1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khẩu khí “dè dặt” gây thất vọng của Trung Quốc ở Đối thoại Shangri-La

Năm nay, đại diện của Bắc Kinh tại sự kiện thường niên này tỏ ra khá dè dặt. Tuy nhiên, sự “mềm mỏng” hơn này cũng vẫn gây thất vọng...

Nếu như năm ngoái, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa Vương Quán Trung - đại diện Trung Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La cực kỳ gây “ấn tượng” về sự hung hăng và “cãi cùn” khi đuối lý trong việc bảo vệ quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông, thì năm nay, đại diện của Bắc Kinh tại sự kiện thường niên này lại tỏ ra khá dè dặt. Tuy nhiên, sự “mềm mỏng” hơn này cũng vẫn gây thất vọng như thường.

Khẩu khí “dè dặt” gây thất vọng của Trung Quốc ở Đối thoại Shangri-La

Đô đốc Tôn Kiến Quốc - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa tại Đối thoại Shangri-La 2015

Trong khi các hoạt động cải tạo lấn biển, đảo hóa các bãi ngầm, rạn san hô của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa đang là một trong những đề tài “nóng” được nêu bật và bị một loạt quốc gia như Mỹ, Nhật Bản thẳng thừng chỉ trích ở Đối thoại Shangri-La thì trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự sự kiện thường niên này lại ra sức biện bạch cho hành vi phi pháp nói trên của nước mình.

Trong bài phát biểu của mình, Đô đốc Tôn Kiến Quốc - Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc bác bỏ việc Mỹ yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như quan ngại của Washington về nguy cơ “tính toán sai lầm” và “xung đột” trên vùng biển này.

Ông Tôn cho rằng các hoạt động của Trung Quốc là “hòa bình và hợp pháp”, thậm chí còn có lợi cho thế giới.

“Trung Quốc tiến hành hoạt động xây dựng trên một số đảo và bãi đá ngầm trên Biển Đông chủ yếu nhằm tăng cường chức năng của chúng và cải thiện điều kiện sống và làm việc của đội ngũ đồn trú tại đó”, ông Tôn biện bạch.

Ông ta còn nói thêm rằng ngoài việc đáp ứng những yêu cầu quốc phòng cần thiết, các đảo nhân tạo còn giúp Trung Quốc tăng cường thực hiện những trách nhiệm và cam kết quốc tế liên quan đến tìm kiếm cứu hộ trên biển, phòng chống thảm họa, nghiên cứu hàng hải, theo dõi khí tượng, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn tàu bè qua lại, hoạt động đánh bắt thủy sản.

Đô đốc Tôn Kiến Quốc kêu gọi các nước khác ngừng các hành động “gây mất đoàn kết” về vấn đề này.

“Không có lý do gì để mọi người khơi vấn đề này ở Biển Đông”, ông Tôn nói.

Việc Trung Quốc tăng cường hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp khiến các quốc gia láng giềng lo ngại Bắc Kinh sẽ đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, như những gì họ đã từng làm ở biển Hoa Đông hồi cuối năm 2014.

Về vấn đề này, ông Tôn cho hay Trung Quốc có quyết định thiết lập ADIZ trên Biển Đông hay không là tùy thuộc vào việc có mối đe dọa nào đối với an ninh hàng không và hàng hải của nước này trong khu vực hay không.

Trước khi đăng đàn phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, đoàn đại biểu quân sự và quốc phòng Trung Quốc đã tổ chức 13 cuộc họp song phương với các đoàn đại biểu của các nước khác bên lề sự kiện. Theo Reuters, trong các cuộc họp này, nhiều đối tác của Trung Quốc đã không ngần ngại bày tỏ quan ngại với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.

Giới quan sát nhận thấy, so với năm ngoái, đại diện của Trung Quốc năm nay không sa đà vào chỉ trích Mỹ hay khơi gợi quá khứ quân phiệt của Nhật, mà chủ yếu nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc về việc bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực, cũng như tuyên truyền về những mục đích “dân sự”, với lại “trách nhiệm quốc tế” của Bắc Kinh khi xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên, cũng như người đồng nhiệm Vương Quán Trung cách đây 1 năm, ông Tôn vấn né tránh rất nhiều câu hỏi từ giới học giả và chuyên gia tại Đối thoại Shangri-La và trả lời “cho gọi là có”.

 Có tới 13/15 câu hỏi được đặt ra được dành cho ông Tôn và câu chuyện Biển Đông, nhưng ông Tôn đều né hoặc trả lời chung chung.

Chẳng hạn như trước các câu hỏi liệu Trung Quốc có dừng việc xây đảo nhân tạo ngoài Trường Sa hay có áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hay không, đại diện Trung Quốc đã “né” theo kiểu “lảng”: “Tôi nghĩ là khu vực và trên thế giới này có những vấn đề nghiêm trọng hơn Biển Đông rất nhiều. Từ khi nào mà Biển Đông này trở thành tâm điểm của đối thoại này?”, đồng thời “tua” lại một số quan điểm quen thuộc như Trung Quốc có cái gọi là “chủ quyền không tranh cãi” ở Biển Đông hay, Trung Quốc sẽ không chịu áp lực từ bên ngoài.

Một chiêu “né” nữa của Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc là tuyên bố không trả lời các cáo buộc đối với các quan điểm có cơ sở pháp lý của Trung Quốc.

Theo Linh Phương
PetroTimes