1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Indonesia hoãn tiêm vắc xin AstraZeneca, Thủ tướng Thái Lan vẫn tiêm

Minh Phương

(Dân trí) - Indonesia quyết định hoãn chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca sau khi một số nước châu Âu đình chỉ sử dụng vắc xin này do lo ngại có liên quan đến vấn đề đông máu.

Indonesia hoãn tiêm vắc xin AstraZeneca, Thủ tướng Thái Lan vẫn tiêm - 1
Nhiều nước đã tạm ngừng sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca (Ảnh minh họa: The West).

"Để đảm bảo an toàn, Cơ quan Quản lý Thực và Dược phẩm đã hoãn chương trình tiêm chủng vắc xin AstraZeneca trong khi chờ xác nhận từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin phát biểu tại một phiên điều trần trước quốc hội hôm nay 15/3.

Quyết định trên được đưa ra sau khi hàng loạt quốc gia châu Âu tạm ngừng sử dụng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca sau thông tin về một số trường hợp đông máu ở người tiêm vắc xin này.

Nhiều nước tạm ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca mặc dù Cơ quan Dược phẩm châu Âu và WHO đều nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy các trường hợp đông máu là do vắc xin AstraZeneca gây ra. Nhà sản xuất AstraZeneca cũng khẳng định không có bằng chứng cho thấy vắc xin của họ làm tăng nguy cơ xuất hiện các cục máu đông.

Trong tháng này, Indonesia đã nhận 1,1 triệu liều vắc xin AstraZeneca thông qua sáng kiến COVAX - một sáng kiến do WHO dẫn đầu nhằm chia sẻ vắc xin ngừa Covid-19 cho các nước. Indonesia dự kiến nhận thêm khoảng 10 triệu liều nữa trong các tháng tới. Với quyết định hoãn sử dụng AstraZeneca, Indonesia hiện chỉ còn một loại vắc xin đã phê chuẩn sử dụng là Sinovac Biotech do Trung Quốc sản xuất. Chương trình tiêm chủng của Indonesia bắt đầu từ tháng 1 và đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 181 triệu người trong vòng 1 năm.

Trước Indonesia, Thái Lan là nước đầu tiên ngoài châu Âu quyết định hoãn chương trình tiêm chủng vắc xin AstraZeneca. Tuy vậy, giới chức Thái Lan quyết định sẽ bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc xin AstraZeneca vào ngày mai 16/3 và Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cùng nội các của ông sẽ tiêm đầu tiên.

Vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca được nghiên cứu và phát triển dựa trên cơ sở hợp tác của hãng dược này với Đại học Oxford (Anh). Vắc xin AstraZeneca đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hoặc lưu hành trên thị trường tại hơn 50 quốc gia. Đến nay, khoảng 17 triệu người ở Anh và châu Âu đã tiêm loại vắc xin này.