1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khó khăn dồn dập bủa vây Tổng thống Putin sau ngày đắc cử

(Dân trí) - Không lâu sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã phải đối mặt với những khó khăn dồn dập khi chứng kiến hai cuộc khủng hoảng xảy ra cùng một lúc.

Tổng thống Putin đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ cháy ở Kemerovo (Ảnh: Getty)
Tổng thống Putin đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ cháy ở Kemerovo (Ảnh: Getty)

Chỉ vài ngày sau khi giành chiến thắng áp đảo với tỷ lệ cử tri ủng hộ lên tới 77% trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin đã phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất sau 18 năm cầm quyền tại Nga.

Ở trong nước, nỗi đau buồn của người dân Nga đã biến thành cơn giận dữ khi vụ hỏa hoạn xảy ra tại trung tâm thương mại ở Kemerovo, Siberia đã cướp đi sinh mạng của 64 người, trong đó có nhiều trẻ em. Cùng thời điểm đó, trên trường quốc tế, Nga phải đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng khi Mỹ và hàng chục quốc gia khác trục xuất tập thể hơn 150 nhà ngoại giao Nga để trả đũa vụ cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc ở Anh, bất chấp việc Moscow nhiều lần lên tiếng phủ nhận.

Cả hai vụ việc bị coi là “thảm họa” này đều có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của Tổng thống Putin trong lòng người dân Nga và Điện Kremlin đang tìm cách để gửi đi thông điệp rằng, ông Putin dường như là người duy nhất có thể dẫn dắt nước Nga vượt qua những thời khắc khó khăn.

“Tôi muốn bày tỏ lòng thông cảm và sự ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo của chúng ta, Vladimir Putin. Đối với ông ấy, đây là một cú đâm sau lưng, một cú sốc khủng khiếp, vì tất cả những gì ông ấy đã làm cho nước Nga đều là những điều phi thường. Ông ấy đã bảo vệ chúng ta trên trường quốc tế và tiến hành cải cách trong nước với sức mạnh đáng nể”, thượng nghị sĩ Nga Yelena Mizulina nói trong một chương trình truyền hình sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn tại Siberia.

Vào ngày 26/3, khi người dân Nga vừa nghe tin số nạn nhân tử vong trong vụ cháy ở Kemerovo tăng lên và sau đó là vụ hàng loạt nhà ngoại giao Nga bị trục xuất, Tổng thống Putin gần như im lặng. Ông chỉ xuất hiện trên sóng truyền hình trong lễ đón tiếp Quốc vương Qatar tại Điện Kremlin.

Ông Putin tới bệnh viện thăm hỏi những người bị thương trong vụ cháy ở Kemerovo. (Ảnh: TASS)
Ông Putin tới bệnh viện thăm hỏi những người bị thương trong vụ cháy ở Kemerovo. (Ảnh: TASS)

Nhưng ngay sáng hôm sau, khi thủ đô Moscow vừa thức giấc, ông Putin đã có mặt tại Kemerovo sau chuyến bay kéo dài 4 giờ. Nhà lãnh đạo Nga đã khiển trách những cá nhân mà ông cho là “bất cẩn” để xảy ra vụ cháy khiến hàng chục người thiệt mạng. Trong khi đó, ông Aman Tuleyev, thống đốc vùng Kemerovo, mong Tổng thống Putin tha thứ vì sự cố gây chết người này.

Chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Kemerovo đã gửi đi một thông điệp rằng nhà lãnh đạo Nga luôn đứng về phía người dân. Mặc dù ông đã đích thân tới chia buồn cùng gia đình của các nạn nhân thiệt mạng và thăm hỏi những người may mắn sống sót trong bệnh viện, hàng trăm người dân địa phương vẫn tập trung ở quảng trường trung tâm để bày tỏ sự giận dữ và bất bình với giới chức địa phương.

Ông Putin từng nhận được hơn 85% số phiếu ủng hộ từ các cử tri vùng Kemerovo trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Nga. Tuy nhiên, trong cuộc tuần hành tại Kemerovo, một số người dân đã yêu cầu Thống đốc Tuleyev, thậm chí cả Tổng thống Putin, từ chức.

