Các công nhân công ty Volga-Việt đang thu hoạch cà chua
Đó là Tổng công ty Volga-Việt do ông Dương Hải An (quê Nghệ An) làm lãnh đạo. Khi anh Trần Đức Thiết, phụ trách điều hành sản xuất, dùng xe ôtô riêng chở tôi đi thăm một vòng quanh khu vực sản xuất của toàn nông trại trên một diện tích rộng khoảng 200 ha thì tôi mới hiểu sự dám nghĩ dám làm, sự đầu tư chất xám, tiền của và bao công sức vào đây như thế nào. Thẳng thắn mà nói thì ở Liên Bang Nga hiện nay chưa người Việt nào vượt qua An về mặt sản xuất nông trại kiểu này.
Có một chi tiết thú vị, lúc vào khu vực chọn lựa cà chua để giao nộp gấp cho các siêu thị trong thành phố theo đơn đặt hàng, tôi thật bất ngờ khi nhận ra bà chủ Thu (vợ An) cũng ngồi trong nhóm anh em công nhân. Được biết, từ lúc sang Nga giúp chồng làm ăn, chị Thu không mấy khi chịu ngồi yên tại nhà, cũng không thích ra khu chợ bán buôn. Chị nói với chất giọng xứ Nghệ nằng nặng: “Tui chỉ thích ra ngoài đồng tham gia sản xuất thôi!” Có lẽ cái chất hay lam hay làm đã ăn sâu trong chị.
Tôi đã tận mắt chiêm ngưỡng màu vàng ươm ngút mắt của cánh đồng lúa mì; màu đỏ hồng của các loại cà chua; màu xanh um của dưa chuột dưới tán lá; những rặng ngô xanh mướt mắt; một rừng ngọn giáo xanh nhỏ bé vươn lên trời của hành lá. Chưa kể khu vực trồng ớt, cà rốt, bầu bí, bắp cải… khu nào ra khu đó. Nông trại có 8 khu được phủ bằng lớp ni lon trắng. Hệ thống tưới tiêu cho toàn cánh đồng rất khoa học. Anh Thiết nói trước đây phải sử dụng khoảng mười mấy người bơm nước từ sông Volga lên, nhưng nay thì chỉ cần có 2 người sử dụng máy bơm. Hóa ra, họ học theo cách của người Israel dùng nilon trải theo luống nên khi bơm nước lên, dòng nước cứ từ từ ngấm lên cây. Hầu như các phương tiện cơ giới đã thay cho sức người nên giảm thiểu tối đa nhân lực. Nếu trước đây nông trại của công ty Volga-Việt có cả trăm công nhân thì nay đã giảm bớt 1/2.
Các công nhân kiểm tra chất lượng cà chua trước khi nhập cho siêu thị
Ngoài nguồn rau quả chính nhập cho các siêu thị tại Volgagrad và nhập tận Mátxcơva, nông trại còn trồng các loại rau phục vụ cho bà con người Việt như: rau muống, rau cải, mồng tơi, cà pháo v.v… Về giá cả nhập vào cho siêu thị, anh Thiết cho hay dịp này rau hạ giá nên công ty phải chấp nhận sự thiệt thòi đáng kể, nhưng đành vậy. Có thể đơn cử, cà chua 35 đến 40 rúp/1kg; dưa chuột 25 đến 35 rúp/1kg; ngô 60 đến 75 rúp/1kg; hành 25 đến 35 rúp/1kg; bắp cải 15 đến 30 rúp/1kg; cà rốt 25 đến 45 rúp/1kg; lúa mì 12 đến 15 rúp/1kg… (1 rúp tương đương 385 VND). Sở dĩ các trung tâm siêu thị kể cả tại Mátxcơva ưa chuộng nhập hàng nông sản của nông trại Volga-Việt là vì nguồn rau sạch, sản xuất đúng quy trình an toàn.
