Hội nghị thượng đỉnh G20: Khó đạt được mục tiêu tham vọng
Bài toán cho G20 chính là việc giải quyết các mâu thuẫn giữa nước giàu và nước phát triển mới nối, những lợi ích kinh tế gắn với xung đột chính trị.
Năm nay, G20 quyết tâm đặt ra một tham vọng khá lớn. Đó là nỗ lực thực hiện gần 1.000 sáng kiến chính sách nhằm tăng GDP toàn cầu trong 5 năm tới thêm 2% (tương đương 2000 tỷ USD) so với mức dự báo, qua đó tạo thêm hàng triệu việc làm.
Chiến lược tăng trưởng mới của G20 sẽ gồm cải cách cả kinh tế vĩ mô nhưng lại tái cấu trúc cho phù hợp với từng quốc gia; tăng cường đầu tư có chất lượng vào cơ sở hạ tầng; cắt giảm rào cản thương mại; thúc đẩy cạnh tranh và tăng cường tạo việc làm. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo thế giới cũng sẽ thảo luận về vấn đề phục hồi kinh tế như cải cách các quy định tài chính, hiện đại hóa hệ thống thuế, phục hồi thị trường năng lượng, củng cố hệ thống trao đổi thương mại toàn cầu và chống tham nhũng.
Nhiều chuyên gia nhận định, đây là một kế hoạch tham vọng nhưng không phải không thực hiện được. Thời điểm này, nhiều liên minh kinh tế đang hình thành, trong đó phải kể đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do song phương… Điều này giúp thúc đẩy từng nền kinh tế thành viên cũng như giúp các cam kết kinh tế tiến gần nhau hơn.
Thêm vào đó, những tín hiệu đáng mừng là hầu hết các nước thành viên của G20 đều nhất trí với những sáng kiến được nêu ra. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định, mục tiêu 2% có thể đạt được thông qua các biện pháp trên. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để những cam kết biến thành hành động.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, nước Đức sẽ đi đầu trong việc thực hiện các cam kết: “Tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ gửi được một thông điệp rõ ràng về sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, một thông điệp rõ ràng về việc chúng tôi muốn thúc đẩy sự tăng trưởng đó. Nước Đức, sẽ luôn đi đầu trong cải cách và mong muốn thực hiện tốt các chính sách tài chính. Tôi nghĩ rằng đó là điều kiện tiên quyết cho sự tăng trưởng”.
Tuy nhiên, không phải không có những ý kiến phản đối các chính sách mà G20 đưa ra. Từ trước đến nay, G20 luôn phải đối mặt với chỉ trích là “nói suông”. Thậm chí, những chính sách phát triển của G20 thiên về hướng có lợi cho các nước giàu. Điều này đang tạo ra một khoảng cách lớn về phát triển. Ngay trước khi Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra, rất nhiều tổ chức xã hội tổ chức diễu hành phản đối ở nhiều nước, đặc biệt là tại Brisbane để yêu cầu G20 có chính sách cân bằng hơn.
Tiến sỹ Helen Szoke, giám đốc điều hành của OXFAM, một tổ chức phát triển của Australia cho rằng: “Tồn tại một khoảng cách lớn giữa những người giàu nhất và nghèo nhất trên thế giới. Chúng tôi muốn các nhà lãnh đạo G20 hiểu được những tồn tại của quá trình phát triển, và điều họ cần phải làm là những lợi ích phát triển phải là lợi ích của tất cả mọi người chứ không phải chỉ của những người giàu”.
Không chỉ đối mặt với những vấn đề kinh tế, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay còn bị che phủ do “bóng đen” của xung đột chính trị tại Ukraine. Cuộc xung đột này đã khiến kinh tế Châu Âu, nơi có số đông các nước thành viên G20 bị đe dọa, trong đó trực tiếp là EU và Nga. Các lệnh trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và EU đã làm mức tăng trưởng kinh tế của 2 bên giảm đáng kể.
Theo Châu Anh/VOV- Trung tâm Tin Tổng hợp