1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh - cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ

Mỹ Lệ

(Dân trí) - Việc hợp tác tìm kiếm hài cốt các quân nhân mất tích trong chiến tranh trong hơn 30 năm là cầu nối quan trọng để tăng cường niềm tin chiến lược và thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ.

Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh - cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ - 1

Các khách mời tham gia buổi tọa đàm (Ảnh chụp màn hình).

Tối ngày 2/12, Viện Hòa bình Mỹ (USIP) đã tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến về "Đúc rút kinh nghiệm từ hợp tác Việt - Mỹ về tìm kiếm hài cốt quân nhân". Đây là hoạt động trong khuôn khổ Sáng kiến Khắc phục hậu quả chiến tranh và Hòa giải với Việt Nam, được USIP khởi động hồi đầu tháng 8 năm nay.

Các diễn giả tham gia cuộc tọa đàm tập trung trao đổi về hoạt động hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong công tác tìm kiếm và xác định các hài cốt, lắng nghe câu chuyện của các gia đình Việt Nam có người thân hi sinh và mất tích trong chiến tranh, và lý do vì sao đây vẫn là nội dung quan trọng đối với cả hai nước dù đã qua 5 thập niên kể từ khi chiến tranh kết thúc. 

Ông George Moose, Chủ tịch Viện Hòa bình Mỹ, cho rằng sáng kiến trên một bước tiến quan trọng trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác ý nghĩa giữa 2 quốc gia. Ông nói, còn nhiều việc để làm với mục tiêu thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ, mà trước hết là xây dựng nền tảng cho sự hợp tác liên tục, hòa giải và hàn gắn vết thương chiến tranh.

Theo ông Kelly McKeague, Giám đốc Cơ quan kiểm kê tù binh và người mất tích, Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA), mặc dù Mỹ đã tiến hành tìm kiếm người mất tích sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 và Chiến tranh Triều Tiên nhưng việc tìm kiếm quân nhân mất tích tại Việt Nam sử dụng nhiều công nghệ hiện đại hơn. Hoạt động tìm kiếm và quy tập hài cốt tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1988 và cho tới nay 727 hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh đã được tìm thấy và hơn 1.245 người vẫn mất tích.

"Cả hai bên cũng đều nhất trí rằng chính sự tin tưởng và thiện chí ngay từ ban đầu của các nỗ lực nhân đạo này đã tạo thành nền tảng cho bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ sau này", ông McKeague nói.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Đại tá Đoàn Quang Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chính sách, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 515, cho hay theo số liệu thống kê, Việt Nam còn khoảng 200.000 hài cốt quân nhân hi sinh trong chiến tranh còn phải tìm kiếm, quy tập. Tuy nhiên, hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Việt Nam ngày càng khó khăn, vì nhiều nguyên nhân như thông tin ngày càng ít và độ chính xác không cao, các nhân chứng tuổi đã cao, tài liệu chưa đầy đủ, thời gian chôn cất liệt sĩ đã lâu, địa hình thay đổi.... 

Ông Đoàn Quang Hòa bày tỏ mong muốn các chuyên gia của Mỹ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, trợ giúp để Việt Nam nâng cao công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong thời gian tới, đặc biệt trong việc sử dụng các công nghệ tiên tiến.

Ông Tim Rieser, Trợ lý chính sách đối ngoại của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy - người có rất nhiều nỗ lực đóng góp cho việc giải quyết các di sản chiến tranh và thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ, đề cập tới một chương trình mới kéo dài 5 năm với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cùng chính phủ Việt Nam nhằm xem xét các tài liệu lưu trữ lịch sử truyền miệng và các thông tin thời chiến khác, cùng sự hỗ trợ của kỹ thuật và công nghệ ADN, để nâng cao đáng kể năng lực xác định vị trí hài cốt các liệt sĩ Việt Nam hi sinh trong chiến tranh. 

Theo ông Rieser, việc hợp tác tốt trong lĩnh vực giải quyết hậu quả chiến tranh sẽ góp phần mở rộng mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ sang các lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, an ninh khu vực…

"Chúng tôi cũng mong các thế hệ tương lai tại Việt Nam hiểu rằng, nhiều năm sau những gì mà chúng ta đã chứng kiến trong chiến tranh, hai nước đã tìm được cách để biến những đau thương như vậy trở thành nền tảng cho một tương lai tốt đẹp hơn", ông Rieser nói.

Bà Thảo Griffiths, một chuyên gia độc lập về các vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh, cho rằng việc hợp tác hiệu quả trong việc tìm kiếm quân nhân mất tích sẽ là sự đóng góp rất ý nghĩa và quý báu cho việc tạo nên niềm tin chiến lược giữa hai nước. Bà Thảo cũng dẫn lại lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từng phát biểu: "Hợp tác song phương trong giải quyết hậu quả chiến tranh tạo một nền tảng vững chắc và mở ra cánh cửa cho hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác".

Bà Thảo xúc động trước những nỗ lực, cam kết của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy trong việc ủng hộ tìm kiếm các liệt sĩ Việt Nam mất tích trong chiến tranh và giải quyết hậu quả chiến tranh. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng cần chuẩn bị cho sự chuyển giao thế hệ trong tương lai để Việt Nam tiếp tục có được sự ủng hộ của giới chính khách và lãnh đạo Mỹ trong vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh, vì vấn này còn dai dẳng và cần được tiếp tục thực hiện trong nhiều năm nữa.

Phát biểu kết thúc sự kiện, Phó Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hoàng Thị Thanh Nga đồng tình với các nhận định cho rằng việc giải quyết hậu quả chiến tranh có vai trò rất quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ, góp phần vơi đi nỗi đau của các gia đình tại Việt Nam mất người thân, đồng thời góp phần kiến tạo niềm tin chiến lược và xây đắp mối quan hệ song phương tốt đẹp như hiện nay.

Bà Thanh Nga nói thêm, dù đã đạt được các kết quả quan trọng nhưng việc giải quyết các hậu quả chiến tranh vẫn còn rất nhiều thách thức, đặc biệt do những khó khăn về tài chính và công nghệ, do đó sự trợ giúp của phía Mỹ và các đối tác có ý nghĩa rất lớn trong việc tìm kiếm và quy tập các mộ hài cốt liệt sĩ Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm