1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Kinh tế thế giới đối mặt với thập kỷ tăng trưởng chậm

Minh Phương

(Dân trí) - Sau những năm đại dịch, kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức khiến đà tăng trưởng chậm, Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định.

Kinh tế thế giới đối mặt với thập kỷ tăng trưởng chậm - 1

Tại một hội chợ việc làm ở Trung Quốc năm 2023 (Ảnh: AFP)

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu vừa công bố, Ngân hàng Thế giới dự báo, GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,3% trong năm 2024, giảm so với mức 2,6% trong năm 2023 và đánh dấu tăng trưởng chậm lại năm thứ 3 liên tiếp.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ nhích nhẹ lên 2,7% vào năm 2025, nhưng tốc độ tăng trưởng trung bình trong giai đoạn 5 năm vẫn thấp hơn gần 0,75% so với trung bình những năm 2010.

"Nếu không có sự điều chỉnh lớn, những năm 2020 sẽ trôi qua như một thập kỷ cơ hội bị lãng phí", chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Indermit Gill cảnh báo.

Theo ông Gill, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với một số thách thức như chính sách thắt chặt tiền tệ, điều kiện tín dụng hạn chế, thương mại và đầu tư toàn cầu yếu.

Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập đến các cuộc xung đột gần đây ở Gaza, Ukraine, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga khiến giá năng lượng toàn cầu tăng.

Báo cáo chỉ ra, mặc dù nguy cơ suy thoái kinh tế đã giảm bớt, nhưng căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ gây ra thách thức mới cho kinh tế toàn cầu trong tương lai gần, khiến hầu hết các nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn trong năm 2024 và 2025.

"Chúng ta đang chứng kiến xung đột ở Ukraine, xung đột ở Trung Đông. Sự leo thang của những xung đột này có thể có tác động đáng kể đến giá năng lượng, đến lạm phát cũng như tăng trưởng kinh tế", ông Ayhan Kose, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, cho hay.

Xét theo khu vực, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở hầu hết Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Á và châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, khu vực Mỹ Latinh, Caribe, Trung Đông và châu Phi có cải thiện hơn một chút.

Các nền kinh tế đang phát triển có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trung hạn do thương mại toàn cầu chậm lại và do chính sách thắt chặt tài chính.

Theo CNBC