1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khởi động cuộc điều tra quốc tế về đại dịch Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Cuộc điều tra nhằm giải đáp những câu hỏi xoay quanh cách ứng phó Covid-19 của thế giới cũng như nguồn gốc của đại dịch đã khiến hơn 30 triệu người mắc bệnh, trong đó gần 1 triệu người tử vong.

Khởi động cuộc điều tra quốc tế về đại dịch Covid-19 - 1
Khu chợ kinh doanh hải sản và động vật hoang dã ở Vũ Hán - nơi bị nghi là ổ dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới. (Ảnh: Reuters)

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), một ủy ban điều tra độc lập gồm 13 thành viên do Tổ chức Y tế Thế giới lập ra ngày 18/9 đã khởi động cuộc điều tra về cách ứng phó đại dịch Covid-19 của thế giới. Đây là ủy ban bao gồm một cựu thủ tướng, một người đoạt giải Nobel và các chuyên gia y tế.

"Chúng tôi sẽ chất vấn về việc liệu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chính phủ đã có thể phản ứng khác đi như thế nào với những gì chúng ta hiện đã biết", cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark, đồng chủ tịch ủy ban điều tra, cho biết.

Bà Clark được bổ nhiệm dẫn dắt ủy ban điều tra độc lập về cách ứng phó Covid-19 của thế giới cùng với cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson-Sirleaf - người từng đoạt giải Nobel. Họ đã chọn ra 11 thành viên khác cho ủy ban, trong đó có chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn, cựu đại sứ Mỹ Mark Dybul, cựu Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Preeti Sudan.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ủy ban này nhận được sự ủng hộ về chính trị, trong khi số khác tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của cuộc điều tra. Tikki Pangestu, cựu giám đốc phụ trách Hợp tác và Chính sách nghiên cứu của WHO, cho biết "phạm vi và hạn chế" của ủy ban điều tra này vẫn đang được xem xét. "Nhưng điều quan trọng nhất, hy vọng rằng một ủy ban độc lập sẽ không thiên vị WHO hay các quốc gia thành viên”, ông Pangestu nói.

Hiện chưa rõ, cuộc điều tra sẽ giải đáp đến mức độ nào cho các câu hỏi phản ứng ban đầu với Covid-19 sau khi dịch bệnh phát hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc cuối năm ngoái sau khi có những cáo buộc rằng Bắc Kinh che giấu , chậm trễ công bố dịch.

Trong một diễn biến liên quan khác, WHO cho biết sẽ dẫn đầu một nhóm đến Trung Quốc thực hiện một cuộc điều tra khoa học về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 khởi phát cuối năm ngoái từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Đến nay, đại dịch đã khiến hơn 30 triệu người trên thế giới mắc bệnh, trong đó gần 950.000 người tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp đến là Ấn Độ, Brazil.

WHO hôm qua cảnh báo, dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại với “tốc độ lây lan đáng báo động”. Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cho biết,hơn 50% trong số các quốc gia châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng hơn 10% trong hai tuần qua.

Giới chức WHO cũng khẳng định không thay đổi khuyến cáo cách ly 14 ngày đối với những người có khả năng mắc Covid-19.

“Chúng tôi đưa ra khuyến cáo cách ly trong 14 ngày dựa trên hiểu biết của chúng tôi về giai đoạn ủ bệnh và lây lan Covid-19. Chúng tôi chỉ có thể điều chỉnh khuyến cáo dựa trên sự thay đổi trong hiểu biết của chúng tôi về khoa học”, bà Catherine Smallwood, một quan chức của WHO phụ trách khu vực châu Âu nói.