1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Indonesia lo ngại thiên đường nghỉ dưỡng Bali trở thành mục tiêu tiếp theo

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu ngày 14/1 thừa nhận rằng đảo du lịch nổi tiếng Bali có thể trở thành mục tiêu tấn công tiếp theo sau các vụ tấn công ở thủ đô Jakarta của nước này.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu (Ảnh: TEMPO)
Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu (Ảnh: TEMPO)

Phát biểu trước khi tham dự một cuộc họp an ninh tại Phủ Tổng thống Indonesia, Bộ trưởng Ryamizard Ryacudu ngày 14/1 cho biết: "Các mục tiêu là Jakarta và Bali. Nếu hai mục tiêu này bị tấn công, chúng sẽ thu hút sự chú ý của dư luận thế giới. Nếu chúng tấn công ở những khu vực khác như Parung chẳng hạn, sẽ chẳng ai quan tâm".

Bộ trưởng Ryamizard Ryacudu cũng kêu gọi người dân Indonesia đề cao cảnh giác trước nguy cơ xảy ra các vụ tấn công mới.

Trong khi đó, nhằm ngăn chặn những vụ tấn công tương tự như ở thủ đô Jakarta, cảnh sát và quân đội Indonesia đã tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh ở Bali. Chính phủ hiện chưa thể xác nhận địa điểm chính xác nơi có khả năng xảy ra tấn công trên Bali.

Bộ trưởng Ryamizard Ryacudu cho rằng động cơ của các vụ tấn công ở thủ đô Jakarta nhằm tạo ra sự hoang mang trong dư luận Indonesia. Ông cũng kêu gọi mọi người không nên hoảng loạn trong thời điểm này.

Ngoài ra, cảnh báo nguy cơ tấn công cũng được áp đặt khắp Indonesia sau các vụ tấn công. Cảnh sát khu vực Nam Sulawesi và Tây Sulawesi đã lập tức triển khai các đơn vị đặc nhiệm để tăng cường trong việc đảm bảo an ninh cho thành phố Makassar và Maros.

Các địa điểm trọng yếu được tăng cường an ninh là các điểm công cộng như cảng Sukarno, các trung tâm mua sắm, các nhà hàng thức ăn nhanh và sân bay quốc tế Sultan Hasanuddin kết nối đến thành phố Makassar.

Vụ tấn công xảy ra sau 6 năm thủ đô Jakarta của Indonesia tương đối yên bình và lực lượng an ninh trấn áp hiệu quả các mạng lưới Hồi giáo cực đoan nguy hiểm nhất ở nước này. Đứng đầu trong số này là nhóm Jemaah Islamiyah, một phong trào Hồi giáo cực đoan từng tiến hành vụ đánh bom đẫm máu tại Bali  năm 2002.

Thời gian qua, cảnh sát Indonsia đã nhận được nhiều lời đe dọa từ IS và thắt chặt an ninh trên cả nước. Giới chức Indonesia cho biết khoảng 700 người công dân nước này đã gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, trong đó có hơn 100 người đã trở lại đất nước.

Ngọc Anh

Tổng hợp