Kẻ thù nằm trong lòng nước Pháp?
Là một trong những nước có cộng đồng người theo đạo Hồi sinh sống đông nhất tại châu Âu, nhưng Pháp lại là một trong những quốc gia tích cực và có vai trò lớn trong chiến dịch chống các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Tính tới nay, hơn 10.000 lính Pháp được điều ra nước ngoài, tham gia chiến dịch chống khủng bố, trong đó có hơn 3.000 người tham chiến tại Tây Phi, 2.000 người ở Trung Đông và 3.200 người ở Iraq. Các chiến đấu cơ của Không quân Pháp cũng đang liên tục không kích các mục tiêu khủng bố tại Syria và Iraq, như là một phần trong chiến dịch chống IS do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, chiến dịch chống khủng bố mà Pháp tham gia ở bên ngoài lãnh thổ đã không mang lại an toàn cho được nước này, thay vào đó lại biến xứ sở “Gà Trống Gaulois” thành mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu.
Cảnh sát Pháp tăng cường tuần tra sau các vụ tấn công khủng bố.
Trong vụ tấn công khủng bố hồi tháng Giêng năm nay vào Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo và vào một siêu thị của người Do Thái, khiến 17 người thiệt mạng, Amedy Coulibaly, kẻ giết chết 4 người trong siêu thị trên trước khi bị cảnh sát tiêu diệt, đã tuyên bố đang chiến đấu trong hàng ngũ IS. Trong khi đó, một trong những kẻ tấn công vào nhà hát Bataclan tại Paris tối 13/11 đã hét lên: “Điều này dành cho Syria”. Nhưng ai cũng đều biết rằng hắn ta có thể trả thù không chỉ cho Syria, mà còn cho lực lượng “thánh chiến” tại Mali, Libya hay Iraq. Trước đó hai tuần, một thủ lĩnh của lực lượng khủng bố “Al Qaeda trong khu vực Maghreb Hồi giáo” tại Mali đã kêu gọi những kẻ ủng hộ hãy đứng lên tấn công nước Pháp nhằm trả thù “cho sự hiện diện quân đội của nước này trong khu vực chúng kiểm soát”.
Bên cạnh sự tích cực của Pháp trong chiến dịch tiêu diệt chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở nước ngoài, một trong những nguyên do quan trọng khác khiến Pháp luôn là mục tiêu tấn công là vì cộng đồng Hồi giáo tại nước này bị cô lập, bài xích và phân biệt đối xử tàn tệ. Mohamed Merah – kẻ xả súng máu lạnh giết chết 7 người ở Toulouse 2012 - lớn lên vùng ngoại ô nghèo khó nước Pháp, hắn phạm tội từ thời niên thiếu và bị bắt vào tù. Sau khi được thả, năm tháng trong tù đã biến hắn chính thức thành một chiến binh thánh chiến. Mehdi Nemouche – hung thủ vụ thảm sát 4 người tại Brussels vào tháng 5/2014 cũng là một đối tượng nguy hiểm được nuôi dưỡng với ý nghĩ gia nhập tổ chức khủng bố sau thanh chắn trại giam.
Theo giới chuyên gia, có thể dễ dàng thấy rằng, các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Pháp chủ yếu là do các lực lượng, cá nhân ở trên lãnh thổ Pháp với các phương tiện có thể có được tại chỗ. Trải dài trong nhiều năm qua, những khu dân cư nghèo ở ngoại ô Paris và một số thành phố khác của Pháp đã trở thành mảnh đất màu mỡ của những phần tử Hồi giáo cực đoan. Những kẻ này tới, lôi kéo và truyền bá tư tưởng cực đoan cho những thanh niên Hồi giáo trẻ tuổi trong những khu vực trên. Đây là minh chứng cho thấy, kẻ thù đến từ bên trong nước Pháp. Nói cách khác, các tác giả khủng bố sinh ra là người Pháp và được hưởng nền giáo dục Pháp trước khi bị cực đoan hóa. Điều này khá tương đồng với các vụ khủng bố ở London, Madrid các năm trước đây.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới hơn 500 người Hồi giáo Pháp đang chiến đấu trong hàng ngũ các chiến binh thánh chiến ở Syria và Iraq. Giải thiết một số trong “đội quân” đã trở về quê hương cùng tư tưởng cực đoan mới và gây ra các vụ tấn công khủng bố không phải là không thể xảy ra.
Những địa điểm bị tấn công khủng bố đêm 13/11 cũng phần nào cho thấy kẻ thù “nằm trong lòng nước Pháp” và hiểu rất rõ Paris. Đó là những nơi tập trung đông người, như sân vận động, nhà hát… Điều này cũng bộc lộ rõ ý định của những kẻ chủ mưu: Giết được càng nhiều người càng tốt. Chuyên gia Shashank Joshi - nhà nghiên cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh – chỉ ra rằng: “Đó là một sự lựa chọn có chủ ý, nhằm vào các địa điểm giải trí, nơi mọi người tới để thư giãn”. Chuyên gia Joshi nhấn mạnh, đây là hành động vô đạo đức khi tấn công vào những nơi đông người.
Theo Khổng Hà
Công an nhân dân