1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Indonesia, Malaysia và Philippines tuần tra chung ở Biển Đông

(Dân trí) - Indonesia, Malaysia và Philippines ngày 2/8 đã nhất trí cho phép lực lượng hải quân của các nước truy bắt nghi phạm hình sự tại vùng biển của nhau. Đây là động thái được đánh giá để đối phó với những hoạt động bắt cóc con tin của các nhóm phiến quân Hồi giáo.


Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Malaysia và Philippines. (Ảnh: WSJ)

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, Malaysia và Philippines. (Ảnh: WSJ)

Bộ trưởng Quốc phòng của 3 nước Đông Nam Á nêu trên cho biết họ đã thảo luận về các phương thức cho phép lực lượng an ninh các nước tham gia cái gọi là những chiến dịch truy bắt ở khu vực biên giới các nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói: "Chúng tôi vẫn đang thảo luận vì có một số trở ngại về mặt quy định. Chúng tôi vẫn phải tham vấn về vấn đề cho phép tiến hành các chiến dịch trên bộ".

Kể từ tháng 5 vừa qua, đại diện của 3 nước trên đã tiến hành các cuộc thảo luận về kế hoạch tuần tra chung ở vùng biển phía Tây Nam của Philippines. Bộ trưởng Lorenzana cho hay ông và hai người đồng cấp là Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu và Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein đã thống nhất về kế hoạch tuần tra chung trên biển. Tuy nhiên, ông Lorenzana không cho biết lực lượng nào của hải quân các nước sẽ được triển khai hay các thông tin chi tiết khác liên quan.

Trong thông cáo báo chí, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryacudu đề xuất các cuộc tuần tra trên biển có thể được mở rộng vượt qua nội dung chống các nhóm phiến quân. Theo đó, các cuộc tuần tra trong thời gian tới có thể nhắm tới những nhóm buôn người và buôn ma túy.

Hồi cuối tháng 4, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đề xuất tiến hành tuần tra chung sau khi xuất hiện những vụ bắt cóc và cướp biển do nhóm phiến quân Abu Sayyaf tiến hành ở các vùng biển trong khu vực. Đây là nhóm có liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và thường tiến hành các vụ bắt cóc con tin đòi tiền chuộc.

Năm 2014, nhóm phiến quân này từng trả tự do cho 2 con tin người Đức, những người bị bắt trên du thuyền của họ khi đang ở biển Sulua. Cả chính phủ Đức và Philippines đều từ chối xác nhận liệu có phải họ đã trả tiền chuộc để đổi lại tự do cho hai người này hay không.

Kể từ đó, nhóm Abu Sayyaf đã tiến hành nhiều vụ bắt cóc với mục tiêu là các con tin người nước ngoài. Hồi tháng 4 vừa qua, nhóm Abu Sayyaf đã sát hại 1 con tin người Canada và sau đó một người khác vì quá thời hạn trả tiền chuộc.

Ngọc Anh

Theo WSJ