1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Israel xen vào giữa đồng minh Nga-Iran tại Syria

Giới chuyên gia cho rằng, diễn biến xung đột mới Israel-Iran đang là phép thử cho mối quan hệ đồng minh Moscow-Tehran.

Đồng minh Nga-Iran tại chiến trường Syria đã xuất hiện những vết rạn nứt? Đây là câu hỏi mới được đặt ra sau những diễn biến xung đột leo thang giữa Israel và Iran.


Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Israel cùng theo dõi lễ diễu binh mừng Ngày chiến thắng tại Moscow. Ảnh: Điện Kremlin

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Israel cùng theo dõi lễ diễu binh mừng Ngày chiến thắng tại Moscow. Ảnh: Điện Kremlin

Israel tuần trước đã thực hiện vụ tấn công lớn nhất trên lãnh thổ Syria với mục tiêu là các cơ sở hạ tầng quân sự của Iran. Được biết là một đồng minh của Iran, Nga đến nay vẫn im lặng trước diễn biến xung đột mới này.

Giới chuyên gia cho rằng, quan hệ đồng minh Moscow-Tehran đang được thử thách.

Liên minh quân sự Nga-Iran rạn nứt?

Nga và Iran cùng triển khai lực lượng tại Syria để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 8 tại quốc gia Trung Đông này.

Mỗi nước đều theo đuổi mục đích của mình khi can thiệp cuộc nội chiến Syria. Với Nga là việc một lần nữa trở lại vị thế cường quốc toàn cầu, trong khi, Iran muốn gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông.

Đến nay, chính quyền al-Assad đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước, nhưng theo đó, Nga và Iran cũng dần bộc lộ sự chia tách lợi ích tại Syria. Đặc biệt, các nhà phân tích Nga cho rằng, Moscow đang ngày càng lo ngại việc Iran cố gắng biến Syria thành một phòng tuyến phòng vệ chống lại Israel, cũng như việc Iran gia tăng sức mạnh quân sự của mình tại Lebanon, Jordan và các phần lãnh thổ Palestine.

“Nga muốn Iran giảm ảnh hưởng tại Syria, đặc biệt khi quan điểm và mục tiêu cơ bản của hai bên tại Syria là quá khác biệt”, nhà cựu ngoại giao Nga tại Iran đồng thời là Giáo sư tại trường Đại học châu Âu (European University) ở St. Petersburg, ông Nikolay Kozhanov nhận định.

Tuy nhiên, căng thẳng mới sẽ không gây “nguy hiểm” tới sự phát triển quan hệ Nga-Iran tại các khu vực khác như Afghanistan, Trung Á và vùng Caspian, mà cả 2 cùng đang có ảnh hưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Nga muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Iran trong lĩnh vực dầu mỏ và thông qua ảnh hưởng của Iran tại Iraq để tăng cường hiện diện của Nga tại quốc gia này.

Theo Điện Kremlin, quan hệ Nga-Iran không thể đong đo thông qua diễn biến tấn công mới của Israel nhằm vào các mục tiêu hạ tầng quân sự của Iran tại Syria.

Theo giới chuyên gia, Nga sẽ tiếp tục hợp tác thương mại với Iran sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và áp đặt trở lại những trừng phạt kinh tế mạnh mẽ với nước Cộng hòa Hồi giáo. Song cũng có những ý kiến cho rằng, Moscow vẫn sẽ là đồng minh của Tehran trên giấy tờ.

Israel xen vào giữa đồng minh Nga-Iran

Vụ không kích của Israel tiến hành đêm 9/5 là hành động quân sự mạnh mẽ nhất của Không quân Israel tại Syria kể từ năm 1973, tuy nhiên, các mục tiêu bị tấn công lại là cơ sở hạ tầng quân sự của Iran.

Cuộc tấn công diễn ra vài giờ sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngồi cạnh Tổng thống Nga Putin để theo dõi cuộc diễu binh hàng năm mừng Ngày Chiến thắng tại Moscow.

Nhiều ý kiến quan sát cho rằng Tổng thống Putin đã để Israel “rảnh tay xử lý” Iran tại Syria. Hệ thống phòng không Nga vận hành tại Syria, trong đó, có S-300 đã không có bất cứ động thái nào để ngăn chặn cuộc tấn công này. Moscow dường như hài lòng khi duy trì được cân bằng trong mối liên hệ với Iran và Israel. Theo đó, Nga để Iran duy trì lực lượng tại Syria, nhưng đồng thời cho phép Israel tấn công các mục tiêu Iran, miễn là xung đột này không đe dọa tới chế độ của Tổng thống Syria al-Assad.

Vài ngày sau vụ không kích của Israel, Nga ngày 11/5 đã từ chối cung cấp S-300 cho Syria. Trợ lý Tổng thống Nga ông Vladimir Kozhin cho biết, Nga không có kế hoạch cung cấp các hệ thống S-300 cho Syria. Dù trước đó Moscow nói sẽ cân nhắc tái đàm phán việc cung cấp S-300 cho Syria sau vụ tấn công của Mỹ, Anh, Pháp hồi tháng 4.

Dưới con mắt của giới quan sát, Nga từ chối cung cấp S-300 cho Syria trong khi các hệ thống phòng không cũ tại quốc gia Trung Đông này không còn đủ hiệu quả, đồng nghĩa với việc lực lượng và các cơ sở hạ tầng quân sự Iran tại Syria sẽ bị “phơi bày” trước sức mạnh của không quân Israel. Hay nói một cách khác, từ chối cung cấp S-300 cho Syria, Nga dường như đã quay lưng lại với đồng minh Iran.

Tuy nhiên, Điện Kremlin khẳng định vấn đề S-300 không liên quan đến chuyến thăm của Thủ tướng Israel Netanyahu. Trong cuộc hội đàm ngày 9/5, Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Nga Putin tập trung vào tình hình Syria, trong đó có những cuộc không kích của Israel vào nước Cộng hòa Arab này cũng như đà gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Tel Aviv và Tehran.

Thực tế, Nga đã cảnh báo sớm với Iran về cuộc tấn công của Israel. Theo báo Asharq al-Awswat, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã tới Tehran vài giờ trước cuộc không kích của Israel và có cuộc gặp với người đồng cấp Iran Abbas Araghchi để thông tin về chuyến thăm của Thủ tướng Israel tới Moscow.

Người đứng đầu bộ phận cố vấn của Điện Kremlin Fyodor Lukyanov cho biết, không như lo ngại của Tổng Putin, Israel và Iran có thể sẽ tiếp tục xung đột trong những giới hạn cụ thể.

Thực tế, Israel từ năm 2012 đã tiến hành hơn 100 cuộc không kích tại Syria, với phần lớn mục tiêu là các lực lượng có liên quan tới Iran. Chiến lược của Israel gần như không gây ảnh hưởng tới tình hình nội chiến Syria và luôn cố tránh gây ra một cuộc chiến lớn hơn.

Theo Hoàng Lê

VOV