1. Dòng sự kiện:
  2. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày
  3. Mỹ thúc đẩy đàm phán về xung đột Ukraine
  4. Động đất mạnh tại Myanmar

Hồi ức một anh hề trong Thế chiến II

Năm 1949, Alex Kurzem đặt chân đến Australia với hành trang chỉ là một chiếc vali nhỏ màu nâu cũ kỹ, nhưng bên trong đó lại ẩn giấu một bí mật mà ông không bao giờ muốn nhắc đến.

Đó là một quá khứ bí mật, là những hồi ức đau thương mà Alex đã giấu kín hàng thập kỷ. Vào năm 1997, sau khi đã có một gia đình yên ấm ở Melbourne với một phụ nữ Australia ông mới tiết lộ thân thế của mình. Ông kể về chuyện từng được một sĩ quan SS (lính cận vệ Đức quốc xã) tha mạng và trở thành một chú hề mua vui cho các sĩ quan SS ra sao.

 

Cuộc đời ông, một trong những câu chuyện điển hình trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đã được viết thành sách và xuất bản gần đây với tựa đề “Chú hề”.

 

“Họ đưa cho tôi bộ đồng phục và một khẩu súng lục”, ông kể. “Họ để tôi làm một số việc vặt như đánh giày, xách nước và châm thuốc. Nhưng công việc chính của tôi vẫn là mua vui cho những tên lính và làm cho họ được vui vẻ”, ông nhớ lại.

 

Ông đã từng bị gọi là tên phát xít trẻ nhất của Đế chế thứ ba và từng chứng kiến những tội ác dã man không thể diễn tả được thành lời. Nhưng viên sĩ quan SS ấy không bao giờ để lộ chi tiết quan trọng nhất trong cuộc đời ông: chú hề nhỏ bé lại chính là một người Do Thái.

 

“Họ không hề biết rằng tôi một người Do Thái đã thoát khỏi tay họ. Họ nghĩ tôi là một cậu bé mồ côi người Nga”.

 

Câu chuyện của ông bắt đầu vào ngày 20 tháng 10 năm 1941, ngày mà quân Đức đã tấn công quê hương ông một ngôi làng nhỏ ở Belarus.

 

“Tôi nhớ rằng quân Đức đã vào làng, dồn tất cả đàn ông trong làng ra quảng trường và bắn chết hết. Mẹ tôi nói rằng bố tôi đã bị bắn chết và chúng tôi có lẽ cũng sắp bị giết.”

 

“Tôi không muốn chết nên giữa đêm tôi đã trốn khỏi nhà. Tôi đã hôn tạm biệt mẹ và cứ thế chạy lên đồi ra khỏi làng cho đến khi trời sáng . Đó cũng là ngày mà mẹ tôi và các anh chị em tôi bị giết.”

 

“Tôi đã rất sợ. Tôi nhớ là tôi đã phải cắn vào tay để khỏi bật khóc bởi nếu tôi khóc chúng sẽ biết tôi đang trốn ở trong rừng. Lúc đó tôi không thể nhớ chính xác những gì đã xảy ra. Tôi nghĩ là tôi đã bị ngất đi vài phút sau đó. Thật khủng khiếp!”

 

“Khi tiếng súng ngưng, tôi không biết là sẽ đi đâu và tôi đã đi vào rừng. Tôi không thể quay lại bởi tôi chỉ còn lại một mình. Lúc đó tôi chỉ khoảng năm, sáu tuổi.”

 

“Tôi đi vào rừng và chẳng có ai quan tâm đến tôi. Tôi gõ cửa một số ngôi nhà, họ cho tôi một ít bánh mỳ rồi bảo tôi đi đi. Không một ai cho tôi vào nhà".

 

Alex sống sót nhờ những bộ quần áo của những binh lính đã chết. Sau 9 tháng trong rừng một người đàn ông địa phương đã bắt giao cậu bé cho một đồn cứu hỏa Latvia, sau trở thành trụ sở của quân phát xít.

 

Ngày hôm đó mọi người ở đây cũng bị dồn thành hàng và bị bắn. Alex nghĩ mình cũng sắp chết rồi.

 

Ông kể tiếp: "Bỗng nhiên có một viên sĩ quan tiến lại gần tôi, tôi hỏi liệu ông ta có thể cho tôi một ít bánh mỳ trước khi tôi bị giết không. Ông ta nhìn tôi và dẫn tôi ra phía sau. Ông ta tra hỏi và biết rằng tôi là một người Do Thái. “Không tồi, không tồi ” ông ta nói “Này, tao không muốn giết mày nhưng tao không thể thả mày được.”

 

“Tao sẽ cho mày đi theo, lấy tên khác cho mày và mày phải nói với những tên lính khác rằng mày là trẻ mồ côi người Nga. ”

 

Cho đến tận bây giờ Alex Kurzem không hiểu tại sao viên trung sĩ SS Jekabs Kulis lại không giết ông. Dù động cơ của ông ta là gì thì nó cũng đã giúp Alex thoát chết. Cả viên sĩ quan và ông đã cùng nhau giữ bí mật này.

 

"Bất cứ lúc nào tôi cũng phải tự nhủ rằng không được để lộ thân thế, bởi nếu người ta biết được thì tôi sẽ chết. Tôi sợ người Nga sẽ bắn tôi, sợ người Đức sẽ phát hiện ra tôi là người Do Thái. Tôi gần như đã bị kẹp ở giữa."

 

Đến năm 1944, khi mà phe phát xít gần như bị đánh bại, viên tướng SS ở đây đã gửi ông cho một gia đình Latvia. Năm năm sau Alex đến Australia. Thời gian này ông làm việc ở rạp xiếc và có lúc ông là thợ sửa vô tuyến ở Melbourne. Suốt một thời gian dài ông giữ bí mật về quá khứ của mình, thậm chí với cả Patricia vợ của ông.

 

“Khi tôi rời châu Âu tôi đã tự nhủ hãy quên đi quá khứ của mình đi. Mình sẽ đến một nước khác và làm lại cuộc đời. Hãy quên nó đi, đừng bao giờ nhắc lại nữa.”

 

“Tôi cố gắng làm điều đó. Tôi nói với mọi người rằng bố mẹ tôi đã mất trong chiến tranh và tôi không kể chi tiết. Tôi giữ bí mật và không bao giờ nói cho ai cả.”

 

Cuối cùng thì mãi cho đến năm 1997 ông mới kể về quá khứ của mình cho vợ và cậu con trai Mark. Sau khi thăm lại ngôi làng nơi ông đã sinh ra, người ta mới biết được tên thật của ông là Ilya Galperin và thậm chí còn tìm thấy cả một đoạn phim về Alex trong tư liệu của cơ quan SS.

 

Theo Hoàng Trang

Vnexpress/BBC