1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những câu hỏi lớn sau vụ khủng bố tại Bỉ

(Dân trí) - Loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thủ đô Brussels, Bỉ ngày 22/3 đang đặt ra hàng loạt câu hỏi lớn, về năng lực của lực lượng chống khủng bố, công tác an ninh tại sân bay, cũng như nguy cơ các vụ tấn công tái diễn...

Video toàn cảnh vụ khủng bố tại Brussels, Bỉ

Thứ Ba ngày 22/3 đã trở thành “ngày đen tối” của châu Âu, khi một loạt 3 vụ nổ bom tại sân bay và nhà ga tàu điện ngầm tại thủ đô Brussels của Bỉ đã khiến hơn 30 người thiệt mạng và khoảng 200 người bị thương.

Hình ảnh về các vụ khủng bố tại sân bay (trái) và ga tàu điện ngầm tại Brussels ngày 22/3 khiến thế giới chấn động. (Ảnh: Independent)
Hình ảnh về các vụ khủng bố tại sân bay (trái) và ga tàu điện ngầm tại Brussels ngày 22/3 khiến thế giới chấn động. (Ảnh: Independent)

Loạt vụ khủng bố, đã được nhóm Hồi giáo cực đoan IS đứng ra nhận trách nhiệm, được tiến hành tại thành phố được xem như trái tim của châu Âu, nơi đặt trụ sở các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng nhiều cơ quan quốc tế khác. Sự việc đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn.

Vì sao Brussels bị tấn công?

Theo BBC, Brussels không chỉ là một mục tiêu giá trị cao cho các phần tử Hồi giáo cực đoan, mà nước Bỉ từ lâu đã gặp khó khăn trong đối phó với các nhóm cực đoan, trong khi hàng trăm công dân nước này bị dụ dỗ tham chiến cho IS tại Syria và Iraq.

IS có nhiều nhóm chiến binh, nằm vùng tại các thành phố, nhưng Brussels là địa bàn những nhóm như vậy hoạt động tích cực nhất. Khu ngoại ô Molenbeek ở phía tây nam thành phố này lâu nay đã bị xem như khu “xóm liều”, hay “thủ phủ thánh chiến” tại châu Âu. Nhiều tay súng và kẻ đánh bom liều chết tại Paris tháng 11 năm ngoái từng sống tại khu ngoại ô này trước khi gây án, làm 130 người thiệt mạng.

Nghi phạm chính, tên Salah Abdeslam, đã không chết tại Paris, mà quay trở về lẩn trốn tại Bỉ, cho tới khi bị bắt sống cùng một đồng phạm hôm 18/3 tại Molenbeek. Nhiều người Bỉ thậm chí đã nhận định trước sẽ có hành động trả đũa từ các phần tử thánh chiến.

“Tôi chắc chắn đã nghĩ đến khả năng sẽ có vụ việc nào đó xảy ra, nhưng không phải ở quy mô lớn như thế này”, chuyên gia về phong trào thánh chiến Pieter Van Ostaeye nói sau khi xảy ra loạt vụ đánh bom tại sân bay và ga tàu điện ngầm.

Lực lượng an ninh Bỉ và EU đã thất bại?

Khoảng 8 giờ sáng ngày 22/3, các phần tử có vũ trang đã vào sân bay tại Zaventem, nổ súng và sau đó đánh bom tự sát. Chừng hơn một giờ sau đó, một kẻ khác đã lên được một chuyến tàu điện ngầm tại Brussels, và cho nổ tung khối chất nổ mang theo, tại vị trí chỉ cách các tòa nhà trụ sở EU chừng vài trăm mét.

Theo BBC, các lực lượng an ninh Bỉ đã được "thử lửa" từ tháng 11 năm ngoái, sau các vụ khủng bố Paris. Mức cảnh báo khủng bố cũng được duy trì ở mức cao thứ hai, trong khi binh sỹ vũ trang được triển khai tuần tra tại nhiều thành phố.

Tuy vậy, một lực lượng cảnh sát vốn đã bị dàn mỏng thời gian qua thực sự quá tải bởi những cảnh báo gần như liên tiếp về các mối đe dọa từ lực lượng Hồi giáo cực đoan. Những rào cản về cơ chế, chính sách cũng là một khó khăn.

Brussels là một thủ đô khá nhỏ tại châu Âu, nhưng vẫn có đến 6 vùng tuần tra. Hệ thống camera an ninh tại đây cũng bị cho là yếu hơn so với tại Paris hay London. “Rõ ràng rằng công tác an ninh đã không đảm bảo hiệu quả. Suốt nhiều năm, chúng tôi đã xem nhẹ vấn đề an ninh và các mối đe dọa khủng bố”, giáo sư Dave Sinardet, đến từ Đại học Tự do Brussels nhận định.

Lực lượng an ninh của Bỉ bị cho là mỏng và chưa sẵn sàng ngăn chặn khủng bố. (Ảnh: AFP)
Lực lượng an ninh của Bỉ bị cho là mỏng và chưa sẵn sàng ngăn chặn khủng bố. (Ảnh: AFP)

Theo tờ New York Times, vụ tấn công vừa qua làm dấy lên hoài nghi nghiêm trọng về mức độ sẵn sàng của lực lượng an ninh Bỉ. Quốc gia này có 2 cơ quan tình báo, một cơ quan cảnh sát liên bang, nhiều cơ quan cảnh sát địa phương và một Đơn vị Điều phối Phân tích Nguy cơ trực thuộc chính quyền liên bang. Cảnh sát liên bang cũng đã huấn luyện gần 18.000 sỹ quan cảnh sát để nhận diện các dấu hiệu của cực đoan hóa.

Cảnh sát liên bang Bỉ có trong tay danh sách khoảng 670 phần tử từng tới tham chiến tại Syria và Iraq, những kẻ đã trở về sau khi tham chiến, và những kẻ có xu hướng thân các nhóm khủng bố nước ngoài. Các đối tượng bị cực đoan hóa và hậu thuẫn các nhóm khủng bố cùng nằm trong danh sách này.

Bỉ cũng đã đẩy mạnh các nỗ lực ngăn những thanh niên trẻ bị cực đoan hóa trong vòng 18 tháng qua. Dù vậy, tất cả hệ thống trên vẫn chỉ đang được triển khai. Trong khi đó lực lượng cảnh sát tại Molenbeek, nơi tập trung đông người Hồi giáo sinh sống, lại quá mỏng. Số liệu cho thấy sau các vụ khủng bố Paris, 50 nhân viên an ninh được điều động đến địa bàn này, trong khi số lượng nhân sự thiếu hụt là 185 người.

Dù vậy không chỉ riêng ở Bỉ công tác an ninh cần được cải thiện. Cơ quan điều phối chống khủng bố của EU mới đây cho biết, nhiều quốc gia thành viên vẫn không kết nối điện tử toàn bộ các cửa khẩu của mình với hệ thống của Interpol.

Cơ quan này cũng chỉ ra rằng “công tác chia sẻ dữ liệu không phản ánh đúng mối đe dọa”. Cụ thể cơ sở dữ liệu của EU mới chỉ xác định được 2.786 chiến binh khủng bố ở nước ngoài, trong khi “những ước tính rộng rãi cho thấy có khoảng 5000 công dân EU đã tới Syria và Iraq để gia nhập IS cũng như các nhóm cực đoan khác”, báo cáo cho biết.

Đáng chú ý, hơn 90% số lượng báo cáo đã được xác minh về các phần tử khủng bố đến từ 5 quốc gia thành viên, đồng nghĩa với rất nhiều quốc gia khác không cung cấp thông tin.

Có nguy cơ tiếp tục xảy ra tấn công?

Với người dân Bỉ, đây có lẽ là câu hỏi khiến họ lo lắng nhất. Nhiều nghi phạm vẫn đang bị cảnh sát truy nã. Ngoài nghi phạm mặc áo trắng bị camera an ninh ghi hình, cảnh sát cũng truy tìm hai tên khác, là đồng phạm của nghị phạm đánh bom Paris Salah Abdeslam.

Đến nay 2 đối tượng tình nghi đã bị cảnh sát Bỉ bắt giữ, nhưng cơ quan chức năng cảnh báo nhiều nghi phạm có thể còn lẩn trốn. (Ảnh: Daily Mail)
Đến nay 2 đối tượng tình nghi đã bị cảnh sát Bỉ bắt giữ, nhưng cơ quan chức năng cảnh báo nhiều nghi phạm có thể còn lẩn trốn. (Ảnh: Daily Mail)

Một trong những nghi phạm đang “biệt tăm” là Najim Laachraoui. Vân tay của tên này được tìm thấy trong một căn hộ tại Brussels, nơi những kẻ tấn công chế tạo bom cho vụ khủng bố Paris. Tên còn lại là Mohamed Abrini, một người Bỉ theo đạo Hồi.

Sau các vụ khủng bố Paris, chuyên gia chống khủng bố Mỹ Clint Watts từng viết về “lý thuyết tảng băng trôi trong các âm mưu khủng bố”. Theo đó, để một kẻ tấn công có thể ra tay, tên này thường phải được giúp sức bởi nhiều kẻ khác. Nhưng những gì chúng ta được thấy chỉ là phần nổi của một tảng băng trôi.

Ông Watts tin rằng các vụ tấn công Brussels chính là dư chấn từ vụ khủng bố Paris. Điều chưa rõ đó là liệu những kẻ đang lẩn trốn có kế hoạch tiếp tục gây đổ máu hay không?

Thanh Tùng

Theo NY Times, BBC