1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những hệ lụy buồn từ chính sách một con của Trung Quốc

(Dân trí) - Chính sách 1 còn nhằm kiểm soát tỷ lệ sinh tại Trung Quốc được cho là dẫn đến nhiều bi kịch trong xã hội, trong đó có trường hợp của những cặp cha mẹ “người đầu bạc tiễn người đầu xanh”, chịu cảnh sống cô đơn trong những tháng năm cuối đời.


Tranh tuyên truyền cho chính sách 1 con ở Trung Quốc năm 1992 (Ảnh: AFP)

Tranh tuyên truyền cho chính sách 1 con ở Trung Quốc năm 1992 (Ảnh: AFP)

"Cả hai vợ chồng tôi đều sinh ra dưới thời ông Mao Trạch Đông. Chúng tôi đã tuân thủ lời kêu gọi của chính phủ", bà Wang Aiying, 63 tuổi, một phụ nữ đang trải qua hệ lụy từ chính sách 1 con của chính phủ Trung Quốc, chia sẻ.

Vợ chồng bà đã chỉ sinh 1 đứa con theo chính sách trên. Điều đáng buồn là sau khi người con qua đời, bà đã trở thành một trong những người được gọi với cái tên “fumu shidu”, ám chỉ những người cha mẹ không còn con cái. Ngày càng nhiều những người như bà Wang xuất hiện trong xã hội Trung Quốc, những người mà trong những năm tháng cuối đời không nhận được sự hỗ trợ về tài chính và tinh thần từ thế hệ sau.

Bà Wang, 26 tuổi vào thời điểm đó đã sinh đứa con đầu lòng. Nhưng sau đó, cơ quan bà làm việc đã yêu cầu bà không sinh con thứ 2. Bà đồng ý và nhận được giấy chứng nhận chỉ sinh 1 con. “Tôi đã rất vinh dự vì tôi đã lắng nghe đường lối của đảng”, bà Wang nhớ lại.

Bi kịch xảy đến vào năm 2012, người con Chang Jia bị chẩn đoán ung thư và hoàn toàn không phản ứng với các lộ trình điều trị. Hai năm sau, Chang qua đời, bỏ lại bà Wang cùng chồng trở thành những người cha mẹ không con cái. Họ đang phải đối diện với tuổi già trước mặt với tương lai cô đơn.

Những trải nghiệm cay đắng

Một thời gian ngắn sau khi con trai qua đời, bà Wang nộp đơn xin khoản trợ cấp hưu trí 450 USD hàng tháng dành cho những cặp cha mẹ chỉ có 1 con, một chương trình do chính phủ Trung Quốc ban hành. Tuy nhiên, do cả 2 ông bà đều về hưu sớm từ năm 2003, cơ quan chức năng nói rằng bà không đủ tiêu chuẩn để nhận khoản trợ cấp hưu trí.

Đó mới chỉ là trải nghiệm đầu tiên mà bà Wang gặp phải khi trở thành cặp cha mẹ “Shidu”. Từ “Shidu” bắt đầu được sử dụng rộng rãi trên truyền thông Trung Quốc vào năm 2010, ám chỉ những cặp vợ chồng đã mất đi đứa con duy nhất và không có khả năng sinh đứa con khác. Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Trung Quốc, có ít nhất 1 triệu cặp cha mẹ ở trong hoàn cảnh như vợ chồng bà Wang ở Trung Quốc, và con số này tăng 76.000 cặp mỗi năm.

“Thỉnh thoảng người ta lại xúc phạm tôi vì con tôi đã qua đời”, bà Wang nói. Hồi tháng 4, khi bà mất xe đạp điện tại bãi để xe nơi bà sống, bà đã yêu cầu bảo vệ khu vực nhận trách nhiệm. Sau đó, người ta đã nguyền rủa bà là “chết mà không có hậu”.


(Ảnh minh họa: Bloomberg)

(Ảnh minh họa: Bloomberg)

Chồng bà Wang, ông Chang Shunde, 67 tuổi, đang hồi phục sau cơn tai biến mạch máu não từ năm 2012. Ông gần như đi không vững, không thể nói và nghe rõ ràng. Khi nghe vợ mình kể chuyện, ông chỉ khóc và cố gắng để nói một điều gì đó. Bà Wang chia sẻ: “Tôi thường cảm thấy rất buồn khi tôi cần sự trợ giúp trong cuộc sống thường ngày”.

Chính sách 1 con bắt đầu có hiệu lực vào năm 1980. Chính sách quy định các cặp vợ chồng chỉ có 1 con để khi kết thúc thế kỷ 20, dân số Trung Quốc dưới mức dưới 1,2 tỷ. Chính sách đã được bãi bỏ vào năm 2015.

