Không tìm được người mua, Brazil tính đánh chìm tàu sân bay 34.000 tấn
(Dân trí) - Truyền thông Brazil đưa tin, nước này được cho muốn đánh chìm tàu sân bay 34.000 tấn đang trôi nổi giữa đại dương sau khi không tìm được người mua khí tài đã loại biên này.
Báo Folha de São Paulo dẫn nguồn tin quân sự cho hay, Brazil có thể sẽ đánh chìm tàu sân bay Sao Paulo, trong bối cảnh nó đang trôi dạt tự do ở Nam Đại Tây Dương trong vài tháng qua.
Con tàu 60 tuổi đã bị Brazil loại biên và bán để rã sắt vụn cho một xưởng đóng tàu của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2021. Nó lên đường khởi hành đến Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8/2022 từ một cơ sở hải quân ở Rio de Janeiro.
Tuy nhiên, trong khi nó đang di chuyển, Thổ Nhĩ Kỳ đã thu hồi giấy phép nhập cảnh của con tàu, cho rằng Brazil đã không thể chứng minh được rằng Sao Paulo không còn amiăng - một hóa chất nguy hiểm thường được sử dụng để đóng một số con tàu trong thế kỷ 20. Do đó, con tàu đã quay buộc phải quay đầu.
Trong khi đó, Brazil không quan tâm đến việc lấy lại tàu chiến cũ từng được nước này dùng làm soái hạm. Vào tháng 9/2022, một cảng trên bờ biển bang Pernambuco ở Brazil đã cấm tàu cập cảng. Các nhà chức trách cảng cho biết có khả năng lớn là con tàu sẽ bị bỏ lại, buộc các quan chức cảng phải thanh toán hóa đơn cho việc vận chuyển và xử lý amiăng.
Con tàu đã bị bỏ rơi trong 5 tháng qua khiến nó tự do trôi nổi ở vùng biển Brazil. Ngày 20/1, Hải quân nước này cho biết con tàu đã trôi ra vùng biển quốc tế.
Hải quân Brazil cho rằng họ không có lựa chọn nào khác vì con tàu cũ kỹ, bị hư hại thân tàu trong hành trình tới Thổ Nhĩ Kỳ. Nó thể mắc cạn hoặc chìm ngoài khơi bờ biển Brazil, gây nguy hiểm cho các tàu khác và các sinh vật sống dọc bờ biển.
Quân đội Brazil đang cân nhắc phương án bỏ mặc con tàu trên biển, hoặc cài thuốc nổ để đánh chìm tàu. Tuy nhiên, phương án đánh chìm có nhiều rủi ro với môi trường khi nó có thể đẩy một lượng lớn amiăng ra đại dương. Các chuyên gia cảnh báo, việc đánh chìm một tàu sân bay nặng 34.000 tấn cũ kỹ như Sao Paulo có thể gây ra thảm họa môi trường vì nó có chứa nhiều bộ phận nguy hiểm khác trong hệ thống dây điện, lớp phủ và thùng nhiên liệu.
Brazil chưa lên tiếng về phương án đánh chìm tàu. Tuy nhiên, Bộ Môi trường Brazil đã chỉ trích ý định của Hải quân nước này khi muốn bỏ rơi con tàu giữa biển.