1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Indonesia yêu cầu Bắc Kinh giao nộp tàu cá, nói Trung Quốc không nên bắt nạt nước nhỏ

(Dân trí) - Indonesia ngày 1/4 đã yêu cầu Trung Quốc giao nộp tàu cá mà Jakarta khẳng định là hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của mình gần Biển Đông, nói rằng các nước lớn không nên “bắt nạt” các nước nhỏ.


Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti (Ảnh: Tempo)

Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti (Ảnh: Tempo)

Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti, người chỉ đạo cuộc truy quét nhằm vào các hoạt động đánh bắt trái phép tại các vùng biển của nước này, hôm nay đã yêu cầu Bắc Kinh giao nộp tàu cá đánh bắt trái phép cho giới chức Malaysia.

“Tôi tin rằng Trung Quốc là một nước lớn, với việc thực thi pháp luật tốt, và họ sẽ không ủng hộ hoạt động đánh bắt trái phép dù đó là tàu Trung Quốc”, bà Pudjiastuti cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP. “Tôi tin rằng họ tôn trọng tôi bằng việc giao nộp tàu cá đánh bắt trái phép”.

“Tôi nghĩ là một nước lớn, họ không nên bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn”, bà Pudjiastuti nhấn mạnh.

Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc tranh cãi công khai hiếm hoi giữa hai nước, vốn bắt đầu 2 tuần trước khi tàu cá Indonesia và Trung Quốc va chạm tại vùng biển Natuna của Indonesia.

Một tàu tuần tra của Indonesia khi đó đã tìm cách bắt giữ một tàu cá Trung Quốc, mà họ khẳng định là hoạt động trái phép. Nhưng khi lực lượng tuần tra đang kéo nó về bờ khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc xuất hiện và đâm vào con tàu bị bắt giữ, giải cứu nó.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò”, chồng lấn lên các vùng biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Indonesia không có tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông, nhưng Jakarta rất bất bình trước yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chồng lấn lên một phần thuộc quần đảo Natuna của Indonesia và gọi yêu sách này là không có cơ sở pháp lý.

Chiến dịch truy quét nhằm vào hoạt động đánh bắt trái phép đã chứng kiến khoảng 200 tàu nước ngoài bị bắt giữ trong vùng biển Indonesia và nhiều tàu đã bị đánh chìm công khai sau khi thủy thủ đoàn bị bắt giữ.

Trước khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc giải thoát tàu cá nước này, giới chức Indonesia đã bắt giữ 8 thành viên thủy thủ đoàn.

Bà Pudjiastuti hôm nay cho biết khoảng 3 người sẽ bị truy tố nhưng những người còn lại sẽ bị trục xuất về nước. Bà không cho biết liệu tàu cá Trung Quốc có bị đánh chìm nếu được bàn giao hay không.

Hiện đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta chưa có phản ứng nào về thông tin trên, nhưng Bắc Kinh khẳng định cho biết tàu cá trên hoạt động trong “vùng ngư trường đánh bắt truyền thống của Trung Quốc”.

Bà Pudjiastuti bác bỏ tuyên bố trên, khẳng định rằng tàu ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, một khu vực nơi một quốc gia có các quyền lợi liên quan tới thăm dò và sử dụng tài nguyên biển.

Bộ Quốc phòng Indonesia ngày 31/3 cũng tuyên bố sẽ triển khai các máy bay chiến đấu F-16 tới quần đảo Natuna ở Biển Đông để bảo vệ lãnh thổ của nước này ở Biển Đông.

An Bình