1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hơn 1,1 triệu ca nhiễm, châu Âu có tín hiệu khả quan về dịch Covid-19

(Dân trí) - Châu Âu vẫn là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, song số ca tử vong mới tại các nước trong khu vực đang có xu hướng giảm dần.

Hơn 1,1 triệu ca nhiễm, châu Âu có tín hiệu khả quan về dịch Covid-19 - 1

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại phòng điều trị tích cực của bệnh viện ở Payerne, Thụy Sĩ. (Ảnh: Reuters)

Theo thống kê của AFP ngày 19/4, ít nhất 1,13 triệu người đã bị mắc Covid-19 tại châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng vượt 100.000 người. Châu Âu hiện vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 trên thế giới, chiếm hơn 60% trong tổng số ca tử vong toàn cầu.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang cho thấy những dấu hiệu “hạ nhiệt” đầu tiên tại châu Âu, khi các điểm nóng như Italia, Tây Ban Nha và Pháp đều ghi nhận số ca tử vong mới trong ngày thấp nhất trong nhiều tuần.

Theo Bộ Y tế Tây Ban Nha, số người chết vì Covid-19 tại Tây Ban Nha ngày 19/4 đã tăng thêm 410 người, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 20.453. Đây là mức tăng số ca tử vong trong ngày thấp nhất tại Tây Ban Nha từ ngày 22/3.

Chính phủ Tây Ban Nha bắt đầu đóng cửa một số cơ sở “dã chiến”, vốn được thiết lập để giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế, bao gồm một nhà xác tạm thời tại một đường băng ở Madrid.

Italia hôm qua cũng ghi nhận số ca tử vong mới trong ngày thấp nhất trong tuần. Cơ quan Phòng vệ Dân sự Italia ngày 19/4 xác nhận nước này ghi nhận thêm 433 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 23.660 trường hợp.

Trước đó, số ca tử vong mới được ghi nhận trong ngày 18/4 tại Italia là 482 trường hợp, giảm so với 575 trường hợp hôm 17/4. Số ca tử vong và mắc Covid-19 tại Italia giảm đáng kể sau khi đạt đỉnh vào khoảng cuối tháng 3.

Số người chết vì Covid-19 tại Pháp cũng tăng với tốc độ chậm nhất trong 3 tuần. Ngày 19/4, Pháp chỉ ghi nhận thêm 395 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 19.718 người.

Tại cuộc họp báo vào tối qua, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe và Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết số bệnh nhân nhập viện và được điều trị tích cực đều đã giảm trong 10 ngày liên tiếp.

“Tình hình đang được cải thiện dần dần, chậm nhưng chắc chắn… Sự lây lan của virus đã yếu và được kiểm soát. Tôi có thể tuyên bố với sự cẩn trọng, virus đã được kiểm soát”, Thủ tướng Philippe tuyên bố.

Số liệu về dịch Covid-19 tại ĐứcAnh cũng cho thấy, các biện pháp giãn cách xã hội đang phát huy hiệu quả. Hai nước lần lượt ghi nhận số ca tử vong là hơn 4.600 người và hơn 16.000 người.

Hà Lan cũng chỉ ghi nhận thêm 83 ca tử vong mới trong ngày 19/4, đánh dấu mức tăng số ca tử vong trong ngày thấp nhất tại nước này kể từ ngày 26/3. Số người chết vì Covid-19 tại Hà Lan hiện được ghi nhận 3.684 trường hợp.

Nới lỏng phong tỏa

Mặc dù xu hướng chung của các nước châu Âu đều chứng kiến sự sụt giảm về số ca tử vong mới trong ngày, song mỗi nước đều có kế hoạch riêng về việc nới lỏng phong tỏa và dỡ bỏ các hạn chế để kiểm soát sự lây nhiễm.

Đức cho phép các cửa hàng nhỏ, đại lý phân phối xe ô tô và hiệu sách mở cửa trở lại từ ngày 20/4. Các trường học sẽ bắt đầu đón học sinh trở lại từ đầu tháng 5. Đây là những bước đi đầu tiên của Đức trong lộ trình đưa các hoạt động trở lại bình thường sau đại dịch.

Ngược lại, tại Tây Ban Nha, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được áp đặt từ giữa tháng 3 có thể sẽ tiếp tục được kéo dài tới tháng 5. Trong khi đó, Italia sẽ không có bất kỳ động thái dỡ bỏ phong tỏa đáng kể nào trước ngày 4/5, song một số công ty tại Italia cũng được cho phép nối lại hoạt động từ tuần này.

Giới chức Anh cho biết nước này vẫn đang xem xét kết hoạch nới lỏng phong tỏa từng bước, trong đó ngành công nghiệp dịch vụ gồm quán bar hay nhà hàng sẽ là những cơ sở cuối cùng được phép mở cửa trở lại. Trước đó, Anh ngày 16/4 cho biết nước này có thể sẽ kéo dài lệnh phong tỏa thêm ít nhất 3 tuần.

Một số nước tại châu Âu như Thụy Sĩ, Đan Mạch và Phần Lan cũng bắt đầu cho phép trường học và cửa hàng mở cửa trở lại.

Thủ tướng Philippe cho biết chính phủ Pháp vẫn đang xem xét các kế hoạch để mở cửa lại đất nước từ ngày 11/5 sau thời gian đóng băng vì Covid-19.

“Cuộc sống của chúng ta, bắt đầu từ ngày 11/5, sẽ không còn là cuộc sống như trước phong tỏa”, ông Philippe dự báo.

Mặc dù số ca tử vong và nhiễm bệnh tại một số nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Âu đã có tín hiệu khả quan, song chính phủ các nước vẫn thận trọng trong việc nới lỏng các hạn chế quá sớm và quá rộng để tránh làn sóng lây nhiễm virus hàng loạt lần hai.

“Tây Ban Nha đã kiểm soát được sự tấn công khủng khiếp của đại dịch. Tuy nhiên những thành quả này vẫn chưa đủ, và vẫn mong manh”, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói.

Theo Bloomberg, các nhà kinh tế nhận định đại dịch Covid-19 có thể sẽ dẫn tới cuộc suy thoái khủng khiếp nhất trong lịch sử Liên minh châu Âu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ sụt giảm tới 7,5% trong năm nay. Châu Âu được dự đoán là khu vực có hoạt động kinh tế giảm sút lớn nhất so với các khu vực khác trên thế giới. 

Giám đốc điều hành Cơ chế Bình ổn châu Âu Klaus Regling cho biết châu Âu sẽ cần thêm ít nhất 500 tỷ euro nữa để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Các bộ trưởng tài chính của châu Âu hồi đầu tháng đã đồng ý chi gói cứu trợ 540 tỷ euro nhằm hỗ trợ các công ty và hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thành Đạt

Theo AFP, Bloomberg, DW