1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Kế hoạch của ông Trump có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine?

Thành Đạt

(Dân trí) - Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra liên quan tới đề xuất mới được cho là của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhằm giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Kế hoạch của ông Trump có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine? - 1

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau hồi tháng 9 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và các cố vấn của ông dường như đang cân nhắc một kế hoạch mới để chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine, báo Wall Street Journal (WSJ) đưa tin.

Theo WSJ, các đề xuất được cho là bao gồm lệnh đóng băng các hoạt động quân sự dọc theo tiền tuyến, thành lập một khu phi quân sự và đảm bảo rằng Kiev sẽ không gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm. Đồng thời, phương Tây sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã chỉ trích gay gắt cách Tổng thống đương nhiệm Joe Biden xử lý vấn đề Ukraine. Ông Trump cảnh báo điều đó đã đưa khả năng xảy ra Thế chiến thứ 3 đến gần hơn và Kiev đã "lừa gạt" Mỹ để nhận hàng tỷ USD vũ khí miễn phí.

Đầu năm nay, các cố vấn Keith Kellogg và Fred Fleitz, những người từng làm việc trong chính quyền Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, đã trình bày một kế hoạch cắt giảm nguồn cung vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine cho đến khi Kiev đồng ý đàm phán hòa bình với Nga.

Theo nguồn tin của WSJ, đề xuất mới của Tổng thống đắc cử Trump bao gồm một số điểm chính.

Ông Trump cho rằng các cuộc giao tranh sẽ dừng lại ở các mốc quan trọng hiện tại mà cả hai bên đã đạt được. Điều này có nghĩa là đóng băng tiền tuyến và tạo ra một khu phi quân sự dọc theo đó.

Nga sẽ giữ quyền kiểm soát một phần lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền. Về phần mình, Kiev phải cam kết không cố gắng gia nhập NATO trong hai thập niên tới. Đổi lại, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine.

Đồng thời, theo nguồn tin, ông Trump vẫn chưa phê duyệt kế hoạch cuối cùng để giải quyết xung đột và có ý định tiếp tục thảo luận về kế hoạch này với các cố vấn thân cận nhất của mình.

Những câu hỏi xoay quanh đề xuất của ông Trump

Kế hoạch của ông Trump có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine? - 2

Các khu vực ở Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập bao gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia và Crimea (Ảnh: Sky).

Kế hoạch mới của ông Trump nhằm giải quyết xung đột Nga - Ukraine đã đặt ra nhiều câu hỏi. Trước hết, hiện không rõ khu phi quân sự (DMZ) sẽ như thế nào hoặc liệu nó có mở rộng ra, ví dụ, đến tất cả các khu vực mới mà Nga tuyên bố kiểm soát (bao gồm bán đảo Crimea) hay không. Nga đã tuyên bố sáp nhập các vùng ở Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia và Crimea,

Theo định nghĩa truyền thống về DMZ, các cơ sở quân sự ở khu vực này phải bị dỡ bỏ, trong khi việc triển khai các đơn vị và đội hình lực lượng vũ trang, củng cố địa hình và tiến hành các hoạt động huấn luyện chiến đấu cũng như tác chiến trên đó đều bị cấm. Nhiều khả năng, Moscow và Kiev sẽ mâu thuẫn với nhau ngay ở điểm đầu tiên trong kế hoạch của ông Trump và kiên quyết từ chối việc xóa bỏ cơ sở hạ tầng quân sự của họ.

Việc duy trì chế độ an ninh tại DMZ trong trường hợp cụ thể này sẽ đòi hỏi sự hiện diện của một nhóm gìn giữ hòa bình (nếu chỉ để tách biệt lực lượng của các bên). Washington đã nói rõ rằng Nhà Trắng không có ý định gửi các đơn vị quân đội Mỹ đến Ukraine vì mục đích này. Khi đó, các nước Tây Âu có thể tham gia thay thế.

Hiện vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời rõ ràng cho nhiều câu hỏi về thành phần của lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu DMZ của Nga - Ukraine, cũng như quy mô của bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào, ai sẽ là người chỉ huy và tình trạng pháp lý của lực lượng này là gì.

Không khó để sử dụng thuật ngữ "khu phi quân sự", nhưng có vẻ như phía Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc mô tả cách thức thực hiện điều này trên thực tế.

Điểm tiếp theo trong kế hoạch của ông Trump là "Nga sẽ giữ quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine". Vẫn chưa rõ vùng lãnh thổ này là khu vực nào, tình trạng pháp lý ra sao và lập trường của Kiev về vấn đề này như thế nào. Liệu Ukraine có đồng ý với đề xuất này trong kế hoạch của ông Trump không? Hiện vẫn chưa có thông tin rõ ràng.

Cũng theo đề xuất, Ukraine sẽ từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO trong 20 năm tới. Đây cũng là một đề xuất khó chấp nhận với Ukraine khi Kiev từ lâu đã theo đuổi con đường gia nhập NATO.

Một câu hỏi nữa được đặt ra là tại sao ông Trump chọn mốc 20 năm? Lý do cho khung thời gian cụ thể này là gì?

Cuối cùng, theo kế hoạch, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine để tránh kịch bản Nga mở lại chiến dịch quân sự trong tương lai. Đây là điểm quan trọng nhất và cũng là điểm khó chấp nhận đối với Nga. Nếu Washington ngừng cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine, chiến tranh có thể kết thúc ngay lập tức, không cần bất kỳ khu phi quân sự nào.

Theo RT