Hong Kong chính thức rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi
(Dân trí) - Cơ quan lập pháp Hong Kong hôm nay chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi sau nhiều tuần chứng kiến các cuộc biểu tình tại đặc khu hành chính này.
“Tôi bây giờ chính thức tuyên bố rút lại dự luật”, Lãnh đạo Cơ quan An ninh Hong Kong John Lee phát biểu trước cơ quan lập pháp Hong Kong hôm nay 23/10.
Các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ ngay lập tức tìm cách đặt câu hỏi cho ông Lee về vấn đề này, song ông đã từ chối. Trong khi đó, chủ tịch hội đồng lập pháp Hong Kong cho biết vấn đề này không được đưa ra tranh luận.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 4/9, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Bà Lâm khi đó khẳng định dự luật này “đã chết”.
Việc cơ quan lập pháp Hong Kong tuyên bố rút dự luật dẫn độ đồng nghĩa với việc chính quyền Hong Kong rốt cuộc đã chấp thuận 1 trong 5 yêu cầu của người biểu tình.
Ngoài yêu cầu chính thức rút dự luật dẫn độ, người biểu tình còn đòi chính quyền Hong Kong phải thành lập một ủy ban để điều tra các hành vi bạo lực của cảnh sát khi đối phó với người biểu tình, ân xá cho những người bị bắt, dừng gọi các cuộc biểu tình là các cuộc nổi loạn và khởi động lại tiến trình cải cách chính trị đang bị đình trệ.
Từ tháng 6, người dân Hong Kong đã xuống đường biểu tình phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Dự luật cho phép Hong Kong dẫn độ nghi phạm tới những nơi chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục.
Mặc dù bà Lâm tuyên bố dự luật dẫn độ “đã chết”, song người dân Hong Kong vẫn tiếp tục xuống đường để đòi hỏi chính quyền thực hiện thêm một số yêu cầu khác. Các vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát vẫn diễn ra tại đặc khu hành chính này.
Trung Quốc bác tin thay lãnh đạo Hong Kong
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay bác bỏ thông tin do báo Financial Times có trụ sở tại Anh nói rằng, Bắc Kinh đang lên kế hoạch thay thế Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga bằng một nhà lãnh đạo “lâm thời”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết đây là “tin đồn chính trị với động cơ ngầm phía sau”.
Bà Hoa nhấn mạnh, chính quyền trung ương Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của bà Lâm và chính quyền Hong Kong trong việc ngăn chặn bạo lực và khôi phục trật tự trong thời gian sớm nhất có thể tại đặc khu hành chính này.
Trước đó, Financial Times dẫn các nguồn tin giấu tên quen thuộc với các cuộc thảo luận của chính quyền Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang cân nhắc tìm một nhà lãnh đạo khác để thay thế bà Lâm vào tháng 3/2020. Người này sẽ giữ vai trò lãnh đạo Hong Kong cho tới hết nhiệm kỳ của bà Lâm vào năm 2022.
Hồi tháng 9, khi phản hồi thông tin liên quan tới việc từ chức, bà Lâm cho biết bà chưa bao giờ yêu cầu chính quyền Trung Quốc cho phép bà từ chức để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại đặc khu hành chính Hong Kong.
Yang Guang, người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Macau và Hong Kong thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, hồi tháng 9 cũng khẳng định Bắc Kinh “ủng hộ mạnh mẽ Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga trong việc dẫn dắt chính quyền đặc khu”.
Thành Đạt
Theo CNBC, SCMP