1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Kho vũ khí nguy hiểm của Triều Tiên có thể khiến Mỹ dè chừng

Thành Đạt

(Dân trí) - Kho vũ khí của Triều Tiên được cho là ngày càng mở rộng, không chỉ bao gồm các vũ khí thông thường mà còn xuất hiện các vũ khí hạt nhân mới.

Kho vũ khí nguy hiểm của Triều Tiên có thể khiến Mỹ dè chừng - 1

Tên lửa chiến thuật mới của Triều Tiên trong vụ phóng ngày 25/3 (Ảnh: Reuters).

Hai tên lửa đạn đạo do Triều Tiên phóng đi hôm 25/3 đã rơi xuống biển và không gây ra thiệt hại nào. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định vụ phóng tên lửa này là bằng chứng tiếp theo cho thấy kho vũ khí ngày càng mở rộng của Bình Nhưỡng đã đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí lục địa Mỹ.

"Mỹ và các đồng minh tại châu Á coi Triều Tiên là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng", Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nhận định trong báo cáo về sức mạnh quân sự của Bình Nhưỡng được cập nhật vào tháng 11/2020.

"Theo ước tính của các nhà phân tích, Triều Tiên có thể có hơn 60 vũ khí hạt nhân, và đã thử thành công các tên lửa có thể tấn công Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân", báo cáo của CFR nêu rõ. Đây cũng là thông tin đáng lo ngại nhất trong báo cáo của CFR.

Theo Yonhap, vụ phóng tên lửa hôm 25/3 là vụ thử vũ khí thứ hai của Triều Tiên trong chưa đầy một tuần. Giới phân tích nhận định tên lửa đạn đạo trong vụ thử mới nhất của Triều Tiên được cho là có tầm bắn ngắn hơn và không đe dọa trực tiếp tới lục địa Mỹ.

Tuy nhiên, vụ thử mới nhất của Triều Tiên là động thái "báo động" với Nhật Bản, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương và là nơi đồn trú của hàng chục nghìn lính Mỹ. Các tên lửa mới được thử nghiệm của Triều Tiên đều được phóng về phía Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga gọi 2 vụ thử vũ khí liên tiếp của Triều Tiên là "mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh" của Nhật Bản.

Triều Tiên từng cảnh báo tên lửa của nước này có thể phóng tới Nhật Bản. Năm 2017, Bình Nhưỡng đã phóng 2 tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.

Năm ngoái, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 của Triều Tiên đã rơi xuống vùng biển ngoài khơi Nhật Bản. Theo chuyên gia David Wright, nếu bay theo đúng quỹ đạo, tên lửa này có thể bay xa 13.000 km.

"Một tên lửa như vậy có đủ tầm phóng để vươn tới Washington DC hoặc bất kỳ nơi nào trên lục địa Mỹ", chuyên gia Wright nhận định, song cũng nói thêm rằng tầm phóng có thể thay đổi nếu tên lửa được gắn thêm đầu đạn hạt nhân.

Mặc dù vậy, ngay cả một đầu đạn hạt nhân rất nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả khủng khiếp. Quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản vào năm 1945 đã giết chết 70.000 người và khiến hàng chục nghìn người khác "chết dần chết mòn" do bị bỏng hoặc nhiễm phóng xạ.

Triều Tiên đã thử thành công các quả bom tương đương quả bom trút xuống Hiroshina, thậm chí còn lớn hơn.

Tên lửa lớn nhất của Triều Tiên

Kho vũ khí nguy hiểm của Triều Tiên có thể khiến Mỹ dè chừng - 2

Tên lửa đạn đạo liên lục địa tại lễ duyệt binh của Triều Tiên vào tháng 10/2020 (Ảnh: KCNA).

Tháng 10/2020, Triều Tiên "trình làng" tên lửa lớn nhất của nước này - một phiên bản nâng cấp của tên lửa Hwasong-15 trong lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng. Triều Tiên đã phải sử dụng phương tiện quân sự với 11 trục bánh xe mới có thể chở hết một quả tên lửa này.

