Khi chiến tuyến trong cuộc xung đột Ukraine-Nga mở rộng sang châu Phi
(Dân trí) - Lực lượng đặc nhiệm Ukraine được cho là đang sử dụng máy bay không người lái (UAV) và công nghệ nhìn đêm để chống lại quân nổi dậy ở Sudan được nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga hậu thuẫn.
Khi Trung tướng Abdel Fattah al-Burhan, nhà lãnh đạo quân sự của Sudan, nhận thấy mình bị bao vây bởi lực lượng nổi dậy ở thủ đô của đất nước vào mùa hè năm ngoái, ông đã kêu gọi sự trợ giúp của một đồng minh cũng đang ít nhiều gặp khó khăn: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Theo các quan chức quân sự Ukraine và Sudan, ông Zelensky có lý do để đáp ứng lời kêu gọi của tướng Al-Burhan. Vị tướng này được cho là đã âm thầm cung cấp vũ khí cho Kiev ngay sau khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine vào năm 2022. Ngoài ra, nhóm quân nổi dậy ở Sudan đang được tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga hỗ trợ.
Theo một số binh sĩ Ukraine tham gia chiến dịch, trong vòng vài tuần sau lời kêu gọi, lực lượng biệt kích Ukraine đã đổ bộ vào Sudan và bắt đầu chiến đấu để đẩy lực lượng nổi dậy ra khỏi thủ đô Khartoum.
Đối với Ukraine, việc gửi lực lượng tới châu Phi là một hành động mạo hiểm và rất táo bạo, một phần trong chiến lược nhằm ngăn chặn các hoạt động kinh tế và quân sự của Nga ở nước ngoài, khiến cuộc chiến trở nên tốn kém hơn.
Một sĩ quan Ukraine 40 tuổi, người mang biệt danh Prada và chỉ huy một trong các nhóm binh sĩ ở Ukraine ở Sudan, cho biết: "Không thể đánh bại Nga chỉ bằng cách chiến đấu trên một mảnh đất nhỏ, giống như tiền tuyến ở Ukraine. Nếu họ có mỏ vàng ở Sudan, chúng ta cần phải khiến cho họ không thể sinh lãi".
Tuy nhiên, hoạt động này đi kèm với rủi ro chính trị đáng kể vào thời điểm sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine đang dao động. Ở Sudan, Ukraine đang vướng vào một cuộc xung đột nội bộ ở nước ngoài, nơi hàng chục nghìn dân thường đã thiệt mạng và Mỹ cho rằng cả hai phe phái ở Sudan đều phạm tội ác chiến tranh.
Ngoại trưởng Antony Blinken đã cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào cung cấp hỗ trợ vật chất đều "phải chịu trách nhiệm thúc đẩy hành động bạo lực chống lại người dân Sudan".
Trong một cuộc phỏng vấn, Trung tướng Kyrylo Budanov - người đứng đầu cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine (HUR) - từ chối bình luận về việc liệu ông có triển khai binh sĩ tới Sudan hay không nhưng nêu ra lý do căn bản để điều lực lượng Ukraine ra nước ngoài.
"Chiến tranh là một công việc mạo hiểm. Chúng ta đang trong một cuộc chiến toàn diện với Nga… Họ có các đơn vị ở những nơi khác nhau trên thế giới và đôi khi chúng tôi cố gắng tấn công họ ở đó", vị tướng này nói. Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thống Zelensky đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Một sĩ quan HUR, 30 tuổi, được biết đến với biệt danh King, người dẫn đầu tốp lính Ukraine đầu tiên đến Sudan, cho biết nhóm của anh đã phát hiện kiểu xung đột rất khác so với loại xung đột ở Đông Âu.