“Vợ tôi đã bị ép phá thai khi bà ấy có bầu 4 tháng”, ông Zhao Bingyi, 66 tuổi ở Hàm Đan hồi tưởng lại. Ông Zhao là công nhân trong xưởng đúc kim loại vào thời gian đó, và ông không được phép có đứa con thứ 2. Ông cho biết: “Các nhân viên trong nhà máy đến nhà tôi chúng tôi mỗi ngày, và họ không dừng gây áp lực đến khi chúng tôi đồng ý phá thai”.

Đứa con duy nhất họ có, Zhao Jingxuan, không may mắn đã chết trong một tai nạn ở tuổi 27 vào năm 2005. Kể về bi kịch của cuộc đời mình, ông Zhao cố tỏ ra kiềm chế, nhưng vẫn tháo kính xuống, lau nước mắt đang chảy ra. Vơ ông, Li Shuju đã khóc cạn nước mắt vì khổ đau.

Với khoản trợ cấp 375 USD hưu trí và 51 USD tiền trợ cấp con 1, ông Zhao dồn hết niềm hy vọng duy nhất vào đứa cháu gái 14 tuổi. Hàng ngày, ông vẫn sống với nỗi lo sợ nơm nớp rằng nếu mình chết đi, ai sẽ chăm sóc cháu mình.

Hy vọng nào cho tương lai

Những cặp cha mẹ đơn độc tham gia trị liệu tâm lý. (Ảnh: SCMP)
Những cặp cha mẹ đơn độc tham gia trị liệu tâm lý. (Ảnh: SCMP)

Vào ngày 18/4/2016, ông Zhao cùng 20 người có cùng chí hướng ở Hàm Đan cùng với hàng trăm cặp cha mẹ “đơn độc” khác đã biểu tình trước Ủy ban Quốc gia về Y tế và Kế hoạch Gia đình, ở Bắc Kinh. Nhưng không có một ai tiếp đón họ, họ chỉ bảo những ông bà cụ hãy quay về, họ sẽ chi trả tiền đi lại.

Chính phủ Trung Quốc đã sớm nhận thấy hệ lụy của vấn đề này từ năm 2001 và bắt đầu trợ cấp cho những cặp cha mẹ “đơn độc” theo luật Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình. Đến năm 2007, họ đã tăng khoản trợ cấp từ 15 USD lên 51 USD mỗi tháng.

Cũng theo luật dân số, nhiều cơ quan chức năng địa phương đã tiến hành hỗ trợ các cặp cha mẹ “đơn độc” dịch vụ chăm sóc y tế và hỗ trợ hàng ngày. Đơn cử như ở tỉnh Hà Bắc, từ năm 2015 luôn có những hoạt động thăm nuôi các cặp cha mẹ đơn độc vào ngày lễ.

Giáo sư Qiao Xiaochun, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Dân số Đại học Bắc Kinh nhận định tuy chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều điều luật nhưng việc thực hiện còn chưa thật sự hiệu quả. Ông cũng đánh giá vấn đề của các cặp cha mẹ “đơn độc” đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và ông cho rằng những khoản trợ cấp không hẳn là giải pháp.

Ông cho rằng những chấn thương về tâm lý và vấn đề tuổi tác đã khiến những cặp cha mẹ “đơn độc” suy sụp còn hơn là cái nghèo. “Ở xã hội Trung Quốc, 2 người phụ nữ gặp nhau sẽ kể về con cái. Với những người mẹ “đơn độc” đó là một cuộc trò chuyện đầy cay đắng”, ông Qiao nhận định.

Liu Fengqin, nhà trị liệu tại Trung tâm Tư vấn Tâm lý Phụ nữ Maple ở Bắc Kinh, cho biết những cặp cha mẹ “đơn độc” thường lựa chọn cuộc sống ẩn dật và không muốn giao tiếp. Có rất nhiều nỗ lực để tiếp cận họ từ điện thoại đến các tình nguyện viên nhưng họ đều chối từ. Thậm chí trong quá trình tiếp xúc với những cặp cha mẹ này, bà Liu nhận thấy họ vẫn dường như quá khổ đau để chấp nhận sự thật là con họ đã mất đi.

Và cuối cùng, điều họ quan tâm nhất không phải là tiền, họ chỉ muốn lời nói của họ, nỗi đau của họ được lắng nghe, được cảm thông và chia sẻ.

Đức Hoàng

Theo SCMP