Mổ xẻ thất bại cay đắng của tình báo Bỉ
(Dân trí) - Các phần tử thánh chiến từ Bỉ gia nhập nhóm phiến quân Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu. Và mặc dù thủ đô Brussels rõ ràng là một điểm nóng của các phần tử Hồi giáo cực đoan trẻ, giới chức Bỉ vẫn thất bại trong việc ngăn chặn các hành động tàn bạo.
Báo chí Pháp đã chỉ trích mạnh mẽ các cơ quan tình báo Bỉ kể từ các vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái, vốn được lên kế hoạch và dàn dựng tại Bỉ. Tờ Le Monde của Pháp thậm chí đã gọi Bỉ là “nơi ẩn náu của các phần tử thánh chiến”.
Sự yếu kém của Bỉ lại lộ rõ hồi tuần trước với vụ bắt giữ Salah Abdeslam, nghi phạm chính trong vụ khủng bố ở Paris, sau cuộc đột kích vào một căn hộ ở Brussels, hơn 4 tháng sau khi tên này lẩn trốn tại một khu dân cư nghèo của thủ đô.
Mặc dù Abdeslam, một công dân Bỉ, không còn xa lạ với các cơ quan thực thi pháp luật nước này trước vụ khủng bố ở Paris hồi năm ngoái nhưng tên này vẫn có thể đi qua biên giới trót lọt để sang Pháp, nơi hắn mua các kíp nổ nhờ dùng bằng lái xe thay giấy tờ tùy thân.
Cũng chỉ ít giờ sau vụ khủng bố Paris, Abdeslam đã bị chặn trên một chiếc xe đi thuê tại biên giới Pháp-Bỉ và bị cảnh sát thẩm vấn, nhưng rồi lại được thả.
Đó một sai sót khó có thể chấp nhận được, nhất là khi đài truyền hình quốc gia RTBF của Bỉ nói rằng Abdeslam đã nằm trong danh sách theo dõi của các cơ quan tình báo kể từ tháng 7/2014.
Giống nhiều nghi phạm khủng bố khác, Abdeslam có các mối liên hệ với một khu vực ở Brussels mà thị trưởng thành phố này từng miêu tả là “hang ổ của khủng bố” do số lượng các phần tử thánh chiến.
Bình luận về vụ bắt giữ Abdeslam tuần trước, một quan chức chống khủng bố của Pháp nói: “Hoặc là Abdeslam rất tinh vi, hoặc các cơ quan chức năng Bỉ quá kém cỏi. Nhiều khả năng là tình huống thứ 2”.
Ông Louis Caprioli, người cũng từng làm việc trong cơ quan chống khủng bố của Pháp, phàn nàn: “Giới chức Bỉ đáng nhẽ phải báo với Pháp rằng những kẻ tấn công này có thể đe dọa an ninh của Pháp”.
Còn ông Alain Chouet, cựu giám đốc cơ quan mật vụ Pháp, chỉ trích an ninh của Bỉ lỏng lẻo, ví dụ như các biện pháp kiểm tra sơ sài tại sân bay của Brussels.
Những thất bại an ninh này là một sự "sỉ nhục" đối với một quốc gia nơi đặt cả trụ sở của Liên minh châu Âu và NATO. Trong bối cảnh xảy ra những sự việc gần đây, thật hài nước khi Brussels luôn tự hào với biệt danh “Trung tâm theo dõi”.
Vì đâu nên nỗi?
Hình ảnh 3 nghi phạm chính trong vụ đánh bom sân bay Brussels được camera ghi lại. Nhóm phiến quân IS đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công.(Ảnh: NY Times)
Một trong những nguyên nhân gây ra sự yếu kém của tình báo Bỉ là sự thất bại trong việc đầu tư đủ nhân lực. Một số chuyên gia nói rằng họ thiếu 150 sĩ quan tình báo so với con số đề xuất 750 người.
Thiếu hụt ngân sách là cũng một vấn đề. Ông Alain Winants, người đứng đầu cơ quan tình báo Sûreté de l’État của Bỉ cho tới năm 2014, cho hay ông đã nhiều lần cảnh báo về việc ngân sách của cơ quan này quá hạn hẹp.