Những người lính của cả hai bên hành quân chiến đấu bằng dép và đôi khi bắn cả băng đạn vào nhau. Phần lớn quân đội Sudan đã không được trả lương kể từ khi giao tranh bắt đầu nhiều tháng trước đó, làm mất đi động lực chiến đấu. Các binh sĩ không đeo phù hiệu để cho thấy họ thuộc phe nào và thường xuyên đối mặt với hỏa lực thiện chiến của đối phương.
Không bên nào tấn công vào ban đêm. Người Ukraine - được trang bị kính nhìn đêm và UAV - đã nhìn thấy điểm yếu đó. "Đó là lợi thế lớn của chúng tôi, chúng tôi biết cách vận hành vào ban đêm", King nói.
Họ sẽ rời căn cứ vào khoảng 8 giờ tối, tiến vào thành phố theo từng nhóm khoảng 6 người, di chuyển trên các xe tải bịt bùng. Trong một đoạn video, lính Ukraine đã bắn vào một tòa nhà chung cư mà King cho rằng là căn cứ của Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF). Khi lực lượng tiếp viện của RSF đến, lính Ukraine thả đạn từ máy bay không người lái xuống tiêu diệt.
Lúc đầu, các chiến binh RSF - vốn quen ngủ ngoài trời dọc tiền tuyến - đã mất cảnh giác trước các cuộc đột kích ban đêm. Sau đó, họ bắt đầu che giấu vị trí của mình. Các nhóm lính Ukraine luôn rút lui về căn cứ của mình vào buổi sáng, đề phòng thu hút sự chú ý. "Ngay cả khi chúng tôi muốn làm điều gì đó vào ban ngày, chúng tôi vẫn là một nhóm người da trắng. Mọi người sẽ nhận thấy chuyện gì đang xảy ra", King nói.
Vì sao Sudan trở thành chiến trường mới?
Sudan đã trở thành chiến trường trong cuộc chiến Nga - Ukraine vì nước này giàu hai nguồn tài nguyên là vũ khí và vàng.
Trong các cuộc xung đột thường xuyên ở nước này trong nhiều thập kỷ, vũ khí được đổ vào, trực tiếp và gián tiếp, từ Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nơi khác. Kết quả là Sudan có rất nhiều vũ khí dự phòng vào đầu năm 2022, khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và Kiev đang tìm kiếm tất cả số vũ khí mà nước này có thể tìm thấy.
"Có lúc chúng tôi đã mang rất nhiều vũ khí ra khỏi Sudan. Các quốc gia khác nhau đã trả tiền cho việc này", tướng Budanov cho biết. "Họ có nhiều loại vũ khí… Bạn có thể tìm thấy mọi thứ từ vũ khí của Trung Quốc đến vũ khí của Mỹ ở đó".
Trong khi đó, Nga từ lâu đã giúp Sudan kiếm thêm nguồn thu từ các mỏ vàng. Lãnh đạo Wagner hoạt động ở nước này, giống như ở một số quốc gia châu Phi khác. Họ huấn luyện lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự, vốn đang giao tranh với quân đội Sudan và đảm bảo an ninh cho các thực thể Nga tại các mỏ.
Sau cái chết của thủ lĩnh Wagner Yevgeny Prigozhin vào năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga nắm quyền kiểm soát các hoạt động ở châu Phi. Quân Wagner có xu hướng rút lui khỏi cuộc chiến ở Sudan.
Quân đội Ukraine cũng bắt đầu huấn luyện binh sĩ Sudan về một số chiến thuật tương tự vốn giúp họ cầm chân những lực lượng lớn mạnh như Nga, đặc biệt là việc sử dụng UAV.
Binh sĩ Ukraine cho biết, lực lượng Sudan đã đặt mua một số UAV. Nhưng Sudan vẫn thiếu những thiết bị cần thiết khác. Trong khi đó, các quan chức tình báo quốc phòng Ukraine từ chối bình luận về việc giúp Sudan mua UAV Bayraktar.
Kiev cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cắt nguồn cung cấp của RSF vào Khartoum và nhanh chóng tập trung vào việc tấn công các con đường vào thành phố.