Khẩu chiến giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol
(Dân trí) - Tổng thống Bush đã đặt cược thanh danh của ông vào kết cục của cuộc chiến tranh Iraq, trong khi những người Dân chủ hiểu rằng họ giành được quyền kiểm soát Quốc hội chủ yếu nhờ lá phiếu của những người bất bình với những tổn thất của Mỹ ở Iraq...
Trong những ngày qua, giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã bùng phát một cuộc khẩu chiến xung quanh các chủ trương chính sách đối với cuộc chiến đã kéo dài hơn 4 năm nay tại Iraq làm thiệt mạng hơn 3.200 lính Mỹ.
Cuộc khẩu chiến xảy ra sau khi các nhà lãnh đạo phe Dân chủ tại cả Hạ viện và Thượng viện đều đã thu được đủ số phiếu ủng hộ cần thiết cho việc ấn định thời gian cho việc rút quân Mỹ khỏi Iraq. Nhân tố cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm 2008 đã có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ các nghị sỹ phải cân nhắc lá phiếu của mình.
Khẩu chiến
Trong bài diễn văn đọc tại Hội nghị của các chủ trang trại toàn Mỹ, ông Bush cáo buộc các nghị sỹ Dân chủ, với việc áp đặt thời gian biểu cho việc rút quân, "đang can thiệp vào chính sách về cuộc chiến Iraq" và nói rằng việc ấn định thời gian rút quân sẽ chỉ mang lại những hậu quả thảm hại cho cả Mỹ lẫn Iraq. Ông Bush một lần nữa nhắc lại quan điểm sẽ dùng đặc quyền hành pháp mà ông rất ít sử dụng trong 6 năm qua để phủ quyết mọi dự luật của Quốc hội nếu dự luật đó có bất kỳ câu văn nào nói về việc ấn định thời gian rút quân.
Ông Bush nói: "Hậu quả của việc áp đặt thời gian biểu cụ thể để rút quân sẽ là một thảm họa. Kẻ thù của chúng ta ở Iraq sẽ đơn giản làm một việc là lập các thời gian biểu của riêng họ. Chúng sẽ bỏ ra hàng tháng để tính toán trước xem nên sử dụng thế nào vùng đất thánh an toàn mới một khi lính Mỹ rút. Sẽ không hề có ý nghĩa cho việc các nhà chính trị ở thủ đô Washington áp đặt thời gian biểu cho các chỉ huy quân sự của Mỹ ở một khu vực chiến tranh cách xa gần 1.000 km".
Ông Bush cảnh cáo các nhà lập pháp Dân chủ rằng nếu Quốc hội không thông qua ngân sách cho người lính ở chiến trường thì "dân Mỹ sẽ hiểu rõ ai là người phải chịu trách nhiệm" và "sẽ là thảm họa nếu chúng ta rút về nước vì những Bin Laden và những Zarqawi sẽ đi theo chúng ta".
Các nghị sỹ phe Dân chủ đã lập tức phản công. Thượng nghị sỹ Harry Reid, thủ lĩnh phe đa số Dân chủ tại Thượng viện đã đưa ra những lời nhận xét mỉa mai. Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, cũng nói: "Quốc hội sẽ bắt Tổng thống phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến. Chúng tôi sẽ thông qua dự luật cấp đủ từng USD mà Tổng thống yêu cầu cho quân đội, nhưng phải có một trách nhiệm". Ngoài ra, Thượng nghị sỹ Cộng hòa Chuck Hagel, người ủng hộ phe Dân chủ áp đặt thời hạn rút quân, cũng cho rằng cái giá nước Mỹ đang phải trả cho cuộc chiến Iraq là "quá cao".
Tiệc mừng 100 ngày lập pháp
Với 24 dự luật được thông qua và 189 cuộc bỏ phiếu, ngày 29/3, các nhà lãnh đạo phe Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã phấn khởi tuyên bố 100 ngày lập pháp đầu tiên của họ thành công hơn cả 100 ngày đầu tiên của Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát trong hai khóa quốc hội gần đây nhất.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Washington, Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi tuyên bố: "Chúng tôi tự hào với những kết quả đã đạt được. Chúng tôi tự hào báo cáo những thành tích này với người dân Mỹ".
Các nghị sỹ Dân chủ cho biết trong số những dự luật được thông qua có các dự luật được ưu tiên như dự luật giảm trợ cấp cho các công ty dầu khí lớn; tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu và phát triển năng lượng thay thế; dự luật củng cố an ninh quốc gia giám sát tất cả các hoạt động vận tải đường không và đường thủy; dự luật tăng cường chia sẻ thông tin tình báo quốc tế; dự luật tăng mức lương tối thiểu từ 5,15 USD lên 7,25 USD/giờ trong hai năm tới; dự luật ủng hộ việc mở rộng nghiên cứu tế bào gốc nhằm tìm ra liệu pháp chữa trị nhiều chứng bệnh nan y ở người, như ung thư và tiểu đường; dự luật yêu cầu chính phủ phải thương lượng trực tiếp với các hãng bào chế dược phẩm để thống nhất mức giá thấp cho người già và dự luật cắt giảm lãi suất tiền vay ngân hàng trên toàn liên bang cho sinh viên có thu nhập thấp.
Nhưng có thể nói thành công lớn nhất của phe Dân chủ là đến ngày 29/3 cả Hạ và Thượng viện Mỹ đều thông qua các dự luật ấn định thời gian biểu cho việc rút quân Mỹ ra khỏi Iraq, phù hợp với tâm trạng của cử tri và đã đẩy phe Cộng hòa và Nhà Trắng vào thế thụ động. Các nhà lập pháp của đảng Dân chủ cũng đã tuyên bố họ sẽ quyết không nhượng bộ và ông Bush sẽ bắt buộc phải chấp nhận một vài điểm để đổi lấy việc Quốc hội chuẩn chi hơn 100 tỷ USD cho cuộc chiến Iraq và Ápganixtan.
Thượng nghị sỹ Harry Reid, thủ lĩnh phe đa số Dân chủ, nói: "Chúng tôi hy vọng Tổng thống Bush hiểu là chúng tôi rất nghiêm túc. Thay vì hăm dọa, ông Bush nên cho biết những gì mà ông đề nghị để có thể làm hài lòng khối đa số ở cả Thượng lẫn Hạ Viện để chúng ta cùng nhau tiến bước".
Cãi nhau từ Xuân sang Thu
Với việc Thượng viện Mỹ ngày 29/3 thông qua nghị quyết hạn chế khả năng hành động của Tổng thống Bush trong cuộc chiến Iraq, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đang bước vào một cuộc đối đầu chính sách lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Lần "đụng độ" gần đây nhất giữa ngành hành pháp và lập pháp Mỹ là năm 1994, khi Quốc hội do đảng Cộng hòa vừa giành quyền kiểm soát đã chống lại tổng thống của đảng Dân chủ dẫn đến kết quả các cơ quan của chính phủ Mỹ phải tạm ngừng hoạt động.
Lần này, Quốc hội do đảng Dân chủ vừa giành quyền kiểm soát đã gây sức ép đòi tổng thống của đảng Cộng hòa rút khỏi cuộc chiến Iraq. Vào lúc này chưa bên nào có động cơ phải nhượng bộ. Tổng thống Bush đã đặt cược thanh danh của ông vào kết cục của cuộc chiến tranh Iraq, trong khi những người Dân chủ hiểu rằng họ giành được quyền kiểm soát Quốc hội chủ yếu nhờ lá phiếu của những người bất bình với những tổn thất của Mỹ ở Iraq.
Theo các nhà phân tích chính trị kỳ cựu, không bên nào có thể lùi bước vào lúc này dẫn tới kết cục không thể tránh khỏi là Tổng thống Bush sẽ phủ quyết dự luật được Quốc hội thông qua, theo đó đồng ý cấp tiền cho cuộc chiến, nhưng đặt ra thời gian biểu cho Nhà Trắng phải rút quân Mỹ về nước.
Hai bên sẽ đổ lỗi cho nhau. Tổng thống sẽ chỉ trích Quốc hội không cấp tiền cho quân Mỹ khi cuộc chiến đang diễn ra. Các nhà lãnh đạo Dân chủ lại chỉ trích Tổng thống "phớt lờ nguyện vọng của dân chúng Mỹ và đòi hỏi thiết thực của quân đội".
Cả hai bên đều chưa vội đạt được thỏa thuận. Mặc dù theo các quan chức Lầu Năm Góc, ngân sách chi cho quân Mỹ ở Iraq sẽ cạn vào giữa tháng 4 này, nhưng họ cũng thừa nhận rằng việc Quốc hội không cấp tiền sẽ chưa ảnh hưởng tới hoạt động của Mỹ trên chiến trường trong vài tháng tới. Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cho biết ngân sách bị cắt chủ yếu được dành cho việc thay thế các đơn vị chiến đấu, mà các đơn vị này sẽ chưa được triển khai trước mùa Thu tới. Như vậy cuộc đối đầu này có thể kéo dài tới tận tháng 8. Và có thể còn xa hơn nữa khi mà năm bầu cử 2008 đang đến gần và cả hai bên đều muốn hạ thấp uy tín của nhau.
Nguyễn Phúc (tổng hợp)