Đang say sưa với không khí mát mẻ thoáng đãng của cánh đồng với màu xanh, vàng, đỏ ngút mắt, Trần Đức Thiết mời tôi sang thăm khu trại chăn nuôi. Tôi thực sự ấn tượng trước khu chuồng trại với mấy trăm con cừu và dê. Cạnh đó là khu vực chăn nuôi lợn, nguồn thức ăn cho chúng là cà chua, dưa chuột, bắp cải. Thiết cho tôi biết giá cung cấp thịt cừu là 250 đến 350 rúp/1kg; dê là 450 đến 500 rúp/1kg; lợn là 150 đến 200 rúp/1kg… Không chỉ vậy, trại còn nuôi cả bò, ngựa, gà, vịt, thỏ, trang trại cũng nuôi chó làm “lính canh” phòng ngừa kẻ xấu đột nhập vào ban đêm. Có thể nói, ông chủ Dương Hải An là một người biết nhìn xa trông rộng, giỏi tính toán làm ăn nơi xứ người, điều mà không phải ai cũng có thể làm được!
Công nhân chăm sóc hành lá tại ruộng
Anh Thiết cho biết: “Tổng công ty Volga-Việt ngoài kinh doanh thương mại dịch vụ thì nông nghiệp đang là một mảng lớn, mà nông nghiệp thì đang được chính quyền ủng hộ giúp đỡ, nên công ty đã đầu tư mua hẳn 200 ha đất trồng rau sạch để cung cấp cho các siêu thị ở Volgagrad cũng như toàn Liên bang Nga, nhất là trong thời kì phương Tây cấm vận thì công ty đã nhận được nhiều đơn đặt hàng. Về đời sống công nhân thì luôn được cải thiện”.
Ghé thăm nơi ăn chốn ở của tập thể công nhân Việt, Nga và Uzbekistan tại nông trại, tôi thấy mấy căn nhà 1 tầng được xây chắc chắn. Cũng có đủ phòng ngủ, sinh hoạt hội họp, làm việc, nhà ăn, nhà bếp, nhà tắm, vệ sinh, internet, truyền hình VTV4 cho công nhân theo dõi tin tức. Được biết, ngoài ăn ở do công ty Volga tài trợ, lương của mỗi công nhân từ 450-500 USD.
Đàn cừu và dê của nông trại
Còn anh Dương Hải An, một người dám nghĩ dám làm, chỉ nở nụ cười khiêm tốn với thành quả của mình. Anh còn dặn đi dặn lại tôi: “Anh xuống thăm bà con là quý lắm rồi, anh đừng viết gì nhé!”.
Trở về từ Volgagrad, trong tôi vẫn còn mãi dư âm của những phút giây lặng lẽ trang trọng khi viếng thăm Tượng đài Mamayev, về Ngọn lửa bất tử trên đồi Mamayev của hàng triệu người con xô viết anh hùng đã ngã xuống, căn nhà chi chít vết đạn sâu hoắm mà những chiến sĩ hồng quân quả cảm đã giành giật trong cuộc đọ sức với phát xít Đức, dòng sông Volga hùng vĩ...
Và còn mãi những ấn tượng sâu sắc về tình cảm, cuộc sống, làm ăn với bao trăn trở của bà con người Việt ở nơi đây. Họ vẫn còn vất vả lắm. Buôn bán bao giờ cũng đi đôi với lỗ lãi, may rủi nhất là khi chịu ảnh hưởng của thời tiết, nền kinh tế Nga khủng khoảng, của đồng USD lên xuống thất thường theo thị trường v.v… Nhưng tôi rất ấn tượng với sự táo bạo của Dương Hải An, ông chủ công ty Volga-Việt, một người con xứ Nghệ, nhất là ở thời điểm chính quyền Nga đang khuyến khích phát triển nông nghiệp do bị phương Tây cấm vận.
Võ Hoài Nam
Từ Mátxcơva