1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khu phi quân sự trải dọc tiền tuyến có thể tháo ngòi nổ xung đột Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chuyên gia đã đặt ra nghi vấn về tính khả thi của đề xuất thiết lập khu phi quân sự nhằm giải quyết xung đột Nga - Ukraine.

Khu phi quân sự trải dọc tiền tuyến có thể tháo ngòi nổ xung đột Ukraine - 1

Lính Ukraine ở Donetsk (Ảnh: Reuters).

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn hai năm rưỡi ở Ukraine chỉ trong vòng một ngày. Ông vẫn chưa công bố chi tiết cách thức chấm dứt xung đột trong bối cảnh Nga và Ukraine đều đặt ra những điều kiện dường như không thể hòa giải đối với các cuộc đàm phán hòa bình.

Báo Wall Street Journal đầu tháng này dẫn lời 3 nguồn tin thân cận với tổng thống đắc cử cho biết, một ý tưởng được các quan chức trong đội ngũ của ông Trump đưa ra là Ukraine cam kết không gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm, trong khi Washington tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev để ngăn chặn cuộc tấn công mới của Nga.

Theo ý tưởng trên, cuộc xung đột cũng sẽ bị đóng băng, với việc Nga giữ quyền kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine và một khu phi quân sự (DMZ) kéo dài 1.200km để đánh dấu phạm vi kiểm soát của cả Kiev và Moscow. Nguồn tin cho biết, khu vực này có thể sẽ do các lực lượng châu Âu giám sát, thay vì các lực lượng của Mỹ hoặc các tổ chức như Liên hợp quốc.

Tổng thống Séc Petr Pavel cũng nhắc lại những báo cáo này, cho rằng một thỏa thuận trong tương lai có thể bao gồm điều khoản Ukraine trì hoãn gia nhập NATO trong 20 năm, trao cho Moscow quyền kiểm soát lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát và giao cho châu Âu trách nhiệm dài hạn trong việc bảo vệ sườn phía đông cũng như hơn 1.000km khu phi quân sự.

Hiện vẫn chưa rõ khu phi quân sự sẽ nằm ở đâu, mặc dù Phó Tổng thống đắc cử Mỹ JD Vance đã nói rằng "thỏa thuận hòa bình" có thể đồng nghĩa với việc "tiền tuyến phân định hiện tại giữa Nga và Ukraine sẽ trở thành khu phi quân sự".

Khu phi quân sự trải dọc tiền tuyến có thể tháo ngòi nổ xung đột Ukraine - 2

Các khu vực ở Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập (Ảnh: Sky).

Nga đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, trong đó có 4 khu vực trên đất liền gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Moscow đã tuyên bố sáp nhập 4 khu vực này cùng bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine sau các cuộc trưng cầu dân ý.

Nga đã kiểm soát Crimea kể từ năm 2014. Tuy nhiên, Ukraine tuyên bố sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ mà Moscow đã kiểm soát, trong khi Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng loại trừ khả năng nhượng bộ lãnh thổ cho Nga trong "kế hoạch chiến thắng" được ông trình lên các nghị sĩ Ukraine và các nhà lãnh đạo toàn cầu trong những tháng gần đây. Ông cũng cho biết ông phản đối một cuộc xung đột bị đóng băng, nhấn mạnh rằng Kiev cần "lời mời gia nhập NATO ngay bây giờ".

Dan Rice, cựu trợ lý của tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, nói với trang tin Newsweek rằng Kiev rất khó có thể chấp nhận lệnh ngừng bắn ngắn hạn, nhưng cần có lực lượng châu Âu đáng kể dọc biên giới Nga - Ukraine để ngăn chặn Moscow kiểm soát thêm các vùng lãnh thổ.

Bryan Lanza, người từng làm việc trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói với đài BBC rằng chính quyền mới ở Mỹ nhậm chức vào tháng 1 sẽ yêu cầu nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra "tầm nhìn thực tế về hòa bình".

"Nếu Tổng thống Zelensky đến bàn đàm phán và nói rằng: "Chúng tôi chỉ có thể có hòa bình nếu chúng tôi có Crimea", thì ông ấy cho chúng ta thấy rằng ông ấy không nghiêm túc. Crimea đã không còn nữa", ông Lanza nói.

Một vấn đề chưa được quyết định là liệu DMZ có bao gồm đường biên giới được quốc tế công nhận giữa Nga và Ukraine hay không. Sự hiện diện của quân đội Ukraine ở tỉnh Kursk của Nga trong những tháng gần đây đã làm phức tạp thêm vấn đề này.

Một vấn đề khác cũng đang được tranh luận là DMZ sẽ rộng đến mức nào, liệu quân đội châu Âu có đồng ý đảm bảo rằng khu vực này không có hoạt động quân sự của Nga hoặc Ukraine hay không, hay liệu nó có tồn tại được lâu hay không?

Thế giới từng chứng kiến DMZ trước đây, trong đó được biết đến nhiều nhất là khu vực phân chia biên giới Triều Tiên và Hàn Quốc. Khu vực cắt ngang bán đảo Triều Tiên đã tồn tại kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953 và về bản chất, cuộc xung đột này chưa bao giờ kết thúc.

"Các khu phi quân sự nghe có vẻ hay hơn ý nghĩa của nó trên thực tế", Mark Cancian, đại tá nghỉ hưu của Thủy quân Lục chiến Mỹ và là cố vấn cấp cao của tổ chức tư vấn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết.

"Vấn đề là việc thực thi và đảm bảo khu vực này không có xung đột. Nếu không, khu vực này cũng vô nghĩa", chuyên gia Cancian nhận định.

Theo ông, DMZ ở bán đảo Triều Tiên đã "khá thành công" vì Bình Nhưỡng và Seoul có thể liên lạc với nhau, nhưng cũng vì nếu một quân đội tiến vào DMZ, quân đội bên kia sẽ có sức mạnh quân sự để đáp trả.

"DMZ của Ukraine không hẳn là một ý tưởng tồi, nhưng khó có thể thực hiện một cách khả thi", chuyên gia Cancian cho biết.

Một thành viên giấu tên trong nhóm của Tổng thống đắc cử Trump nói rằng "nòng súng sẽ là của châu Âu", đồng thời nói thêm: "Chúng tôi không cử người Mỹ đến để duy trì hòa bình ở Ukraine. Và chúng tôi không trả tiền cho việc đó. Hãy để người Ba Lan, Đức, Anh và Pháp làm điều đó".

"Tôi khó có thể tưởng tượng bất kỳ lực lượng quân sự châu Âu nào tham gia vào các khu phi quân sự", chuyên gia Cancian nói. Việc triển khai lực lượng trên bộ không được các quốc gia NATO ủng hộ và Ukraine cũng không yêu cầu như vậy.

Chuyên gia Karolina Hird tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, tổ chức theo dõi những thay đổi hàng ngày ở tiền tuyến Ukraine, cho biết, nếu một thỏa thuận tạo ra DMZ, thỏa thuận đó sẽ theo các điều khoản của Nga.

"Việc tạo ra DMZ, bất kể như thế nào, sẽ cho phép các lực lượng Nga có cơ hội để nghỉ ngơi, tổ chức lại và lên kế hoạch cho hoạt động quân sự tiếp theo của họ. DMZ sẽ không chấm dứt chiến tranh theo bất kỳ điều kiện nào ngoài điều kiện của Nga", chuyên gia Hird nhận định.

Theo Newsweek, Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm