1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Iran chuẩn bị ra đòn chặn trừng phạt Mỹ

Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến đường xuất khẩu dầu mỏ từ Vịnh Ba Tư sang các nước, bao gồm Mỹ.

Tờ Bloomberg thông tin, Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến đường vận chuyển dầu từ Vịnh Ba Tư ra thế giới nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt cho nước này sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015.


Iran đặt kế hoạch đóng eo biển Hormuz để né trừng phạt của Iran.

Iran đặt kế hoạch đóng eo biển Hormuz để né trừng phạt của Iran.

"Nếu họ muốn ngừng xuất khẩu dầu của Iran, chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ lô hàng dầu nào đi qua eo biển Hormuz" - Tướng Ismail Kowsari, phó tư lệnh Vệ binh Cách mạng Sarollah, một nhánh của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) nhận định.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran với mục tiêu bóp nghẹt kinh tế Iran bằng cách dập tắt xuất khẩu dầu sang thị trường toàn cầu.

Trước đó, đại diện của Tehran tại OPEC Hussein Kazempur Ardebili cũng cảnh báo rằng nỗ lực của Washington trong việc ngăn chặn xuất khẩu dầu của Iran sẽ phản tác dụng, buộc công dân Mỹ phải trả giá cho chính sách của Tổng thống Trump.

Vào ngày 2/7, Brian Hook, Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ đã tái khẳng định mục tiêu của chính quyền Trump về việc giảm xuất khẩu dầu của Iran xuống bằng 0 vào tháng 11.

Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, và Đức, cùng với đó khôi phục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.

Washington cũng thông báo rằng, các công ty nước ngoài có hoạt động kinh doanh với Iran nên dập tắt bất kỳ thỏa thuận nào, nếu không họ cũng sẽ bị trả đũa: không thể thanh toán dựa trên đồng USD và các giao dịch kinh doanh quốc tế sẽ gặp trở ngại.

Để bảo vệ các doanh nghiệp của mình, Liên minh châu Âu đã hứa sẽ chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ hoặc xin loại trừ khỏi danh sách các biện pháp trừng phạt do Mỹ tiến hành.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 5/7 tuyên bố trong cuộc họp với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz rằng, Iran sẽ ở trong thỏa thuận hạt nhân một khi Liên minh châu Âu duy trì các cam kết của họ.

Tổng thống Iran cũng nhấn mạnh rằng các bên ký kết còn lại của JCPOA đã chứng minh ý chí chính trị vững chắc về vấn đề này, lưu ý rằng việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này là gây thiệt hại cho tất cả các nước liên quan và động thái của Mỹ chắc chắn sẽ khiến Washington tự thiệt hại.

Tổng thống Rouhani hôm thứ tư cũng cảnh báo Mỹ rằng, Washington đã không nghĩ về hậu quả của việc tấn công ngành xuất khẩu dầu mỏ của Iran và quốc gia này sẽ "cưỡng lại" bất kỳ mối đe dọa nào đối với lợi ích quốc gia của họ.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran cũng tuyên bố rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018 sẽ không ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu của nước này.

Iran cũng đang xem xét kết hoạch chỉ mua hàng hóa của các nước mua dầu từ Tehran.


 Tổng thống Iran Hassan Rouhani

Tổng thống Iran Hassan Rouhani

Nghị sĩ Quốc hội Qarehkhani được truyền thông trong nước dẫn lời cho biết một ủy ban đặc biệt thuộc Quốc hội Iran đã được thành lập để giải quyết vấn đề hàng đổi dầu của nước này. Theo nghị sĩ Qarehkhani, kế hoạch này được xúc tiến nhằm giúp Tehran khắc phục những tác động tiêu cực của những lệnh trừng phạt từ Washington.

Ông Qarehkhani, đồng thời là người phát ngôn của Ủy ban Năng lượng của Quốc hội Iran, nêu rõ: “Việc thành lập ủy ban này có nghĩa rằng chúng tôi sẽ mua các hàng hóa với điều kiện phải mua dầu thô của Iran và điều này sẽ hạn chế những tác động từ việc giảm xuất khẩu dầu của Iran”.

Theo nghị sĩ Qarehkhani, Iran không thể chuyển ngoại tệ (USD hay euro) từ việc bán dầu về nước này do những vấn đề liên quan tới ngân hàng. Do đó, Iran sẽ nhập khẩu hàng hóa từ đối tác mua dầu của mình như Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc, biện pháp đã từng áp dụng trong những lần bị trừng phạt trước đó.

Theo Sơn Dương

Báo Đất Việt