1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khối băng vĩnh cửu ở Bắc Cực đang dần tan

(Dân trí) - Nhóm các nhà bác học Mỹ và Canada cho hay một khối băng khổng lồ của Trái đất đang tan dần, sắp tách khỏi đảo Ellesmere, hòn đảo lớn thứ 3 miền Bắc Cực của Canada, ráp gianh Groenland.

Khối băng khổng lồ được đặt tên là Ayles, có diện tích khoảng 66km2 (tương đương 2/3 diện tích thủ đô nước Pháp) đang dần tách khỏi đảo Ellesmere và trôi về phía biển Beaufort.

 

Hiện tượng nguy hiểm này như một dấu hiệu quan trọng của việc Trái Đất nóng lên.

Nhờ các máy đo địa chấn học, các nhà khoa học đã tìm hiểu nguyên nhân của các cơn địa chấn dữ dội xảy ra xung quanh hòn đảo. Chính nguồn năng lượng khổng lồ sinh ra do băng tan đã gây ra các cơn địa chấn này.

 

Tuy nhiên, vào tháng 8-2005, khi mới chỉ phát hiện tảng băng đang tan, không ai biết về nguồn năng lượng này. Một nhà địa lý học trường Đại học Ottawa đã kết hợp cứ liệu về các vụ động đất và những hình ảnh do các vệ tinh cung cấp để khôi phục lại tiến trình tan chảy của khối băng.

 

Tuyên bố với hãng thông tấn Pháp AFP, ông này cho biết: "Đây là một sự mất mát băng cực lớn trong vòng 25 năm qua, nhưng là sự nối tiếp những mất mát đã bắt đầu từ thế kỷ trước".

 

Từ khi Bắc Cực được phát hiện vào năm 1906, tính đến nay sự bao phủ của các khối băng ở vùng này đã giảm đi 90%. Trước kia hiện tượng băng tan chỉ diễn ra từ từ nhưng giờ có thể chỉ trong 1h đồng hồ. Trong những năm gần đây, diện tích và độ dày của lớp vỏ băng Bắc Cực giảm đi một cách đáng kinh ngạc".

 

Trước kia đảo Ellesmere được bao quanh bằng một lớp băng dày hơn 10.000 km2. Nhưng trong suốt thế kỷ 20 lớp băng này đã bị vỡ làm 6 mảng lớn và một vài mảng đã tan ra. Vào năm 2002, khối băng lớn nhất là Ward Hunt cũng đã bị nứt. Nhưng Ayles là khối băng lớn đầu tiên tan ra và sẽ dần cắt đứt các sợi dây băng nối  đại dương với đất liền. Hiện tượng này sẽ phát sinh nguy cơ về thảm họa hàng hải và việc lắp đặt các hệ thống thăm dò khai thác dầu khí ngoài khơi sẽ khó có thể thực hiện.

 

Ellesmere là hòn đảo duy nhất còn chứa đựng hệ sinh thái băng cực trên hành tinh.

 

Sau khi biết Ayles đang tan nhanh, nhà sinh vật học Warwick Vincent, thuộc trường Đại học Laval ở Québec, đã đến các vùng nước đóng băng ở Nam Cực để quan sát hòn đảo mới không có băng bao xung quanh và ông đã khổng thể tin được vào mắt mình: "Toàn bộ hệ sinh thái đang dần mất đi. Ở nơi đây hầu như không còn phong cảnh nữa. Con người đã vượt quá ngưỡng thời tiết cho phép và đó là khởi nguyên của sự thay đổi đột biến này".

 

Sự tan ra của các lớp băng ở đảo Ellesmere diễn ra từ 12.000 năm nay nhưng sự tan chảy chỉ diễn ra nhanh trong những năm gần đây do sự nóng lên của thời tiết.

 

Trong một bài báo mới đây các nhà nghiên cứu Bắc Cực người Mỹ và Canada khẳng định đến năm 2040 chỉ một tỷ lệ nhỏ băng lâu đời ở Bắc Cực ở bờ biển phía Bắc Groenland và Canada là còn có thể được duy trì trong mùa hè.

 

Thậm chí, Đại dương Bắc Cực có thể sẽ trống rỗng các khối băng. Hành lang biển sẽ giảm đi lộ trình giữa châu Âu và châu Á, vì vậy người ta cần phải thiết lập những đường biển mới ở vùng Bắc Cực.

 

HH

Theo Le Figaro