“Tôi đã nhiều lần phàn nàn về việc ngân sách của chúng tôi ở mức chạm đáy và không thể thấp hơn được nữa. Đáng tiếc là chỉ có các vụ việc như vụ khủng bố ở Paris và vụ đánh bom liên hoàn ở Brussels mới khiến các chính trị gia “tỉnh ngộ”.
“An ninh có giá của nó và phải sẵn sàng trả giá đó. Nếu không, mọi thứ có thể đi chệch hướng”, ông Winants nói.
Thất bại của giới chức tình báo một phần còn là bởi họ không học ngôn ngữ của các nghi phạm khủng bố. Ví dụ, trong số 2.600 cảnh sát tại Antwerp, chỉ có 22 người không phải da trắng, và phần lớn các cảnh sát biết rất ít tiếng Ả-rập hoặc tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng có một vấn đề quan trọng hơn làm cản trở các lực lượng an ninh Bỉ là cách thức hệ thống thực thi pháp luật và hành chính của nước này được phân chia theo các khu vực và ngôn ngữ.
60% dân số Bỉ sử dụng tiếng Flemish, và 33% người Bỉ sử dụng tiếng Walloon, một biến thể của tiếng Pháp. Sự hợp tác giữa hai nhóm ngôn ngữ khác biệt rất kém và bị cản trở bởi luật chống khủng bố, khiến giới chức ít có quyền hành động hơn những người đồng cấp tại Pháp và Anh.
Trên thực tế, các nhân viên điều tra nước ngoài thường phàn nàn khi họ đề nghị giới chức Bỉ cung cấp tên của các chủ phương tiện bị tình nghi phạm tội thì giới chức Bỉ lại yêu cầu họ gửi “thư đề nghị”, thay vì kiểm tra máy tính để nhanh chóng xác định chủ nhân thông qua biển số xe. Brussels, cũng có 6 sở cảnh sát riêng biệt quản lý 19 khu vực khác nhau, với mỗi khu vực có người đứng đầu riêng.
Cơ cấu phức tạp đó khiến cảnh sát không thể hoạt động hiệu quả như một đơn vị hợp nhất là Sở cảnh sát London hay Sở cảnh sát New York. Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon đã thừa nhận đây là một lý do khiến thủ đô Brussels đối mặt với vấn đề khủng bố, vốn đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Hơn nữa, giới chức Bỉ cũng không hợp tác hiệu quả với các cơ quan tình báo ở nước ngoài như MI5 của Anh. Tại Anh, cảnh sát phối hợp rất chặt chẽ với các nhóm đặc nhiệm, và các nhóm đặc nhiệm cũng liên lạc chặt chẽ với ba đơn vị tình báo khác nhau của Anh là GCHQ, MI5 và MI6. Nhưng tại Bỉ, hệ thống tình báo không hoạt động theo cách như vậy. Trong khi đó, các cơ quan tình báo Bỉ thường không chia sẻ thông tin với cảnh sát.
Tên Abdelhamid Abaaoud, chủ mưu các vụ khủng bố tại Paris hôm 13/11/2015, bị tiêu diệt 5 ngày sau đó trong một cuộc đột kích ở ngoại ô Paris. Các nhà hoạt động chống IS đã có được các hình ảnh và tin nhắn từ điện thoại của kẻ khủng bố sinh tại Bỉ sau khi tên này liên quan tới một vụ tấn công ở Bỉ trước đó.
Abdelhamid đã khoe khoang về chuyện trở về từ Syria vào năm 2014 và thiết lập một nơi ẩn náu an toàn ở Bỉ. Hắn cho biết, cảnh sát Bỉ đã đột kích căn hộ của y và phát hiện ra rằng tên này đã lên kế hoạch các vụ tấn công khủng bố.
“Tên và hình ảnh của tôi xuất hiện trên khắp trên các bản tin, nhưng tôi vẫn có thể sống an toàn ngay tại đất nước mình, lên kế hoạch các vụ tấn công chống lại họ và rời đi an toàn”, Abdelhamid khoe khoang.
Với sự thất bại gây sốc như vậy của lực lượng an ninh Bỉ, liệu có cần thắc mắc khi những đồng phạm của Abdelhamid có thể tấn công như hôm qua mà không bị trừng phạt?
An Bình