1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

IMF cảnh báo kinh tế thế giới trên bờ vực "Chiến tranh Lạnh thứ hai"

Minh Phương

(Dân trí) - Sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu thành các khối quyền lực riêng có nguy cơ khiến GDP toàn cầu mất hàng nghìn tỷ USD, một lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo.

IMF cảnh báo kinh tế thế giới trên bờ vực Chiến tranh Lạnh thứ hai - 1

Bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF (Ảnh: CNBC).

Bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, cuối tuần trước cảnh báo rằng sự phân mảnh ngày càng nhanh của nền kinh tế thế giới thành các khối quyền lực khu vực, xoay quanh Mỹ và Trung Quốc, có nguy cơ xóa sạch hàng nghìn tỷ USD GDP toàn cầu.

"Nếu chúng ta rơi vào Chiến tranh Lạnh lần thứ hai, biết rõ cái giá phải trả, chúng ta có thể không thấy sự hủy diệt kinh tế, nhưng chúng ta có thể thấy lợi ích thu được từ thương mại mở cửa bị mất đi", bà Gopinath nói.

Cảnh báo rằng thế giới đang ở một "bước ngoặt" khi căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia hùng mạnh nhất, bà Gopinath kêu gọi các chính phủ cùng nhau hợp tác về các ưu tiên kinh tế chung nếu có thể.

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh thương mại quốc tế chậm lại kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, làm gia tăng căng thẳng từ trước giữa Mỹ, châu Âu với Nga và Trung Quốc.

"Các đường đứt gãy đang nổi lên khi sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng trở thành hiện thực. Nếu sự phân mảnh ngày càng sâu sắc, chúng ta có thể rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới", lãnh đạo IMF nói.

Bà Gopinath cảnh báo, GDP toàn cầu có thể giảm 2,5%, tương đương 2,5 nghìn tỷ USD nếu thương mại bị loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, tùy vào mức độ điều chỉnh của các nền kinh tế trước sự phân chia mới trong thương mại toàn cầu, thiệt hại này có thể lên tới 7% GDP.

Sự phân mảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài thành hai khối tập trung quanh Mỹ và Trung Quốc cũng có thể dẫn đến tổn thất toàn cầu về lâu dài khoảng 2% GDP.

Dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế vốn gặp khó những năm gần đây khi quan hệ giữa một số nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới rạn nứt, cùng với sự gia tăng hoạch định chính sách bảo hộ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Để đáp lại, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuỗi cung ứng "giảm rủi ro" sau nhiều năm toàn cầu hóa không được kiểm soát. Sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình này. Các doanh nghiệp tìm nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước hoặc từ các quốc gia có quan điểm chính trị phù hợp.

Các chính phủ cũng đang cung cấp hàng tỷ USD để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước và tạo việc làm, đồng thời đầu tư cho các ngành công nghiệp xanh để chống lại biến đổi khí hậu.

Dù thừa nhận chính sách này có thể mang lại lợi ích cho các quốc gia, bà Gopinath cảnh báo việc không quản lý được quy trình này có thể "dễ dàng lấn át những lợi ích mà chính sách đó mang lại".

Bà Gopinath nói thêm, một số quốc gia hưởng lợi trực tiếp từ sự chuyển hướng thương mại và đầu tư trong một nền kinh tế toàn cầu rạn nứt, nhưng họ cũng có thể chịu thiệt hại do thương mại quốc tế ngày càng tồi tệ. "Nói tóm lại, tất cả đều có thể thua", bà Gopinath nhấn mạnh.

Theo Guardian