"Khát" con trai, bà bầu Trung Quốc tuồn máu sang Hong Kong xét nghiệm
(Dân trí) - Các quan chức hải quan Hong Kong đã chặn một người phụ nữ trung niên để kiểm tra vì dáng đi kỳ lạ của bà này. Họ khám xét và và phát hiện nhiều tuýp máu giấu trong áo ngực. Mỗi tuýp máu được ghi tên một phụ nữ mang thai từ Trung Quốc.
Người phụ nữ đã bị chặn khi qua khu vực kiểm tra tại cảng Phúc Điền thuộc thành phố Thâm Quyến, một chốt biên giới giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục, hồi tháng 7/2017.
Chỉ 4 ngày sau đó, họ lại phát hiện một phụ nữ khác mang một túi xách nặng khả nghi. Chiếc túi hóa ra chứa đầy các mẫu máu của các phụ nữ mang thai. Tổng cộng, có 203 mẫu máu được bọc trong các túi bóng nhựa. Vì thời tiết nóng nên các mẫu máu đã bắt đầu hư hỏng.
Giới chức Hong Kong cho biết các phụ nữ tham gia các đường dây là những người lỳ lợm, thú nhận được trả từ 14-42 USD để mang các mẫu máu qua biên giới.
Gần đây nhất, vào tháng 2/2019, một bé gái 12 tuổi đã bị chặn tại cảng Luohu, một chốt kiểm soát khác vào Hong Kong, với 142 mẫu máu giấu trong balô.
“Các sinh viên thường không mang gì ngoài sách vở, đồ dùng học tập và đồ ăn nhanh, vì vậy cặp của họ thường trông nhẹ nhàng. Nhưng chúng tôi nhìn thấy balo của cô ấy trong có vẻ đầy tới nỗi như muốn bung ra, vì thế chúng tôi đã kiểm tra nó”, hãng tin Nhân dân Nhật báo dẫn lời một nhân viên cảng tại Luoho.
Theo CNN, nạn tuồn máu vào Hong Kong từ Trung Quốc đại lục, nơi việc xét nghiệm giới tính bị cấm, đã tăng mạnh trong 3 năm qua. Các mẫu máu được gửi tới các phòng thí nghiệm ở Hong Kong để xét nghiệm ADN trước sinh, cho phép các ông bố bà mẹ tương lai biết được giới tính của thai nhi. Nhu cầu từ Trung Quốc rất cao. Bất chấp việc Trung Quốc đã dỡ bỏ một phần chính sách một con, nhiều cặp vợ chồng tại nước này vẫn lựa chọn chỉ sinh một con, và khi đó họ chỉ muốn có một con trai.
Nhan nhản các công ty xét nghiệm
Khát khao biết trước giới tính của thai nhi, các cặp vợ chồng Trung Quốc đã bắt tay với các nhân vật trung gian để đưa các mẫu máu qua biên giới tới Hong Kong để xét nghiệm. Hàng chục công ty chào mời dịch vụ kiểu này trên mạng xã hội Weibo.
Luật dân số và kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc đã cấm các hình thức xét nghiệm giới tính vào năm 2002 để ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tại đất nước 1,4 tỷ dân này, tính tới năm 2017, số nam giới cao hơn nữ giới là 32,7 triệu người, theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc.
Một đại diện của một công ty như vậy tiết lộ rằng các phụ nữ có thể bắt đầu xét nghiệm khi thai được 6-7 tuần tuổi. Công ty này chỉ yêu cầu cung cấp một giấy siêu âm chứng minh tuổi của thai nhi và một mẫu máu.
“Người mẹ có thể tới bệnh viện hoặc đề nghị một y tá để nhà riêng để lấy mẫu máu”, đại diện trên cho biết.
Người phụ nữ mang thai được khuyên nên giấu mẫu máu bên trong một con thú nhồi bông hoặc giữa các gói bim bim để tránh bị phát hiện và gửi thẳng nó tới Hong Kong bằng đường bưu điện. “Chúng tôi hiện không còn thuê người mang các mẫu máu trực tiếp. Việc đó quá rủi ro, vì chính quyền gần đây đã phát hiện ra các hoạt động của chúng tôi”, đại diện công ty trên cho biết.
Công ty trên thu 490 USD cho các dịch vụ xét nghiệm, với kết quả có trong khoảng 1 tuần. Một phòng thí nghiệm tại một khu vực ngoại ô ở Hong Kong thực hiện việc xét nghiệm các mẫu máu.
Do chính sách một con, việc nạo thai lựa chọn giới tính đã trở nên phổ biến với hi vọng đảm bảo có con trai. Theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 5 của các nhà nghiên cứu Đại học Quốc gia Singapore, từ năm 1970-2017, nạn nạo phá thai đã khiến 12 triệu bé gái đã bị cướp mất cơ hội chào đời.
Phần nổi của tảng băng chìm
Chính sách một con đã được dỡ bỏ một phần vào năm 2015, nhưng nhiều cha mẹ vẫn không muốn có hơn 1 con do gánh nặng nuôi dạy con cái.
Để tránh lệnh cấm về xét nghiệm giới tính, một số cặp vợ chồng đã gửi các mẫu máu tới Hong Kong. Việc này cũng là trái phép, khi Bộ y tế và kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc ra một thông báo vào năm 2017 cấm xuất khẩu máu tươi.
Tuy nhiên, Hong Kong vẫn cho phép nhập các mẫu máu miễn là chúng không bị nghi chứa các tác nhân lây nhiễm và miễn là có giấy phép hợp lệ. Kể từ năm 2015, Sở y tế Hong Kong đã đưa 3 vụ việc liên quan tới các phòng thí nghiệm xét nghiệm máu lên cơ quan điều tra, nhưng các vụ việc đều bị bãi bỏ do thiếu bằng chứng thuyết phục.
Các phòng thí nghiệm Hong Kong chỉ được phép tiến hành xét nghiệm nếu các mẫu máy được một nhân viên hành nghề y hợp pháp giới thiệu. Tuy nhiên, nhiều phòng thí nghiệm đã phớt lờ quy định này.
Hong Kong cũng là nơi phát minh ra phương pháp sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT). Trước đây, các phụ nữ mang thai chỉ biết được giới tính thai nhi ở tháng thứ 4 hoặc 5, nhưng giờ đây với phương pháp NIPT, họ có thể biết ở tuần thứ 10, tới tỷ lệ chính xác là 99%.
Tính tới tháng 9/2019, Sở y tế Hong Kong đã điều tra tổng cộng 53 trường hợp liên quan tới việc nhập khẩu các mẫu máu từ Trung Quốc mà không được phép, trong đó năm 2015 có 1 trường hợp, 2017 có 17 và 2018 có 18 trường hợp. Trong 9 tháng đầu năm nay có 12 trường hợp vận chuyển máu lâu bị phát hiện.
Giới chuyên gia cho rằng đó nhiều khả năng chỉ là phần nổi của tảng băng. Nếu nhìn vào số lượng lớn các phòng thí nghiệm chào mời dịch vụ xét nghiệm giới tính tại Hong Kong thì phải có hàng chục trường hợp vận chuyển lậu các mẫu máu được thực hiện mỗi ngày.
An Bình
Tổng hợp