1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Không quân Mỹ thử đầu đạn cho tên lửa siêu vượt âm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Không quân Mỹ thông báo đã thực hiện bài thử nghiệm đầu tiên với đầu đạn của tên lửa siêu vượt âm AGM-183A và dự kiến thử nghiệm vũ khí này trong thời gian tới.

Không quân Mỹ thử đầu đạn cho tên lửa siêu vượt âm - 1

Tên lửa AGM-183A tích hợp ở dưới cánh của máy bay ném bom chiến lược B-52 (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Theo The Drive, đầu đạn được không quân Mỹ thử nghiệm nằm trong phương tiện lượn siêu vượt âm đặt ở đầu tên lửa AGM-183A. Đây là đầu đạn nổ phân mảnh, có sức tàn phá cao với mục tiêu đối phương. Động thái này diễn ra trong bối cảnh không quân Mỹ dự kiến thử bắn tên lửa đẩy của AGM-183A cuối tháng này, sau lần thử đầu tiên thất bại hồi tháng 4.

Phi đoàn Thử nghiệm số 780 là bên tổ chức vụ thử nghiệm nhưng hiện không rõ thời gian và địa điểm diễn ra. Mỹ đã đưa đầu đạn vào trung tâm vòng tròn trên mặt đất, được tạo ra bởi các rào chắn cứng. Điều này giúp Mỹ ghi nhận những dữ liệu cần thiết về đầu đạn như sức tác động, kích thước và lực của vụ nổ, phạm vi và sự phân bố của mảnh đạn do vụ nổ tạo ra.

Mỹ nhấn mạnh rằng họ phải sử dụng các biện pháp khác biệt vì đầu đạn này vốn sở hữu hình dạng và đặc điểm độc đáo.

AGM-183A còn có tên gọi khác là vũ khí "Phản ứng nhanh phóng từ máy bay" (ARRW). Nó là tên lửa siêu vượt âm đầu tiên của không quân Mỹ. Năm ngoái, một quan chức Mỹ nói với tạp chí Không quân rằng, AGM-183A có thể bay với tốc độ từ 8.046 km tới 9.656 km mỗi giờ, nghĩa là nhanh gấp từ 6,5-7,5 lần tốc độ âm thanh. 

Theo mô tả từ Mỹ, tên lửa này sẽ mang đầu đạn lượn siêu vượt âm được đặt trong đầu tên lửa. Khi tên lửa được phóng đi ở độ cao và vận tốc thích hợp, phần đầu đạn tách ra khỏi thân và di chuyển với tốc độ siêu vượt âm nhắm vào mục tiêu.

Tốc độ nhanh và khả năng cơ động giúp các tên lửa siêu vượt âm trở nên nguy hiểm hơn đối với hầu hết các hệ thống phòng không. Ngoài ra, thời gian đốt cháy động cơ tên lửa được rút ngắn khiến việc phát hiện chúng bằng hệ thống cảnh báo sớm trên quỹ đạo trở thành một nhiệm vụ khó khăn.

Vụ thử xảy ra trong bối cảnh Nga đang chuẩn bị thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm thứ 4, trong khi Trung Quốc đã có tên lửa siêu vượt âm sẵn sàng triển khai. Giới chức quân sự Mỹ nhiều lần thừa nhận Washington đang đi sau nhiều năm so với các đối thủ chiến lược trong cuộc đua vũ khí siêu vượt âm.

Video "pháo đài bay" B-52 lần đầu mang tên lửa siêu vượt âm uy lực của Mỹ