Trên mạng xã hội, nhiều người Nga đặt câu hỏi về việc tại sao Tổng thống Putin phải mất khoảng thời gian lâu như vậy mới thông báo quốc tang. Khi niềm tin vào các nhà chức trách sụt giảm, nhiều người thậm chí còn nghi ngờ về số liệu thống kê các nạn nhân thiệt mạng. Họ đồn đoán rằng con số thực tế còn cao hơn những gì mà các nhà chức trách công bố.

Khó khăn tiếp tục bủa vây Điện Kremlin khi các nhà điều tra Nga buộc phải mở một vụ án hình sự nhằm vào một công dân Ukraine do tung tin thổi phồng số người chết trong vụ hỏa hoạn trên mạng. Sergei Kiriyenko, một trong số các trợ lý thân cận của Tổng thống Putin, còn cảnh báo rằng thảm kịch Kemerovo có thể sẽ bị kẻ xấu lợi dụng để tiến hành các động thái khiêu khích vốn được nhen nhóm từ trước.

Tuy nhiên những biện pháp cứng rắn trên cũng không thể ngăn thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, một trong những nhân vật chỉ trích Tổng thống Putin mạnh mẽ nhất, đăng tải một video gây tranh cãi, thu hút hơn 3,7 triệu lượt xem trên Youtube. Từng bị cấm tham gia cuộc bầu cử Nga năm nay, Navalny đã không ngần ngại chỉ ra rằng thủ phạm thực sự gây ra vụ hỏa hoạn ở Kemerovo là nạn tham nhũng, vì các thanh tra viên về an toàn phòng cháy chữa cháy có thể đã nhận hối lộ.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao


Tổng thống Putin gặp Tổng thống Trump tại Đức năm 2017 (Ảnh: AFP)

Tổng thống Putin gặp Tổng thống Trump tại Đức năm 2017 (Ảnh: AFP)

Trong lúc Tổng thống Putin tập trung nguồn lực để giải quyết hậu quả vụ hỏa hoạn, nhà lãnh đạo Nga buộc phải để Bộ Ngoại giao xử lý cuộc khủng hoảng ngoại giao ngày càng lan rộng trên trường quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng chỉ trích Mỹ và các đồng minh vì trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga đúng vào ngày cả nước Nga bắt đầu tương niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy.

Tương tự vụ cháy tại Kemerovo, các quan chức Nga buộc phải coi cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có tiền lệ là một sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của Tổng thống Putin. Theo Điện Kremlin, nguyên nhân thực sự của việc trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga là chiến dịch chống Nga do Anh và Mỹ khởi xướng. Cách phản ứng của Điện Kremlin trong vụ việc lần này cũng tương tự những lần trước đây khi các vận động viên Nga bị cáo buộc sử dụng doping, khi các binh sĩ Nga bị cáo buộc tham gia chiến đấu ở Ukraine hay khi Nga bị cáo buộc tấn công mạng nhằm can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gây sức ép buộc các nước khác cũng phải tham gia “trào lưu” trục xuất các nhà ngoại giao Nga, giống như cách Washington tập hợp các quốc gia châu Âu nhỏ hơn để tham gia liên minh “tự nguyện” trong cuộc chiến Iraq năm 2003. Tổng thống Putin từng tuyên bố trước đây rằng Mỹ không cần đồng minh mà chỉ cần “các nước chư hầu”.

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin sẽ đích thân đưa ra quyết định về phản ứng của Nga sau vụ trục xuất các nhà ngoại giao. Bộ Ngoại giao Nga cũng bắt đầu đưa ra đòn đáp trả đầu tiên khi tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg.

Tuy nhiên ngay cả khi Bộ Ngoại giao Nga tỏ ra cứng rắn với Mỹ, giọng điệu của Điện Kremlin vẫn ôn hòa. Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, nói rằng Moscow vẫn muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước, bao gồm cả Mỹ. Điều này cho thấy Tổng thống Putin có lẽ vẫn hy vọng về việc giữ hòa khí với người đồng cấp Mỹ Donald Trump, mà trước mắt là cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo.

Thành Đạt

Theo NPR