Harry Kazianis, giám đốc phụ trách nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia ở Washington, cho rằng tên lửa xuất hiện trong lễ duyệt binh có thể là tên lửa đạn đạo liên lục địa mới với kích cỡ lớn hơn nhiều và uy lực hơn nhiều so với bất kỳ tên lửa nào trong kho vũ khí của Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo báo cáo của CFR, tên lửa "khủng" trong lễ duyệt binh của Triều Tiên vẫn chưa được thử nghiệm, do vậy sức mạnh thực sự của vũ khí này vẫn còn là "ẩn số".

"Giới phân tích nhận định tên lửa này có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân hoặc "bẫy mồi" để gây nhiễu các hệ thống phòng thủ tên lửa", báo cáo của CFR nhận định.

Cũng theo báo cáo của CFR, Triều Tiên đã thử nghiệm thành công bom hạt nhân 6 lần vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017. Với mỗi vụ thử, sức công phá của bom hạt nhân Triều Tiên lại tăng lên.

Theo nghiên cứu của các nhà địa chấn học tại Đại học California Santa Cruz, vụ thử bom hạt nhân năm 2017 là vụ thử lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên, với sức công phá 250 kiloton. Trong khi đó, quả bom thả xuống Hiroshima chỉ có 16 kiloton.

Mặc dù kích nổ bom thành công, song Triều Tiên cho đến nay vẫn chưa cho thấy nước này có thể gắn các đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, với những tiến bộ mà Triều Tiên đã đạt được, đặc biệt với chương trình hiện đại hóa tên lửa của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Bình Nhưỡng có thể đạt được công nghệ gắn thành công đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo tầm xa.

"Chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng Triều Tiên có khả năng nhắm mục tiêu tới Mỹ bằng vũ khí hạt nhân", nhà nghiên cứu Jeffrey Lewis tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Middlebury cho biết.

Theo CNN, Triều Tiên chế tạo ngày càng nhiều tên lửa, bao gồm cả tên lửa thông thường và tên lửa hạt nhân. Sách Trắng năm 2020 của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Triều Tiên có 13 đơn vị tên lửa. Tại lễ duyệt binh vào tháng 10 năm ngoái, 9 tên lửa của Triều Tiên đã được "trình làng", trong đó có tên lửa ICBM mới, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Vũ khí thông thường

Kho vũ khí nguy hiểm của Triều Tiên có thể khiến Mỹ dè chừng - 3

Xe tăng Triều Tiên trong lễ duyệt binh vào tháng 1/2021 (Ảnh: KCNA).

Mặc dù cộng đồng quốc tế thường chú ý tới tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, song vẫn không thể đánh giá thấp kho vũ khí thông thường của nước này.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định quân đội Triều Tiên đã phát triển các bệ phóng rocket đa nòng có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Hàn Quốc, đặt toàn bộ đất nước với hơn 50 triệu dân này vào vòng nguy hiểm. Ngoài ra, vũ khí Triều Tiên cũng đe dọa gần 30.000 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

Với sự phối hợp của các đặc công, máy bay cỡ nhỏ, trực thăng và tàu thuyền, các đơn vị đặc nhiệm của Triều Tiên có thể đe dọa bất kỳ căn cứ quân sự nào của Mỹ tại Hàn Quốc, ngoài các cơ sở hạ tầng và công nghiệp của nước láng giềng.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ước tính quân đội Triều Tiên có khoảng 1,28 triệu người, so với 550.000 người của Hàn Quốc. Triều Tiên hiện có khoảng 4.300 xe tăng, 2.600 xe bọc thép và 8.800 khẩu pháo. Hải quân Triều Tiên có 430 tàu chiến và 70 tàu ngầm, trong khi Không quân có 810 máy bay tác chiến.

So về vũ khí thông thường, các vũ khí của Triều Tiên lâu đời hơn và kém hiện đại hơn vũ khí của Hàn Quốc và lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc. Tuy vậy, hỏa lực của Triều Tiên có thể nhanh chóng trút lên Seoul vì thủ đô của Hàn Quốc chỉ cách vĩ tuyến 38 chia tách bán đảo Triều Tiên khoảng 50 km.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm