1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Indonesia quyết ngăn "trộm" trên Biển Đông: Trung Quốc đừng làm liều

(Dân trí) - Bộ quốc phòng Indonesia giữa tuần qua đã tuyên bố điều động 5 chiến đấu cơ F-16 tới đảo Natuna án ngữ cửa Biển Đông để ngăn “trộm”, sau khi nước này phản đối mạnh mẽ việc tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải.

Tuyên bố sẽ điều động 5 chiến đấu cơ F-16 được Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đưa ra hôm 31/3, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg. Quyết định được Jakarta hé lộ chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi các tàu tuần tra bờ biển Trung Quốc cản trở một tàu kiểm ngư Indonesia bắt giữ tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép gần đảo Natuna.

Tăng cường lực lượng

Kế hoạch điều động chiến đấu cơ là một phần trong kế hoạch tăng cường lực lượng quân sự trên hòn đảo án ngữ cửa Biển Đông, bao gồm việc cải tạo đường băng và xây dựng một cảng mới. Lực lượng lính thủy đánh bộ, đặc nhiệm không quân và một tiểu đoàn bộ binh cũng sẽ đồn trú tại Natuna, cùng 3 tàu hộ vệ, một hệ thống radar mới và các máy bay không người lái, Bộ trưởng Ryamizard Ryacudu xác nhận.

Indonesia sẽ điều 5 chiếc F-16 tới đảo Natuna. (Ảnh: Antara News)
Indonesia sẽ điều 5 chiếc F-16 tới đảo Natuna. (Ảnh: Antara News)

“Natuna là một cánh cửa. Nếu cánh cửa không được canh giữ những tên trộm sẽ lẻn vào. Những chuyện này vẫn thường xảy ra bởi cánh cửa đó không được canh phòng. Đây là vấn đề mang tính thể diện quốc gia”, ông Ryacudu nhấn mạnh.

Vị bộ trưởng còn hé lộ hy vọng của Indonesia trong việc mua từ 8-10 chiến đấu cơ Su-35 của Nga trong chuyến công du sắp tới.

Ngoài các chiến đấu cơ và chiến hạm, Hải quân Indonesia còn đang triển khai kế hoạch xây dựng một căn cứ tàu ngầm tại Natuna. Theo trang tin quân sự Janes, biên bản một cuộc họp giữa tư lệnh Các lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia, tướng Gatot Nurmantyo, với Ủy ban quốc phòng, tình báo và đối ngoại Hạ viện Indonesia hồi tháng 2 đã khẳng định kế hoạch này.

Theo đó, đảo Natuna đã được chọn để xây căn cứ tàu ngầm, do vị trí rất gần Biển Đông, nơi căng thẳng đang ngày một gia tăng sau các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc. Indonesia sẽ chi khoảng 533 nghìn tỷ rupiah (40 triệu USD) để xây dựng căn cứ này.

Thông điệp từ Jakarta

Việc Indonesia, quốc gia lâu nay vẫn giữ lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông, và thường hạ thấp mức độ nghiêm trọng các vụ đụng độ với tàu Trung Quốc quanh đảo Natuna, bất ngờ có phản ứng mạnh mẽ đang thu hút sự quan tâm của giới quan sát, với nhiều góc nhìn khác nhau.

Xuồng hải quân Indonesia (trái) xua tàu tuần tra bờ biển Trung Quốc xâm phạm lãnh hải. (Ảnh: Diplomat)
Xuồng hải quân Indonesia (trái) xua tàu tuần tra bờ biển Trung Quốc xâm phạm lãnh hải. (Ảnh: Diplomat)

Theo Bloomberg, kế hoạch điều động 5 chiến đấu cơ F-16 cho thấy mức độ quan ngại mới của Indonesia về những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, với một bên là Bắc Kinh và bên kia là nhiều láng giềng Đông Nam Á. Indonesia không phải một bên có tuyên bố chủ quyền, nhưng vụ chạm trán với lực lượng tuần tra bờ biển Trung Quốc hồi tháng trước cho thấy nguy cơ Jakarta bị cuốn vào những tranh chấp.

Ngoài ra, tuyên bố “đường 9 đoạn” mù mờ và phi lý mà Bắc Kinh dùng để khẳng định chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông, cũng chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia quanh đảo Natuna. Năm 2010, khi nhận thấy sự chồng lấn, Jakarta từng tìm giải pháp ngoại giao bằng cách yêu cầu Bắc Kinh làm rõ bản chất bên trong đường 9 đoạn, nhưng đến nay câu hỏi vẫn bị phớt lờ.

Trong khi các quan chức ngoại giao đề nghị kiên nhẫn chờ câu trả lời của Trung Quốc, những đồng nghiệp khác của họ lại không muốn vậy, ông Aaron L. Connelly, học giả Chương trình Đông Á, tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy, cho biết.

Một những người như vậy là nữ Bộ trưởng ngư nghiệp và hải sự Susi Pudjiastuti, người nổi tiếng với quan điểm cứng rắn trong vấn đề chống tàu nước ngoài xâm nhập đánh bắt trái phép, sau các vụ đánh đắm tàu cá nước ngoài, trong đó có cả tàu Trung Quốc. Cũng chính bà Susi là người tố Trung Quốc “ngạo mạn”, không tôn trọng chủ quyền Indonesia và “phá hoại” các nỗ lực của Jakarta để gìn giữ hòa bình trên Biển Đông.

Lựa chọn khó khăn

Theo trang National Interest, chính quyền Tổng thống Widodo lâu nay vẫn rất thận trọng trong ứng phó với Trung Quốc, với mong muốn duy trì mối quan hệ kinh tế và an ninh, được người tiền nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono xác lập. Năm 2013, Indonesia và Trung Quốc đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện, với trọng tâm là đầu tư kinh tế. Ngoài ra, hai nước cũng xúc tiến một số hợp tác về an ninh, bao gồm huấn luyện chống khủng bố chung và cùng phát triển tên lửa chống hạm.

Tuy nhiên, Indonesia giờ không thể tiếp tục xem nhẹ các vụ xâm nhập của Trung Quốc vào vùng biển chủ quyền của mình, và hy vọng tần suất các vụ việc sẽ giảm dần. Hơn thế nữa, tham vọng chính trị của ông Jokowi trong việc tạo dựng một “quốc gia mạnh mẽ”, cùng những chương trình nghị sự mang màu sắc dân túy, dân tộc chủ nghĩa khiến ông không thể ngó lơ các vụ “kẻ trộm” xâm phạm chủ quyền, nếu không muốn bị công chúng Indonesia xem là yếu đuối.

Nhà lãnh đạo này hiện không có nhiều lựa chọn để ứng phó các vụ xâm nhập của Trung Quốc. Một là, bày tỏ một cách có tính toán và rõ ràng sự không hài lòng của Jakarta với Bắc Kinh, như triệu hồi đại sứ hoặc trì hoãn các sáng kiến song phương. Lựa chọn này có thể chứng tỏ cho dư luận cả trong nước và quốc tế quyết tâm của Indonesia, nhưng có thể dẫn tới thiệt hại lớn về kinh tế khi nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc giảm sút.

Cách thứ hai ông Jokowi có thể chọn đó là thúc đẩy hình thành một liên minh mạnh mẽ hơn ở trong nước, và cả khu vực để kiềm chế các vụ gây hấn của Trung Quốc. Chính sách này đòi hỏi phải thu hẹp khác biệt giữa các lực lượng vũ trang Indonesia và Bộ ngoại giao, để hình thành một chính sách đối ngoại nhất quán, thúc đẩy sự tự tin và năng lực của Jakarta, cũng như truyền tải ý định của họ tới các quốc gia láng giềng.

Một chính sách như vậy sẽ giúp Indonesia đồng thời hiện thực hóa mong muốn được xem như một quốc gia có vị thế lãnh đạo trong khu vực, và có thể kiểm soát căng thẳng.

Lựa chọn thứ ba đó là ông Jokowi có thể cho thấy sự quan tâm lớn hơn tới việc cân bằng các mối quan hệ, ví dụ như khuyến khích mua tàu tuần tra bờ biển từ Nhật, hay mở cửa lớn hơn cá cảng biển cho Hải quân Mỹ. Tuy vậy khả năng này khó xảy ra bởi Indonesia lâu nay có truyền thống “không liên kết”.

Cho dù lựa chọn giải pháp nào, theo National Interest, đây đều là điều ông Jokowi không muốn, và có thể tác động tới kinh tế Indonesia. Chỉ có điều vị tổng thống không còn cách nào khác.

Thanh Tùng

Theo Bloomberg, NI, Diplomat

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm