1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hồng Kông có ca nhiễm cúm A/H1N1 thứ hai

(Dân trí) - Hồng Kông đã xác nhận ca nhiễm cúm A/H1N1 thứ hai, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dịch tiếp tục phát tán với số được xác nhận nhiễm bệnh chuẩn bị vượt qua mốc 6.000.

Hồng Kông có ca nhiễm cúm A/H1N1 thứ hai  - 1
Cúm bắt đầu xuất hiện rải rác ở Hồng Kông cũng như Trung Quốc đại lục.
 
Theo Cơ quan y tế Hồng Kông, người bệnh là một nam giới 24 tuổi, từng đến Mỹ thời gian qua. 

 

Giám đốc Trung tâm Y tế phòng hộ Hồng Kông Tăng Hạo Huy cho biết, người bệnh xuất hiện sốt cao từ ngày 6/5. Ngày 11/5, người này đã đáp máy bay từ San Francisco về Hồng Kông và được yêu cầu nhập viện ngay. Người nhà của người bệnh và 6 hành khách cùng đáp chuyến bay đã được cách ly.

 

Trường hợp mới nhất được thông báo gần 2 tuần sau khi một người Mexico với cúm A/H1N1 đặt chân đến Hồng Kông, khiến đặc khu này của Trung Quốc trở thành khu vực đầu tiên ở châu Á phơi nhiễm với dịch bệnh.

 

Trong khi đó, theo số liệu mới nhất do WHO công bố, số người bị lây nhiễm cúm A/H1N1 đã tăng thêm gần 500, lên tới xấp xỉ 6.000 người ở 33 quốc gia và đã có 63 người chết vì dịch cúm này. Quốc gia có số bệnh nhân đông nhất vẫn là Mỹ với hơn 3.000 trường hợp.

 

Theo một chuyên gia Liên Hợp Quốc, virut cúm A/H1N1 vẫn biến đổi không ngừng và sẽ phát triển khả năng đề kháng mới khi đến nam bán cầu, nơi mà mùa đông đang bắt đầu và tạo điều kiện cho virut lây lan dễ dàng hơn. Hiện các nhà khoa học toàn thế giới vẫn đang chạy đua với thời gian để chế tạo vắc xin ngừa dịch cúm này.

 

Các chuyên gia y tế của WHO trước đó khẳng định phần lớn những người nhiễm cúm A/H1N1 có bệnh tình nhẹ đều không cần uống thuốc kháng virut cũng có thể khỏi bệnh, bởi vậy, không cần thiết cấp thuốc kháng virut cho tất cả những người lây nhiễm. Số thuốc này nên dành cho cộng đồng có rủi ro cao dễ mắc bệnh nặng, thậm chí tử vong. Theo WHO, cộng đồng có rủi ro cao là chỉ những người vốn mắc bệnh tim mạch, tiểu đường cũng như các bệnh mạn tính khác hoặc phụ nữ có thai...

 

WHO cũng loan báo hiện vẫn chưa có lý do gì để tăng mức báo động. “Điều thực sự quan trọng là các chính phủ phải tiếp tục cảnh giác, nhưng cũng quan trọng không kém là mọi người không nên hoảng loạn”, ông Vivian Tan, một người phát ngôn của WHO nói.

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp