1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Indonesia sẽ triển khai F-16 để bảo vệ lãnh thổ ở Biển Đông

(Dân trí) - Indonesia sẽ triển khai các máy bay chiến đấu F-16 tới quần đảo Natuna ở Biển Đông để đề phòng “kẻ trộm”, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia tuyên bố, chưa đầy 2 tuần sau khi Jakarta “tố” tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản các lực lượng Indonesia bắt giữ một tàu cá đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này.


Các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ (Ảnh minh họa: Atimes)

Các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ (Ảnh minh họa: Atimes)

Kế hoạch đồn trú 5 máy bay chiến đấu F-16 tại quần đảo Natuna phản ánh mức độ lo ngại mới của Indonesia đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông liên quan tới Trung Quốc và vài quốc gia láng giềng Đông Nam Á.

“Natuna là một cánh cửa, nếu cửa không được bảo vệ thì kẻ trộm có thể đột nhập vào bên trong”, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg News ngày 31/3.

“Đã xảy ra các vụ om xòm vì cho tới nay Natuna chưa được canh gác cẩn thận. Đây là về vấn đề sự tôn trọng quốc gia”, ông Ryacudu nói.

Bộ trưởng Indonesia cũng cho hay ông đang cân nhắc việc triển khai quân đội tại Natuna và các khu vực hẻo lánh khác của đảo quốc gồm 17.000 hòn đảo, “để nếu có việc gì xảy ra, mọi người sẽ không phải sợ và biết phải làm gì”.

Động thái trên nằm trong khuôn khổ một kế hoạch tăng cường quân sự trên quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông, vốn cũng bao gồm việc nâng cấp đường băng và xây dựng một cảng mới. Quân đội Indonesia đã và sẽ đồn trú các lính thủy đánh bộ, các đơn vị đặc nhiệm không quân, một tiểu đoàn quân đội, 3 tàu khu trục, một hệ thống radar mới và các máy bay do thám trên quần đảo.

Indonesia không phải là bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng vụ va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc hồi tháng trước liên quan tới vụ bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép gần quần đảo Natuna đã cho thấy nguy cơ Jakarta bị kéo vào cuộc.


Quần đảo Natuna của Indonesia ở phía nam Biển Đông (Ảnh: developmentadvisor)

Quần đảo Natuna của Indonesia ở phía nam Biển Đông (Ảnh: developmentadvisor)

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông, chồng lấn lên các vùng biển của Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” phi pháp, mà Bắc Kinh không đưa ra tọa độ chính xác. Jakarta rất bất bình trước yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chồng lấn lên một phần thuộc quần đảo Natuna của Indonesia và gọi yêu sách này là không có cơ sở pháp lý. Trong các hộ chiếu của Trung Quốc được cấp vào năm 2012, “đường lưỡi bò” phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia gần quần đảo Natuna.

Hoạt động trái phép của tàu cá Trung Quốc cũng gây lo ngại cho các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Malaysia. Bộ Ngoại giao Malaysia ngày 31/3 đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Huang Huikang tới để phản đối về việc 100 tàu cá của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Malaysia ở Biển Đông.

Tuy nhiên, ông Aaron Connelly, một nhà nghiên cứu tại Viện chính sách quốc tế Lowy tại Sydney (Úc), đặt câu hỏi rằng liệu việc đồn trú các máy bay chiến đấu F-16 tại Natuna được xem là một sự răn đe hay được sử dụng để chiến đấu với nạn đánh bắt trái phép.

“Có vẻ như đó là một hành động phô diễn lực lượng, nhưng điều đó vô nghĩa”, ông Connelly nói. “Indonesia có thể dùng lá bài ngoại giao, nhưng không có các lá bài quân sự. Việc triển khai vài chiếc F-16 ở Natuna không khiến quân đội Trung Quốc hoảng sợ. Các máy bay F-16 cũng không phù hợp với việc giám sát hoạt động hàng hải”.

Bộ trưởng Quốc phòng Ryacudu cho biết thêm, ông hi vọng sẽ đạt được thỏa thuận nhằm mua từ 8-10 máy bay chiến đấu Su-35 của Nga trong chuyến thăm Moscow vào đầu tháng này. Ngoài ra, Indonesia cũng đang cân nhắc mua máy bay F-16V của Mỹ, Eurofighter Typhoon của châu Âu hoặc Gripen của Thụy Điển.

An Bình