Khi "vòi bạch tuộc" IS nhắm vào tim châu Âu
(Dân trí) - Loạt vụ khủng bố tại thủ đô Brussels (Bỉ) nơi được xem như trái tim của châu Âu, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự nguy hiểm và tham vọng của IS, bất chấp các chiến dịch không kích có thể khiến nhóm này suy yếu trên chiến trường.
Sau khi nghi phạm chính trong vụ đánh bom khủng bố Paris, tên Salah Abdeslam, bị bắt tại Bỉ hồi tuần trước, xen lẫn sự hài lòng khi tìm ra kẻ được tin là phụ trách chính về hậu cần cho vụ tấn công, làm 130 người thiệt mạng, là sự e ngại.
Theo tờ Economist, việc cơ quan chức năng Pháp và Bỉ mất quá nhiều thời gian để lần tìm ra tung tích tên này, cộng với việc y bị bắt trong căn hộ của mẹ một người bạn tại quận Molenbeek của Brussels, là dấu hiệu cho thấy sự thất bại của công tác tình báo tại Bỉ.
Nhưng có lẽ, lo ngại lớn nhất đó là phát hiện về mạng lưới của IS tại Bỉ, thậm chí khắp châu Âu, đã quá rộng lớn. Để có thể thực hiện một loạt các vụ tấn công phức tạp, như những gì diễn ra tại sân bay và ga tàu điện ngầm của Brussels hôm 22/3, IS cần phải có được sự hậu thuẫn của có lẽ hàng trăm kẻ ủng hộ. Chúng cần có được những kẻ chế tạo bom giỏi cũng như biết cách liên lạc một cách bí mật để qua mặt các cơ quan tình báo.
Ai đó có thể cho rằng các vụ tấn công tại Brussels diễn ra 4 ngày sau khi Abdeslam bị bắt là một sự trùng hợp. Tuy nhiên, có vẻ nhận định đó đã đánh giá thấp quy mô hoạt động của IS tại Bỉ. Trên thực tế, có thể vụ bắt giữ Abdeslam đã thôi thúc một nhóm phần tử cực đoan “nằm vùng” khác hành động, sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng chuẩn bị.
Vụ bắt giữ Abdeslam cùng việc tên này sẽ bị dẫn độ sang Pháp có thể giúp thu thập thông tin để làm sáng tỏ những điều chưa được biết đến sau các vụ tấn công tại Paris và Brussels. Tuy nhiên, cho đến nay, những gì cơ quan điều tra Pháp có được sau khi tiếp xúc nhân chứng và khám nghiệm hai hiện trường vụ án, cũng như nơi những kẻ khủng bố từng cư trú, đã đủ khiến nhiều người giật mình.
Lo ngại bao trùm đó là quy mô mạng lưới ở khắp châu Âu mà IS dường như đã xây dựng trong vòng ít nhất 3 năm qua, đã tạo thành một cơ sở vững chắc, giúp triển khai một loạt các vụ tấn công khủng bố lớn tại nhiều thành phố khác nhau. Đã có 18 người bị bắt giữ tại 6 quốc gia khác nhau bị tình nghi tiếp tay cho những kẻ tấn công khủng bố Paris. Nhưng đây có lẽ mới chỉ là phần nổi của tảng băng.
Các cơ quan tình báo châu Âu đang đối diện với mối đe dọa kép: hàng nghìn công dân châu Âu bị cực đoan hóa trên mạng internet, bị lôi kéo ra nhập IS, trong khi rất nhiều chiến binh đã từng tham chiến cho nhóm khủng bố này tại Syria và Iraq đang trở về, mang theo những kiến thức chiến đấu đặc biệt. Thời cơ để những kẻ này xâm nhập châu Âu mà không bị phát giác càng lớn, khi dòng người tị nạn khổng lồ đang đổ về.
Các nhà điều tra Pháp cũng gặp thách thức bởi sự tinh vi trong các hoạt động của IS. Dấu vết còn lại sau các vụ đánh bom Paris cho thấy, những kẻ chế tạo bom cho IS tại châu Âu đã hoàn toàn làm chủ việc chế tạo thiết bị nổ từ hóa chất triacetone triperoxide, hay còn gọi là TATP. Tiền chất của TATP có thể được tìm thấy trong các sản phẩm thông dụng như hóa chất tẩy sơn móng tay hay thuốc nhuộm tóc.
Một dấu hiệu khác cho thấy sự tinh vi của IS là kỷ luật trong bảo mật thông tin. Giới chức Pháp đã không có manh mối nào về những gì đã diễn ra trong tối 13/11 chết chóc, khi 130 người bị thảm sát trong hàng loạt vụ nổ và xả súng liên hoàn. Và dường như đến trước vụ việc xảy ra tại sân bay và ga tàu điện ngầm Brussels, không có thông tin tình báo nào đủ để khiến giới chức Bỉ hành động, cho dù Bộ trưởng Nội vụ nước này đã cảnh báo về khả năng sẽ có thêm các vụ tấn công.
Thẻ SIM điện thoại được lấy ra từ những chiếc điện thoại trả trước dùng một lần không cho thấy có tin nhắn, email hay một nhóm trò chuyện nào. Kết luận được đưa ra đó là những kẻ khủng bố đang sử dụng công nghệ mã hóa cho mọi liên lạc điện tử của mình. Nhưng chính xác đó là công nghệ gì thì vẫn là dấu hỏi lớn.
Cuối cùng, ngày càng có dấu hiệu cho thấy các phần tử IS luôn nhắm đến việc thực hiện đồng loạt nhiều vụ tấn công liên hoàn, để gây hỗn loạn và làm giảm khả năng ứng phó của cơ quan chức năng. Cuối tuần qua, có thông tin cho thấy cảnh sát London cùng lực lượng đặc nhiệm quân đội đang phối hợp để ứng phó khả năng thủ đô nước Anh bị tấn công đồng thời tại 10 địa điểm, trong cùng một ngày.
Châu Âu phải thay đổi
Châu Âu giờ đây phải đối diện với thực tế là IS đã đủ khả năng thực hiện các vụ tấn công chết chóc, với tần suất tương đối thường xuyên. Dù vậy, có một thực tế là châu lục này không thể phản ứng như những gì Mỹ thực hiện sau vụ 11/9/2001, khi nước này nhanh chóng nhận ra rằng thất bại của nhiều cơ quan trong việc chia sẻ thông tin tình báo là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc không thể ngăn chặn âm mưu khủng bố.
Nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn chặn một vụ tấn công được lên kế hoạch ở nước ngoài diễn ra trên lãnh thổ của mình là một chỉ dấu cho thấy bài học 11/9 đã được nghiên cứu kỹ lưỡng ra sao. Tuy vậy, để làm được điều đó trên toàn bộ các quốc gia của EU là một thách thức lớn, trong khi chính sách biên giới mở, cho phép người dân tự do đi lại không cần thị thực, từ cách đây rất lâu đã đòi hỏi phải chia sẻ thông tin tình báo giữa các thành viên.
Chính tại nước Bỉ, do những “kèn cựa” về chính trị giữa hai nhóm ngôn ngữ (người Bỉ ở miền bắc nói tiếng Hà Lan, trong khi ở miền nam nói tiếng Pháp), sự phối hợp giữa các cơ quan lâu nay vẫn lạnh nhạt. Europol, cơ quan thực thi pháp luật của EU, vẫn giúp hỗ trợ trao đổi thông tin cũng như đưa ra các phân tích hữu ích. Tuy nhiên họ lại không có quyền hành pháp để thực hiện các vụ điều tra, trong khi ngân sách chỉ hạn hẹp ở mức khoảng 100 triệu euro.
Mối đe dọa từ IS giờ đang buộc các cơ quan tình báo quốc gia phải hợp tác với nhau theo những cách họ chưa từng thực hiện. Dù vậy, sự khác biệt về năng lực và hệ thống IT là quá lớn, khiến việc trao đổi dữ liệu gặp khó khăn.
Thanh Tùng
Theo Economist