1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Indonesia phấn đấu thành trục hàng hải, tránh “bẫy nợ” Trung Quốc

Dưới thời chính quyền của Tổng thống Joko Widodo, Indonesia quyết tâm trở thành trục hàng hải của thế giới.

Một chính sách hàng hải với 7 trụ cột đã được Tổng thống Widodo đưa ra ngay trong nhiệm kì đầu tiên và đã đạt được những thành công nhất định. Nếu trúng cử trong kì bầu cử lần này, xu hướng đẩy mạnh trục hàng hải toàn cầu của nhà lãnh đạo này như thế nào?

Indonesia phấn đấu thành trục hàng hải, tránh “bẫy nợ” Trung Quốc - 1

Tổng thống Indonesia Widodo. Ảnh: Tempo.co.

Indonesia là một quốc gia hàng hải với 2/3 lãnh thổ là nước. Nguồn tài nguyên biển của Indonesia rất đa dạng và phong phú. Vị trí chiến lược của Indonesia giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương- trục vận tải của thế giới, là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì tự do và an ninh hàng hải quốc tế, đặc biệt là tại giao lộ của các tuyến đường biển kết nối thương mại Đông-Bắc và Bắc-Nam. 

Chính sách về trục hàng hải trong nhiệm kì đầu

Ngay trong nhiệm kì đầu tiên, sau khi nhậm chức, năm 2014, Tổng thống Joko Widodo đưa ra chính sách về Trục hàng hải. Tới năm 2017, chương trình này sau đó được sửa đổi thành Chính sách hàng hải của Indonesia với 7 trụ cột. Đó là: Quản lý tài nguyên biển và phát triển nguồn nhân lực; Quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật và an toàn biển; Quản trị và thể chế biển; Kinh tế biển, cơ sở hạ tầng và phúc lợi được cải thiện, Quản lý không gian biển và bảo vệ môi trường biển, cuối cùng là Văn hóa hàng hải và Ngoại giao hàng hải.

Để hiện thực chính sách này, trong suốt nhiệm kì đầu, Tổng thống Widodo  tập trung phát triển cơ sở hạ tầng biển. Trong đó chú trọng xây dựng cảng để hỗ trợ nghề cá và đầu tư cho công tác vận chuyển để cải thiện nền kinh tế biển đảo. Bên cạnh đó là củng cố Hải quân Indonesia như một lực lượng hàng hải của khu vực. Tổng thống đã đề xuất xây dựng một đơn vị quân đội tích hợp tại quần đảo Natuna và Riau.

Một số thành tựu trong lĩnh vực hàng hải được chính phủ Joko Widodo thực hiện trong nhiệm kì đầu có thể kể đến đầu tiên là chương trình tài chính vi mô của ngư dân.

Với chương trình này, hơn 9.500 ngư dân được ngân hàng hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp chỉ 3%/năm. Thứ hai là thành công trong sáng kiến chuyển đổi sử dụng xăng dầu (BBM) sang LPG - một loại khí hóa lỏng để vận hành tàu cá nhỏ cho ngư dân, giúp giảm phí vận hành trên biển của ngư dân. Thứ ba, phát triển cơ sở hạ tầng kết nối biển. Các tuyến tàu tiên phong với nhiệm vụ kết nối các khu vực biển đảo Indonesia đã tăng lên 113 chiếc trong năm 2018, so với năm 2015 với 84 chiếc. Đường biển cũng tăng lên 18 làn trong năm 2018. Thứ tư là mở rộng các khu vực bảo tồn biển. Diện tích bảo tồn năm 2017 đạt 19,14 triệu ha, tăng so với năm 2014 là 16,45 triệu ha.

Xu hướng đẩy mạnh trục hàng hải toàn cầu trong nhiệm kì 2

Trong phiên tranh luận Tổng thống mới đây, Tổng thống Joko Widodo tiếp tục khẳng định đẩy mạnh trục hàng hải toàn cầu. Việc cần làm đầu tiên trong giai đoạn hai này, chính là khắc phục những thiếu sót của giai đoạn một.

Nhiều chuyên gia chính trị, an ninh và kinh tế đã chỉ trích chính sách trục hàng hải là không đủ sức để thực hiện quá trình phân phối hàng hóa hậu cần từ cảng, khiến cho nền kinh tế bị chững lại. Để khắc phục điều này, cần phát triển các cảng cá nhỏ là trung gian nối các cảng cá lớn ở Indonesia với các khu vực khó tiếp cận. Đây là một trong những trọng tâm của giai đoạn thứ hai theo phong cách của Joko Widodo.

Hiện đại hóa và quản lý tốt cảng để thu hút đầu tư của nước ngoài là ưu tiên trong xu hướng trục hàng hải Indonesia tới đây. Tầm nhìn của chính sách trục hàng hải thế giới sẽ biến Indonesia trở thành một "trung tâm" trong các vấn đề hàng hải. Do vậy, vấn đề phát triển bền vững trong giai đoạn 2 không chỉ tập trung vào cơ sở hạ tầng, mà còn đào tạo và phát triển nguồn lực. Đặc biệt là các nhà quản lý biển và nghề cá.

Thêm vào đó, Indonesia có vị trí địa chính trị quan trọng của tuyến hàng hải huyết mạch qua khu vực, đặc biệt là Eo biển Malacca, Sunda và Lombok. Các eo biển này làm tăng giá trị chiến lược của Indonesia. Vì thế đầu năm 2019, Indonesia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng Sơ đồ phân luồng giao thông (TSS) nhằm cải thiện An toàn vận chuyển và bảo vệ môi trường hàng hải và sẽ được tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) chính thức áp dụng vào tháng 6 tới đây. Điều này cũng cho thấy Indonesia nghiêm túc trong việc đóng góp tích cực cho lĩnh vực vận chuyển và an toàn thế giới trong tương lai.

Về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đều có sự xuất hiện và đóng góp vai trò của Indonesia.

Đối với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Indonesia sẽ tìm cách tránh không rơi vào cái gọi là “bẫy nợ” của Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua tuyên bố của Phó Tổng thống Yusuf Kalla thay mặt Tổng thống Joko Widodo tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường thứ hai ở Bắc Kinh cuối tháng 4/2019, rằng các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường phải phù hợp với chiến lược phát triển, được thúc đẩy bởi khu vực tư nhân và không làm tăng nợ chính phủ. Đồng thời sẽ tăng cường khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương tại khu vực ASEAN.

Tổng thống Joko Widodo tin rằng khái niệm này sẽ cung cấp một hướng đi mới cho hợp tác ASEAN với các nước đối tác. Thông qua khái niệm này, sự thống nhất và tính trung tâm của ASEAN trong khu vực sẽ được duy trì.

Theo Hương Trà

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm