Lý do Nga “ngó lơ” đồng minh Iran trước cuộc tấn công của Israel tại Syria
(Dân trí) - Nga dường như không có bất kỳ động thái nào để bảo vệ Iran trước cuộc tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu của Tehran tại Syria dù hai nước được xem là đồng minh trong khu vực.
Khoảng 23 giờ đêm ngày 9/5, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã quay trở về Israel sau chuyến đi tới Moscow và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo đã có các cuộc trao đổi và cùng nhau dự lễ duyệt binh hoành tráng kỷ niệm 73 năm Ngày Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ.
4 giờ trước đó, trong cuộc trò chuyện với các phóng viên Israel qua điện thoại, Thủ tướng Netanyahu khẳng định “không có cơ sở” khi cho rằng người Nga sẽ hạn chế các hoạt động quân sự của Israel hay gây tổn hại cho lợi ích của Israel tại Syria. Theo Jerusalem Post, nhà lãnh đạo Israel rõ ràng đã biết điều gì đó khi đưa ra tuyên bố này.
75 phút sau khi Thủ tướng Netanyahu trở về Israel, Iran đã phóng 20 tên lửa vào các vị trí của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tại cao nguyên Golan. Israel dường như đã đoán trước được cuộc tấn công này, cho rằng đây là đòn trả đũa của Iran sau các vụ tấn công của Israel nhằm vào các cứ điểm của Iran tại Syria. Cuộc tấn công của Iran đã bị đáp trả bằng cuộc không kích của Israel khiến nhiều hạ tầng quân sự của Iran tại Syria bị phá hủy. IDF cho biết hơn 50 mục tiêu đã bị tấn công và đây là cuộc tấn công lớn nhất do Israel tiến hành tại Syria kể từ khi hai nước ký thỏa thuận sau chiến tranh Ả rập - Israel năm 1973.
Đây không phải cuộc tấn công đầu tiên của quân đội Israel nhằm vào các mục tiêu của Iran tại Syria. Israel cho biết nước này đã tấn công các mục tiêu tại Syria hơn 100 lần kể từ năm 2012 và cảnh báo sẽ vẫn tiếp tục các cuộc tấn công này bất kể khi nào Israel phát hiện các lực lượng binh sĩ hoặc vũ khí Iran đe dọa tới an ninh của Israel.
Người phát ngôn IDF Jonathan Cornicus cho biết Israel đã thông báo cho Nga trước khi tiến hành không kích vào các mục tiêu của Iran tại Syria đêm 9/5 thông qua một cơ chế phòng ngừa xung đột mà hai nước thiết lập từ năm 2015. Tuy vậy, Nga không hề có bất kỳ động thái nào trước việc Israel tấn công các cứ điểm của Iran - một đồng minh của Moscow tại Syria và cũng không triển khai hành động để bảo vệ Iran. Đặc phái viên của Nga tại Trung Đông Mikhail Bogdanov cũng chỉ đưa ra một thông báo trung lập, nói rằng các diễn biến của vụ việc là “đáng báo động” và không nằm trong mục tiêu chống khủng bố tại Syria, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm thiểu căng thẳng giữa các bên.
Tránh can thiệp lẫn nhau
Theo Reuters, kể từ khi tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại Syria theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad từ tháng 9/2015, Nga dường như “phớt lờ” trước các cuộc không kích của Israel nhằm vào các đoàn xe nghi chở vũ khí và các hoạt động triển khai quân của phong trào Hezbollah (Lebanon) và Iran - đồng minh của chính quyền Syria. Thủ tướng Netanyahu tới Nga chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và sau khi Syria cáo buộc Israel tiến hành một cuộc tấn công tên lửa mới nhắm vào một căn cứ quân sự gần thủ đô Damascus của Syria.
“Xét đến tình hình hiện tại ở Syria, điều cần thiết là phải bảo đảm việc duy trì hợp tác quân sự giữa quân đội Nga và Lực lượng phòng vệ Israel”, ông Netanyahu phát biểu trước khi về nước, đề cập tới đường dây nóng do hai nước thiết lập để ngăn chặn xảy ra xung đột quân sự bất ngờ tại Syria.
Theo giới phân tích, Israel và Nga vẫn luôn tránh can thiệp vào hoạt động của nhau tại Syria và đã thống nhất các nguyên tắc chung để không làm tổn hại các lợi ích của nhau, bao gồm cả việc Israel sẽ thông báo trước cho Nga về các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu tại Syria. Nga hiện vẫn duy trì các máy bay chiến đấu tối tân cũng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-400 hiện đại tại Syria. Hệ thống này đủ khả năng đánh chặn bất kỳ cuộc không kích nào của Israel tại Syria, song Nga không có ý định can thiệp trực tiếp vào vấn đề này.
“Cách tiếp cận của Nga trong cuộc đối đầu giữa Israel và Iran tại Syria dựa trên lập trường rằng, cuộc đối đầu giữa hai nước này hoàn toàn có thể “phớt lờ” được trừ khi chúng đe dọa trực tiếp tới chính quyền Syria. Nga không muốn và cũng không chủ động dàn xếp mối quan hệ giữa Iran và Israel vì đây là nỗ lực rất khó khăn và mạo hiểm”, Timur Akhemetov, nhà nghiên cứu về Trung Đông tại Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, nhận định.
Theo Haaretz, các quan chức Nga và các nguồn tin thân cận với Tổng thống Vladimir Putin khẳng định kể từ khi Nga triển khai lực lượng quân sự tới Syria gần 3 năm trước, đối đầu với Israel là điều cuối cùng mà ông Putin muốn thấy tại Syria. Một nhà ngoại giao nghỉ hưu của Nga nhận định “ông Putin hiểu rằng, nhân tố duy nhất trong khu vực có thể làm tổn hại nghiêm trọng tới thành tựu của Nga trong việc bảo vệ chính quyền Assad là Israel”. Trong các thông điệp cả công khai lẫn riêng tư, chính quyền Netanyahu đều thể hiện rõ với Nga rằng, Israel không có ý định gây nguy hiểm cho chính quyền Assad miễn là ưu tiên chiến lược của Israel trong việc ngăn chặn sự hiện diện quân sự lâu dài của Iran tại Syria được ủng hộ.
Bài toán cân bằng
Nga ngày 11/5 thông báo không cung cấp và cũng chưa đàm phán cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Syria vì cho rằng điều này là không cần thiết, mặc dù trước đó Moscow từng để ngỏ khả năng cung cấp cho Syria hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại sau khi liên quân Mỹ-Anh-Pháp nã hơn 100 tên lửa vào Syria. Thông báo được đưa ra sau chuyến đi của Thủ tướng Netanyahu tới Moscow khiến nhiều người hoài nghi rằng có thể nhà lãnh đạo Israel đã thuyết phục Nga không cung cấp S-300 cho Syria. Từ lâu, Israel đã ra sức vận động Nga không bán S-300 cho Syria vì lo ngại hệ thống này sẽ cản trở các cuộc không kích của Israel tại Syria.
Đối với Israel, lực lượng Iran tại Syria như “cái gai trong mắt” và là mối đe dọa hiện hữu đối với tương lai của Israel, trong khi đó Nga rất cần Iran vì Moscow xem Tehran như một đối tác để hỗ trợ chính quyền Assad trong cuộc xung đột tại Syria. Nga cần sự hỗ trợ của lực lượng bộ binh Iran để phối hợp với lực lượng không quân Nga trong các cuộc không kích chống phiến quân tại Syria. Nga và Iran từng khẳng định mối quan hệ đối tác tin cậy, thậm chí còn được coi là đồng minh trong khu vực.
Do vậy, để giữ “hòa khí” với cả Israel và Iran, Nga sẽ chọn phương án cân bằng và không hoàn toàn nghiêng về bên nào. Điều này có thể giải thích cho sự “im hơi lặng tiếng” của Nga trong cuộc đối đầu căng thẳng giữa Israel và Iran ở Syria vừa qua. Hơn nữa, Nga cũng không muốn chứng kiến sự can thiệp sâu hơn của Mỹ vào tình hình khu vực trong trường hợp Israel, một đồng minh của Washington, và Iran đối đầu căng thẳng tại Syria.
Thành Đạt
Tổng hợp