Iran tấn công Israel: Ai thực sự chiến thắng trong màn đọ sức đỉnh cao?
(Dân trí) - Phòng không Israel tuyên bố hạ gục các mục tiêu của Iran với "tỷ lệ đánh chặn thành công đạt tới 99%". Tuy nhiên, đằng sau con số này có nhiều điều phải suy ngẫm.
Mục đích cuộc tấn công của Iran vào Israel
Sau hơn 10 ngày điều quân và đưa ra các quyết định chiến lược, cuối cùng Iran đã tiến hành cuộc tấn công chung bằng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) quy mô lớn vào Israel từ đêm 13/4 đến rạng sáng 14/4.
Tổng tham mưu trưởng Iran, tướng Bagheri, ngày 15/4 cho biết, quân đội nước này đã tấn công một trung tâm tình báo lớn của Israel ở khu vực biên giới Syria-Israel và căn cứ không quân Nevatim. Cả hai mục tiêu bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông khác của Iran cho rằng, khoảng 50% số tên lửa của họ đã bắn trúng mục tiêu.
Theo Mỹ và Israel, Iran đã phóng 185 UAV, 36 tên lửa hành trình và 110 tên lửa đạn đạo. 99% trong số đó đã bị đánh chặn. Chỉ một số ít tên lửa có thể tấn công các căn cứ quân sự của Israel, nhưng thiệt hại không đáng kể.
Rõ ràng, hai bên có quan điểm khác nhau về số lượng vũ khí được sử dụng cũng như hiệu quả của các cuộc tấn công.
Do các thông tin của hai bên quá khác biệt, vì vậy có thể dựa trên thông tin của bên tấn công là Iran để so sánh và phân tích một cách khách quan.
Trước hết, hành động của Iran tấn công Israel vừa qua, nhằm phục vụ mục đích chính trị chứ không phải các cuộc tấn công quân sự thuần túy. Bởi lẽ nếu cuộc tấn công thuần túy vì mục đích quân sự, thì yếu tố tiên quyết là tính bí mật, bất ngờ của cuộc tấn công để gây hiệu quả sát thương tối đa với mục tiêu.
Tuy nhiên, 3 ngày trước cuộc tấn công chính thức, Tehran đã thông báo cho các nước láng giềng của cả Iran lẫn Israel. Rõ ràng, việc thông báo trước cho các nước láng giềng, cũng tương đương với việc đánh tiếng tới Mỹ và Israel. Hành động này của Tehran chẳng khác gì "lạy ông tôi ở bụi này".
Sau khi Mỹ và Israel triển khai lực lượng đánh chặn, họ tiết lộ rằng, thông tin tình báo cho thấy đối phương có thể tấn công Israel. Như vậy, nguồn tin tình báo về việc Iran tiến hành cuộc tấn công Israel trong vòng 24 đến 48 giờ, hóa ra là "thông báo chính thức" từ Tehran.
Sau khi cuộc tấn công bắt đầu vào đêm 13/4, vũ khí đầu tiên được sử dụng là UAV tự sát. Do tốc độ của UAV rất chậm, nên phải mất vài giờ bay mới có thể tới Israel, điều này cũng đưa ra cảnh báo sớm cho Israel và Mỹ.
Mặc dù UAV tự sát cất cánh trước và tên lửa được phóng sau, nhưng Tehran có thể có những phương án tấn công hiệu quả hơn, nếu xét thuần túy hiệu ứng xâm nhập quân sự.
Ví dụ UAV có thể được phóng từ các nước láng giềng của Israel như Li Băng và Syria thông qua những lực lượng ủy nhiệm, đồng thời tên lửa đạn đạo được phóng đi tại Iran. Chỉ bằng cách này họ mới đạt được hiệu quả tiến công tốt nhất.
Đánh giá hoạt động thực tế của Iran, đây gần như một "cuộc thử nghiệm mở" đối với Israel. Đối thủ biết thời gian và hướng tấn công của Iran, có đủ thời gian để tiến hành sơ tán phòng không và đánh trả.
Rõ ràng đây là một đòn trả đũa nhưng tại sao Tehran phải làm điều này? Bởi vì sự "báo thù" còn liên quan đến chính trị và chiến lược đấu tranh của Iran, cũng như vị thế của nước này trong khu vực.
Israel quyết tâm kéo Mỹ vào cuộc chiến với Iran?
Theo các nhà phân tích, mặc dù Iran là nước đi đầu trong "Vòng cung kháng chiến" chống Mỹ và Israel tại Trung Đông, nhưng nước này không muốn đích thân đối đầu với Israel, mà thay vào đó họ hoạt động thông qua mô hình chiến tranh ủy nhiệm.
Vì vậy, bất chấp việc Israel liên tục không kích vào các mục tiêu của IRGC ở Syria, Iran đã chọn cách "ngậm bồ hòn làm ngọt". Đây không phải biểu hiện của sự hèn kém, mà là một phương thức đấu tranh chiến lược.
Mô hình chiến tranh ủy nhiệm đòi hỏi đầu tư ở mức tối thiểu, nhưng phải đạt lợi ích tối đa, nên có thiệt hại đôi chút cũng không sao và bên thiệt hại nhiều nhất, chắc chắn gồm Syria hay Li Băng.
Tuy nhiên, Israel đã liên tiếp phải chịu những tổn thất lớn và giờ đây họ đã đạt đến ngưỡng "không thể xử lý" được Hamas, Hezbollah và Houthi nên rất dễ hiểu sự tức giận của họ đối với Iran, kẻ thao túng đằng sau hậu trường.
Ngoài ra, Israel giờ đây hiểu rằng, họ không thể và thực sự bất lực trong việc tự mình đảo ngược tình thế hiện tại. Nếu muốn lật ngược hoàn toàn và vực dậy danh tiếng ở Trung Đông, họ phải hoàn toàn lôi kéo Mỹ vào cuộc.
Để kéo Washington vào cuộc, cần phải chọc giận Tehran hoàn toàn và buộc Mỹ phải phản ứng bằng cách "quyết định số phận" của Iran.
Vì vậy, vào ngày 1/4, Israel đã phá vỡ luật bất thành văn và chọn kế hoạch cực đoan, tấn công trực tiếp vào Đại sứ quán Iran tại Syria và khiến hai tướng của IRGC - đang "có chuyến công tác" tại Syria - thiệt mạng.
Điều này thực ra không chỉ đặt Tehran vào thế khó xử, mà còn khiến Washington khá bất bình vì Mỹ cũng giống như Iran, xét cho cùng, họ không muốn trở thành trung tâm của cuộc đấu tranh hiện nay.
Mỹ cũng đang vướng vào nhiều vũng lầy, từ châu Á - Thái Bình Dương, Đông Âu và cả khu vực Mỹ Latinh. Việc mở ra một "chiến trường mới" ở Trung Đông sẽ là công thức dẫn đến cái chết.
Trung Đông là khu vực địa chính trị tối quan trọng của Mỹ, nếu Mỹ "dung túng" Israel, sẽ khiến các nước Ả rập và cả cộng đồng quốc tế mất lòng, đồng thời đẩy sự thù hận của các nước này nhằm vào Mỹ.
Vì vậy, cuộc không kích của Israel vào Đại sứ quán Iran tại Damascus thực sự đã khiến Iran và Mỹ cùng lúc bùng cháy.
Nếu không đáp trả, quân đội và dân thường trong nước, đặc biệt là Lực lượng Vệ binh Cách mạng sẽ "khó ăn khó nói". Về lâu dài, Iran sẽ khó lãnh đạo "Vòng cung kháng chiến".
Tuy nhiên, nếu Iran phản ứng thái quá, điều họ lo ngại không phải làn sóng phản đòn từ Israel, mà là tình hình sau đó có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Vì vậy, các biện pháp đối phó của Iran phải hợp lý, có chừng mực.
Vì sao Iran thông báo sớm cho "phía bên kia"?
Tehran không chỉ phải thể hiện uy tín của mình với tư cách là "anh cả" của khu vực, mà còn phải thể hiện sức mạnh của họ. Đồng thời kiểm soát tình hình leo thang có thể đạt được ba mục tiêu, thì có thể được coi là "chiến thắng cho Iran".
Xét về ba mục tiêu này, chỉ cần Iran chọn cách tấn công thẳng vào lãnh thổ Israel, thì hành động này cũng đủ coi là "tư cách anh cả".
Về mặt thể hiện sức mạnh và kiểm soát tình hình leo thang, Iran cần có khả năng tấn công các mục tiêu quân sự của Israel mà không gây tổn thất quá nặng, đặc biệt là thương vong dân sự, thì mới đạt được kết thúc hoàn hảo.
Vì vậy, dễ hiểu là Iran đã gián tiếp thông báo trước cho bên kia về thời gian tấn công, đồng thời trực tiếp cho bên kia thời gian cảnh báo sớm, khi lựa chọn phương án tấn công.
Xét về thành phần vũ khí tấn công, hàng trăm chiếc UAV tự sát được sử dụng, thực sự chỉ có tác dụng tiêu hao vũ khí phòng không của đối phương.
Những chiếc UAV này, có thể có giá chỉ dưới 20.000 USD, chi phí cho việc phóng là rất rẻ nhưng nó có thể tiêu hao nhiều đạn tên lửa phòng không của đối phương.
Về loại tên lửa mà Iran sử dụng trong đợt tấn công vừa qua, nhiều tên lửa thực chất là mẫu cũ, mục đích của họ là kiểm tra và tiêu hao đạn phòng không có giá trị cao của bên kia.
Nhưng thứ họ thực sự muốn thực sự kiểm tra, đó là một số tên lửa hiệu suất cao, trong đó có một số tên lửa là loại siêu vượt âm, do Iran mới phát triển.
Trong quá trình đánh chặn thực tế, do Iran cách Israel hơn 1.000 km nên các máy bay chiến đấu của Mỹ, Anh, Pháp và các nước khác cũng như quân đội Jordan bắt đầu tổ chức đánh chặn UAV ngay trong hành trình.
Hơn nữa, máy bay chiến đấu của Không quân Israel cũng được điều động để đánh chặn và những chiếc UAV hay tên lửa hành trình của Iran, thực sự sẽ bị bắn hạ với số lượng lớn trong giai đoạn này.
Xét cho cùng, với việc chuẩn bị tốt như vậy, nên việc đánh chặn hiệu quả cũng là điều dễ hiểu.
Những vũ khí chính tấn công thực sự của Iran là tên lửa đạn đạo nhưng Israel rất coi trọng xây dựng hệ thống phòng không đa tầng và chống tên lửa. Hiện Quân đội Israel được trang bị tên lửa đánh chặn David's Sling, Patriot, Arrow-2/Arrow-3 và các hệ thống phòng không và chống tên lửa khác.
Các hệ thống này đã đánh chặn thành công một số lượng lớn tên lửa đang bay tới của Iran. Nhiều quầng sáng nổi bật mà chúng ta thấy trong video đêm đó, thực chất là mảnh vỡ của những tên lửa bị đánh chặn.
Tuy nhiên, cũng có những video cho thấy rằng một số tên lửa thực sự đã xuyên thủng thành công hệ thống phòng thủ của Israel, có lẽ chúng là loại tên lửa hiệu suất cao được phóng trong đợt sau.
Vì vậy, khách quan đánh giá, việc Mỹ và Israel đánh chặn hầu hết các mục tiêu không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, việc liệu tỷ lệ đánh chặn có thể đạt tới 99% hay không, vẫn còn là một dấu hỏi?
Rốt cuộc, các quan chức Mỹ hiện thừa nhận rằng ít nhất 9 tên lửa đã bắn trúng hai căn cứ của Israel. Như vậy có phải tên lửa Iran không thực sự có hiệu quả?