1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khép lại phiên tòa xử Milosevic

Hôm qua, Đảng Xã hội Serbia cho biết đang chờ an táng ông Slobodan Milosevic tại một nghĩa trang ở Belgrade, trong khi gia đình ông vẫn chưa quyết định nơi chôn cất.

Vì lý do nhân đạo, Hà Lan đã cấp visa cho Marko Milosevic - con trai ông Milosevic - để đưa thi hài cha rời The Hague. (Năm 2003, Serbia đã ra trát quốc tế bắt Marko vì tội lạm quyền). Cùng ngày, tòa án Belgrade đã ra phán quyết tạm hoãn trát bắt bà Mira Markovic (ban hành năm 2003 vì tội làm trung gian bất hợp pháp trong việc phân chia những căn hộ nhà nước) để bà đưa thi hài chồng về chôn cất.

 

Trước đó, người con gái Maria muốn chôn cha ở Biela Rieka (Montenegro), nơi dòng họ Milosevic khởi nghiệp vào năm 1962, gần mộ phần của ông nội. Tuy nhiên, sau khi dân làng cho biết đường lên núi mùa này rất nhiều tuyết, bà Maria mới thuận theo đề nghị của mẹ và anh trai chôn cha ở Moscow, chờ ngày đưa thi hài ông trở lại Serbia. Ông Borislav Milosevic - anh trai Milosevic - khẳng định: "Sớm hay muộn gì tôi tin rằng Slobodan sẽ được đưa về quê hương. Slobodan phải được chôn tại Tổ quốc mình"...

 

Ngày 14/3, cánh cửa Serbia đã hé mở khi Thủ tướng Serbia Vojislav Kostunica tuyên bố ông Milosevic có thể được chôn cất tại Serbia. Tuy nhiên, Marko cho biết đang cân nhắc khả năng chôn cất cha mình tại Moscow. “Ông ấy cần được an táng tại thủ đô đất nước tôi. Tuy nhiên ưu tiên hàng đầu là sự an toàn của mẹ tôi”.

 

Có lẽ Marko muốn nhắc lại lần trả lời phỏng vấn của Tổng thống Serbia Boris Tadic cho BBC. Ông Tadic không loại trừ khả năng bà Mira có thể bị bắt khi trở lại Serbia và "vấn đề tùy thuộc hoàn toàn vào tòa án".

 

Theo Kommersant, Đảng Xã hội Serbia (mà ông Milosevic là chủ tịch danh dự) đã quyết định sẽ tẩy chay quốc hội nếu ông Milosevic không được an nghỉ tại Serbia. Điều đó có nghĩa chính quyền của Thủ tướng Kostunica sẽ sụp đổ vì sự tồn tại của ông dựa vào sự ủng hộ của đa số Đảng Xã hội. Nhưng nếu chôn cất ông Milosevic tại Serbia thì chính quyền Kostunica vấp phải sự chỉ trích của phe đối lập.   

 

Gay gắt nhất vẫn là Ngoại trưởng Serbia Vuk Dracovic, ông tuyên bố: “Sự trở về của một tên giết người Serbia như một anh hùng dân tộc là nỗi nhục cho Serbia”. Nếu tính tới việc đảng của ông Dracovic cũng là một thành viên trong chính phủ thì có thể thấy Thủ tướng Kostunica đang đứng trước một sự lựa chọn không dễ dàng gì: vấn đề chôn cất ông Milosevic có thể dẫn Serbia tới một cuộc khủng hoảng chính trị.

 

Trong khi đó, tại The Hague, phiên tòa cuối cùng của Tòa án hình sự quốc tế (ICTY) xét xử ông Milosevic đã nhóm họp hôm qua trong vỏn vẹn hai phút. Phiên tòa khép lại vụ xét xử ông Milosevic do lẽ không còn bị cáo.

 

Một số nhà quan sát cho rằng cái chết của ông Milosevic cũng là cái chết của ICTY bởi Milosevic là bị cáo chính của phiên tòa, và một bản án chung thân cho ông (do không còn án tử hình) sẽ là một lời bào chữa cho cuộc can thiệp của phương Tây, NATO vào Nam Tư cũ. Cái chết của ông Milosevic đã khép lại vĩnh viễn cơ hội biện hộ này.         

 

Theo Duy Văn

Tuổi trẻ

Dòng sự kiện: Milosevic