1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Italy có thể rút khỏi sáng kiến Vành đai, con đường của Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chức Italy phát đi tín hiệu cho thấy nước này có ý định rút khỏi sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc.

Italy có thể rút khỏi sáng kiến Vành đai, con đường của Trung Quốc - 1

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni (Ảnh: Reuters).

Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay, trong cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ở Rome tuần trước, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni dường như nói rằng chính phủ của bà đang nghiêng về ủng hộ việc rút khỏi sáng kiến cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.

Theo giới quan sát, đây được xem là tín hiệu cho thấy Italy có thể ngừng tham gia sáng kiến do Trung Quốc dẫn đầu. Italy tham gia sáng kiến này vào năm 2019 khi ông Giuseppe Conte làm thủ tướng, trở thành quốc gia G7 duy nhất gia nhập đại dự án của Bắc Kinh bất chấp cảnh báo từ đồng minh. Việc tham gia sẽ tự động gia hạn vào năm 2024 trừ khi Rome chủ động rút khỏi thỏa thuận.

Italy, giống như phần lớn châu Âu, đang tìm cách cân bằng giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung Quốc không ngừng nóng lên thời gian qua.

Theo các nguồn tin, các cố vấn ngoại giao của bà Meloni dường như vẫn đang thảo luận chi tiết về việc này, đồng thời lo ngại rằng Trung Quốc có thể trả đũa về kinh tế.

"Một vành đai, một con đường" là sáng kiến cơ sở hạ tầng hàng tỷ USD do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013 nhằm phát triển, xây dựng hệ thống công trình kết nối từ Đông Á tới châu Âu.

Sáng kiến được dự đoán sẽ giúp Trung Quốc mở rộng nhanh chóng tầm ảnh hưởng về chính trị và kinh tế trên thế giới. Tháng 8 năm ngoái, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, chính phủ nước này đã ký thỏa thuận hợp tác Sáng kiến "Một vành đai, Con đường" (BRI) với 149 quốc gia, 32 tổ chức quốc tế với tổng cộng 3.000 dự án, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, "Một vành đai, một con đường" cũng từng nhiều lần thành tâm điểm gây tranh cãi khi bị cáo buộc là công cụ Trung Quốc dùng để triển khai "bẫy nợ" với các đối tác của họ. Một số dự án được Bắc Kinh bỏ vốn được xem là tốn kém, không cần thiết và thiếu hiệu quả cũng như khả năng sinh lời thấp. Tuy nhiên, Trung Quốc nhiều lần bác bỏ những cáo buộc này.

Theo Bloomberg