1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến lược “trong nóng ngoài lạnh” của Tổng thống Trump với ông Putin

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump có thể không công khai chỉ trích Nga hoặc gây căng thẳng với người đồng cấp Vladimir Putin, song nhà lãnh đạo Mỹ có thể theo đuổi một cách tiếp cận khác với Moscow phía sau hậu trường.

Tổng thống Trump (phải) trò chuyện cùng Tổng thống Putin trong cuộc gặp vào tháng 11/2017 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Trump (phải) trò chuyện cùng Tổng thống Putin trong cuộc gặp vào tháng 11/2017 (Ảnh: Reuters)

Theo nguồn tin từ nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ, các cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump đã dành nhiều tháng để thuyết phục ông ký thông qua kế hoạch cung cấp vũ khí của Mỹ cho Ukraine nhằm hỗ trợ cho cho Kiev trong cuộc chiến chống lại phe ly khai do Nga hậu thuẫn. Tuy nhiên, sau khi chính thức thông qua chính sách này, Tổng thống Trump đã yêu cầu các trợ lý không tuyên bố công khai quyết định của ông. Theo các quan chức Nhà Trắng, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng nếu công khai như vậy, ông có thể chọc giận Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Ông ấy không muốn chúng tôi rùm beng vấn đề đó lên. Đó không phải chủ đề mà ông ấy muốn nói”, một quan chức Nhà Trắng tiết lộ.

Giới chức Mỹ nhận định sự mâu thuẫn khó hiểu ngày càng tăng giữa các quyết định chính sách của Tổng thống Trump với thái độ công khai của ông với Nga bắt nguồn từ việc nhà lãnh đạo Mỹ hy vọng rằng, ông có thể cải thiện quan hệ với Tổng thống Putin. Trong khi đó, giới truyền thông và những người chỉ trích vẫn luôn hoài nghi về sự im lặng hoặc những lời “có cánh” mà ông chủ Nhà Trắng dành cho ông chủ Điện Kremlin.

Giới chỉ trích cho rằng cách tiếp cận mềm mỏng của Tổng thống Trump với ông Putin có liên quan tới nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 cũng như những đồn đoán về việc chiến dịch tranh cử của ông Trump đã thông đồng với Moscow, mặc dù đây là những cáo buộc mà ông Trump một mực bác bỏ.

Theo tiết lộ của các quan chức Mỹ, phía sau hậu trường, Tổng thống Trump gần đây đã tỏ ra cứng rắn hơn với người đồng cấp Nga. Tuy nhiên, sự chuyển biến này xuất phát từ việc Tổng thống Putin “thách thức” sức mạnh của ông Trump, chứ không phải do nhà lãnh đạo Mỹ coi ông Putin là đối thủ của mình.

Tổng thống Putin hồi đầu tháng tuyên bố Nga có trong tay các loại vũ khí hạt nhân mới mà theo giới phân tích chúng hoàn toàn có thể tấn công lãnh thổ Mỹ. Nhà lãnh đạo Nga thậm chí còn chiếu một đoạn video mô phỏng hoạt động của các vũ khí uy lực này, trong đó có hình ảnh đầu đạn tên lửa hướng về phía Mỹ. Một quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Trump rất giận dữ trước vụ việc này.

NBC dẫn lời hai quan chức Mỹ tiết lộ, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin sau khi nhà lãnh đạo Nga tái cử hồi tuần trước, ông Trump đã tuyên bố với người đồng cấp Nga rằng: “Nếu ông muốn một cuộc chạy đua vũ trang, chúng ta có thể làm điều đó. Nhưng tôi sẽ giành chiến thắng”.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump sau đó không hề hé lộ bất kỳ sự căng thẳng nào liên quan tới cuộc điện đàm với ông Putin. Thậm chí, ông Trump còn nói với các phóng viên rằng ông có cuộc điện đàm “tuyệt vời” và ông đang lên kế hoạch gặp mặt tổng thống Nga để thảo luận về việc giảm nhiệt cuộc chạy đua vũ trang.

Sự thiếu nhất quán

Hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ bắt tay tại Đức năm 2017 (Ảnh: Reuters)
Hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ bắt tay tại Đức năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Trong những ngày gần đây, sự thiếu nhất quán giữa chính sách của Tổng thông Trump với Nga và những tuyên bố công khai của ông với Moscow tiếp tục lộ rõ.

Nhà Trắng ngày 26/3 thông báo Mỹ sẽ trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga để đáp trả vụ cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc ở Anh. Đây là số lượng trục xuất lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh và cũng là “đòn tấn công” mạnh nhất của Mỹ nhằm vào Nga kể từ khi ông Trump nhậm chức hồi tháng 1 năm ngoái. Tuy nhiên, Tổng thống Trump không bình luận về vấn đề này, thậm chí ông còn khẳng định “vẫn muốn hợp tác với Nga”.

Sau khi Nga hôm qua 29/3 thông báo sẽ trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg để đáp trả việc Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao Nga, Tổng thống Trump vẫn chưa vội vã đưa ra tuyên bố nào.

Cách đây hai tuần, chính quyền Mỹ công bố lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và tổ chức Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và các cuộc tấn công mạng toàn cầu năm 2017. Một quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Trump ban đầu phản đối đề xuất trừng phạt Nga vì cho rằng sự can thiệp của Moscow thực chất không ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Mỹ. Tuy nhiên ông chủ Nhà Trắng bắt đầu tỏ ý chấp thuận sau khi Tổng thống Putin “khoe” các vũ khí hạt nhân của Nga.

Mặc dù đồng ý thông qua lệnh trừng phạt Nga, song Tổng thống Trump vẫn đưa ra những thông điệp mâu thuẫn cho giới chức Nhà Trắng về việc liệu ông có cần lên tiếng công khai về lệnh trừng phạt này hay không. Đôi lúc nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông cảm thấy ổn với việc đó, nhưng cũng có lúc ông chỉ đạo các trợ lý không được phát ngôn về các lệnh trừng phạt Nga.

Các trợ lý của Tổng thống Trump bắt đầu nghĩ cách đưa ra lời khuyên cho ông về cách tiếp cận với Nga. Theo Washington Post, trong các tài liệu được chuẩn bị sẵn cho Tổng thống Trump trước khi ông bắt đầu cuộc điện đàm với Tổng thống Putin hồi tuần trước, các trợ lý đã viết cụm từ “Không chúc mừng” để nhắc nhở nhà lãnh đạo Mỹ về việc không chúc mừng chiến thắng của ông Putin sau cuộc bầu cử Nga.

Rốt cuộc, Tổng thống Trump vẫn chúc mừng ông Putin. Mặc dù cảm thấy không hài lòng, song các cố vấn an ninh quốc gia cấp cao của ông Trump không bất ngờ với động thái này của nhà lãnh đạo Mỹ. Các trợ lý của Tổng thống Trump cũng không rõ liệu cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ sắp tới có diễn ra hay không, vì ông Trump thường có thói quen đề xuất gặp mặt trong tất cả các cuộc điện đàm của ông với các nhà lãnh đạo nước ngoài.

“Ông ấy (Tổng thống Trump) là người bảo thủ. Ông ấy nghĩ rằng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga sẽ là điều tốt cho Mỹ và ông ấy thực sự tin rằng ông ấy có thể làm được điều đó”, một quan chức Mỹ cho biết.

Trong khi đó, một quan chức khác cho rằng Tổng thống tin một mối quan hệ ổn định giữa Nga và Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng nếu Washington muốn tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột, chẳng hạn cuộc chiến tại Syria.

Thành Đạt

Theo NBC