang tin tức Rappler dẫn lời ông Rohan Gunaratna, chuyên gia về khủng bố của "Trung tâm quốc tế về nghiên cứu bạo động chính trị và khủng bố" Singapore nói rằng, IS sẽ rất muốn tạo ra một vùng đệm an toàn ở Salilan và từ Sulu chuẩn bị cho các cuộc tấn công ở Philippines và nước láng giềng Malaysia.

Việc các tổ chức khủng bố Philippines hợp nhất lại dưới trướng IS, sẽ là một mối đe dọa an ninh rất lớn không chỉ cho chính quyền Philippines. Nguy hiểm hơn là có thể việc chúng tuyên bố đấu tranh cho đạo Hồi chỉ là cái cớ để biện minh cho các hoạt động tội phạm tàn ác của mình.

Theo tiến sĩ khoa học chính trị Nga Natalia Rogozhina, các phần tử cực đoan Hồi giáo đang âm mưu thành lập hình thái nhà nước “giáo quyền” Caliphate ở cả khu vực đông nam Á, đặc biệt là trên lãnh thổ Indonesia, Malaysia, Singapore, miền Nam Philippines và Thái Lan.

Tờ The Australia của Australia nhấn mạnh, việc thiết lập hình thái giáo quyền “Caliphate” của IS ở Philippines thực sự là mối nguy hiểm lớn cho Philippines và các quốc gia khác. Không loại trừ khả năng nước này cũng có thể trở thành những mục tiêu trong các cuộc tấn công khủng bố của phiến quân.

Các nhà lãnh đạo của một số quốc gia Đông Nam Á có nhiều lý do để lo ngại đặc biệt trước tham vọng địa-chính trị của Nhà nước Hồi giáo.

Bị dồn đánh ở Trung Đông, IS bành trướng Đông Nam Á - 3

Phiến quân IS tại một trại huấn luyện mới mở hồi cuối năm 2015 ở Afghanistan

Đông Nam Á đứng trước viễn cảnh khủng bố IS kinh hoàng

Nguy cơ lan truyền ảnh hưởng của IS ở Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, có thể giải thích rằng môi trường xã hội ở đây có những yếu tố khiến cho ý tưởng của IS được tiếp nhận. Ví dụ như hàng ngàn người Indonesia đã tuyên thệ trung thành với Caliphate IS thông qua Internet.

Khoảng ba trăm triệu người dân ở khu vực này là tín đồ đạo Hồi. Hơn nữa, ở các nước Đông Nam Á đã từng có các tổ chức khủng bố thánh chiến. Ở Thái Lan, ly khai dân tộc đã diễn ra hơn 50 năm qua, trong nước có những người ủng hộ việc thành lập nhà nước Hồi giáo độc lập.

Trong thập kỷ qua, nạn nhân của các vụ khủng bố ở Đông Nam Á đã nhiều hơn số người thiệt mạng ở dải Gaza thuộc Trung Đông, nơi mà trong hơn một nửa thế kỷ đã diễn ra cuộc giao tranh giữa chiến binh Palestine và quân đội Israel.

Thông báo gần đây về sự thành lập tỉnh "Caliphate IS" ở Mindanao là một thách thức chưa từng có cho chính quyền Manila và là nguy cơ chung cho cả cộng đồng ASEAN - giám đốc Trung tâm quốc tế nghiên cứu khủng bố và bạo lực chính trị Rohan Gunaratna khẳng định.

Hơn nữa, ông còn cho rằng, hành động này của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan là mối đe dọa không chỉ cho khu vực Đông Nam Á, mà còn có sự tương tác với tình hình IS ở Trung Đông.

Bị dồn đánh ở Trung Đông, IS bành trướng Đông Nam Á - 4

Hiện trường vụ khủng bố ở Indonesia ngày 14-1 vừa qua

Còn chuyên gia Natalia Rogozhina cũng dự đoán rằng, cuối cùng số phận của "tỉnh Caliphate" ở Mindanao và tất cả mọi kế hoạch của IS đối với khu vực Đông Nam Á sẽ được giải quyết tại Trung Đông, nhưng theo một xu hướng rất khó lường và đầy nguy hiểm.

Thiệt hại mà không quân Nga, quân đội Syria và các thành viên của liên minh quốc tế mang lại cho IS càng lớn, vị thế của tổ chức khủng bố này tại khu vực Trung Đông và cả Đông Nam Á sẽ càng trở nên suy yếu hơn.

Thế nhưng, điều quan trọng hơn cả là hiện có hàng ngàn tay súng IS đến từ các nước Đông Nam Á, đang tham chiến trong hàng ngũ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông.

Các phần tử theo đường lối IS từ Đông Nam Á đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng visa du lịch, visa đi học, hoặc tham gia sứ mệnh nhân đạo, trong đó có nhiều hoạt động do chính IS tổ chức. Từ Thổ Nhĩ Kỳ, những người này được chuyển tiếp tới các vùng lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của IS.

Nếu IS thất bại ở Syria và Iraq, những tay súng khủng bố này sẽ tự động “hồi hương” hoặc sẵn sàng trở về nước tham gia khủng bố, theo “ý chỉ” của IS. Do đó, việc giải quyết điểm nóng ở Trung Đông không có nghĩa là đã diệt hết khủng bố. Và Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố.

Theo Toàn Thắng

Đất Việt