1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khởi đầu một thời kỳ đen tối mới tại Ukraina

Kể từ mai (1/1/2016), thỏa thuận thành viên liên kết giữa Ukraina và EU bắt đầu có hiệu lực. Điều này cho thấy EU quyết chiêu dụ Ukraina bỏ Nga. Báo chí Đức cho rằng thỏa thuận trên giữa EU và Ukraina sẽ là thùng thuốc súng cho quan hệ Nga-EU trong năm tới.

Khởi đầu một thời kỳ đen tối mới tại Ukraina - 1

Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk ở Brussels

Thỏa thuận trên được EU và Ukraina ký ngày 21/4/2014, tức một tháng sau khi Crưm sáp nhập vào Nga. Theo EU, hiệp định này nhằm ủng hộ về kinh tế và chính trị đối với chính quyền Ukraina.

Văn kiện này dự kiến thành lập vùng trao đổi thương mại tự do và đổi lại Ukraina cải cách chính trị xây dựng nhà nước theo mô hình dân chủ Tây Âu, tận diệt tham nhũng.

Sau đó, Ukraina sẽ hợp tác sâu xa với châu Âu trong lãnh vực an ninh và quốc phòng. Để được như thế, châu Âu sẽ giúp cho Ukraina đào tạo cảnh sát, quân đội, canh tân bộ máy hành chính và trao đổi sinh viên, giáo chức đại học. Từ nay đến 2020, EU viện trợ 1 tỷ euro cho Ukraina không kể 11 tỷ cho vay.

Nhận định về thỏa thuận trên, tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten của Đức viết: Ukraina đang bị bao trùm trong cuộc khủng hoảng dường như không được hưởng lợi từ thỏa thuận trên.

Theo tờ báo, trong quá trình đàm phán kéo dài, các nhà lãnh đạo EU đã cố gắng thuyết phục Moskva rằng Ukraina sẽ nhận được từ thỏa thuận này các lợi ích kinh tế và tất nhiên có thể tiếp tục duy trì quan hệ tốt với Nga. Nhưng họ quên không đề cập đến thực tế là sự "liên kết" này không chỉ bao gồm thỏa thuận thương mại tự do, mà còn là sự tiếp cận với chính sách quốc phòng của EU. Xét theo mọi chuyện,  Moskva rõ ràng là đọc Hiệp định Lisbon một cách chặt chẽ hơn.

Deutsche Wirtschafts Nachrichten ghi nhận EU đang liên tục có kế hoạch hành động chống Nga. Đặc biệt, EU đang cố gắng gây ảnh hưởng đến chính sách của Nga liên quan đến Crưm, bằng cách sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, đã được gia hạn tuần trước.

Tờ báo Đức lưu ý, hành vi này cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu "thiếu hiểu biết" về lịch sử. Trong nhiều thế kỷ, ưu tiên trong chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nga là đảm bảo an ninh biên giới phía Tây bằng tình hữu nghị với nước láng giềng, hoặc ảnh hưởng chính trị, và trong lĩnh vực này Ukraina đóng một vai trò rất quan trọng, bài báo nêu rõ.

Bây giờ, khi Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko muốn đến gần hơn với NATO, tình hình đang ngày càng trở nên căng thẳng. Trong khi đó phương Tây coi việc sáp nhập Crưm là một hành động gây hấn, và đến lượt mình, Moskva coi việc mở rộng NATO và sự gia nhập có thể của Ukraina vào liên minh phương Tây là mối đe dọa đối với an ninh của Nga. Việc liên minh quân sự phương Tây mua chuộc chính phủ Ukraina là mối đe dọa lớn đối với hòa bình thế giới vốn dĩ đã mong manh.

Deutsche Wirtschafts Nachrichten nhấn mạnh Ukraina không phải là một quốc gia châu Âu, bất chấp tất cả mọi khẳng định cho rằng một phần phía Tây của nước này từng thuộc Áo-Hungary. Lối thoát duy nhất hợp lý cho Ukraina tại thời điểm này là thái độ trung lập về chính trị và quân sự, hỗ trợ bằng thoả thuận kinh tế-với phương Tây và với Nga.

Về phía Nga, để trả đũa thỏa thuận liên kết EU-Ukraina, Moskva đã quyết định ngưng hiệp định mậu dịch tự do với Ukraina cũng kể từ ngày 1/1/2016.

Theo AFP, AP...

PetroTimes